3 lời khuyên khám sức khỏe định kỳ cho phụ nữ trung niên

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Khám sức khỏe định kỳ là một hoạt động được khuyến khích cho mọi lứa tuổi. Đặc biệt, ở lứa tuổi trung niên, người phụ nữ có nguy cơ cao mắc phải nhiều bệnh lý nguy hiểm và được xem là đối tượng cần quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe.

1. Phụ nữ trung niên nên khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm

Thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, người thuộc độ tuổi trung niên bắt đầu có dấu hiệu lão hóa rõ ràng hơn, sức đề kháng dần giảm sút khiến chúng ta trở nên kém linh hoạt và dễ mắc bệnh hơn lúc trẻ tuổi. 

Theo các chuyên gia, bắt đầu từ dấu mốc 40 tuổi trở đi, hoạt động chuyển hóa trong cơ thể người phụ nữ giảm 2% và khối lượng các cơ cũng sụt giảm 2,7 – 3,2kg trong mỗi chu kỳ 10 năm. Không chỉ vậy, các nguy cơ mắc bệnh ác tính ở giai đoạn này cũng tăng cao. Độ tuổi trung niên trở đi là nhóm độ tuổi dễ mắc các bệnh ung thư nhất. 

Nhận diện sớm những dấu hiệu cảnh báo và chủ động ngăn ngừa bệnh tật sẽ giúp phụ nữ duy trì được cơ thể luôn khỏe mạnh, yên tâm an dưỡng. Và để đạt được điều này, phụ nữ trung niên nên thói quen đơn giản khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. 

khám sức khỏe định kỳ ở đâu

Phụ nữ trung niên nên khám định kỳ 6 tháng/lần

2. Xây dựng danh mục khám sức khỏe dành cho phụ nữ tuổi trung niên

Phụ nữ tuổi trung niên thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có một số bệnh lý phổ biến hơn cả với đối tượng này. Và đó chính là những danh mục khám nên xuất hiện trong gói khám sức khỏe cho phụ nữ độ tuổi trung niên.

2.1. Các danh mục khám tổng quát nên có khi khám sức khỏe định kỳ

Khi khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế, danh mục khám cơ bản thường bao gồm khám nội khoa, ngoại khoa, khám mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt… Nhìn chung, các danh mục này gần tương tự như khi khám sức khỏe xin việc. Để có thể sàng lọc triệt để các nguy cơ bệnh lý thường gặp cho phụ nữ tuổi trung niên, danh mục khám cần phải có thêm các danh mục sau:

– Đo mật độ xương: Đây là phương pháp hiệu quả để kiểm tra nguy cơ loãng xương. Bệnh loãng xương tuy không gây chết người, nhưng có thể đe dọa đến chất lượng cuộc sống của hàng triệu phụ nữ. Ngoài yếu tố độ tuổi, còn có một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ loãng xương mà bạn nên biết: người có vóc dáng nhỏ bé, người có gia đình có tiền sử bị loãng xương, người mãn kinh sớm hay bị cắt buồng trứng vì bất kỳ lý do nào.

– Khám tim mạch: Khi đến tuổi tiền mãn kinh, lượng hormone sinh dục nữ bị giảm đáng kể, kéo theo nhiều nguy cơ bệnh lý gia tăng trong đó có các bệnh tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành…). Các phương pháp được áp dụng để khám tim mạch bao gồm: đo huyết áp, điện tâm đồ, chụp X-quang tim phổi, siêu âm tim…

Khám phụ khoa: Không chỉ khi tới độ tuổi mãn kinh chúng ta mới nên quan tâm tới sức khỏe cơ quan sinh sản, việc này nên được thực hiện thường xuyên từ khi chúng ta còn trẻ. Với các phương pháp khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ có các kết luận về tình trạng của người bệnh và đưa ra hướng điều trị cụ thể.

– Kiểm tra lượng đường trong máu: Lượng đường huyết ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tim và thận, vì thế phụ nữ trung niên nên kiểm tra đường huyết thường xuyên. Phương pháp được áp dụng phổ biến để kiểm tra đường huyết là xét nghiệm máu.

có nên khám sức khỏe định kỳ

Kiểm tra đường huyết là một trong những danh mục khám quan trọng ở tuổi trung niên

2.2. Danh mục tầm soát ung thư nên có khi khám sức khỏe định kỳ

Phụ nữ tuổi trung niên có nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư đường tiêu hóa (dạ dày, đại trực tràng), ung thư phổi. Vì thế, đây sẽ là các loại ung thư mà phụ nữ trung tuổi nên lưu ý tầm soát.

Để có thể sàng lọc các loại ung thư nói trên, các phương pháp thường được sử dụng là:

Ung thư vú: Siêu âm, chụp X-quang.

– Ung thư cổ tử cung: Xét nghiệm PAP, xét nghiệm HPV.

– Ung thư buồng trứng: Xét nghiệm tìm chất chỉ điểm CA-125, siêu âm vùng chậu, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp X-quang.

– Ung thư đại trực tràng: Xét nghiệm máu ẩn trong phân, nội soi, sinh thiết, chụp cắt lớp vi tính.

Ung thư dạ dày:  Nội soi kết hợp sinh thiết, chụp cắt lớp vi tính.

Ung thư phổi: Chụp X-quang ngực, xét nghiệm đờm, chụp cắt lớp vi tính vùng ngực.

danh mục khám sức khỏe định kỳ

Nên trao đổi với bác sĩ để lựa chọn danh mục khám phù hợp

3. Một số gợi ý khi đi kiểm tra sức khỏe 

Để đảm bảo việc khám sức khỏe có thể diễn ra thuận lợi, bạn nên lưu ý những điều dưới đây:

– Lựa chọn cơ sở y tế uy tín, dịch vụ tốt. Đây chắc chắn là mối quan tâm của mọi người ở mọi lứa tuổi khi đi khám sức khỏe. Một địa chỉ uy tín sẽ giúp đảm bảo kết quả thăm khám chính xác. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải cân nhắc lựa chọn các địa điểm có dịch vụ tốt, hạn chế thời gian chờ đợi quá lâu, gây mệt mỏi và không thoải mái khi đi thăm khám.

– Lựa chọn cơ sở y tế gần nhà để có thể di chuyển dễ dàng hơn.

– Đặt lịch hẹn trước để giảm thời gian chờ đợi tại phòng khám.

– Cân nhắc dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Đa số các xét nghiệm đều yêu cầu người thực hiện phải nhịn ăn tối thiểu 6 tiếng. Với độ tuổi trung niên, việc nhịn ăn quá lâu có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì thế, với dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, bạn có thể chủ động hơn về thời gian, hạn chế thời gian chờ và giảm nguy cơ bị hạ đường huyết do nhịn ăn quá lâu.

Chủ động thăm khám hàng năm sẽ giúp bạn sàng lọc nguy cơ bệnh lý một cách hiệu quả. Hy vọng những thông tin trong bài viết có thể giúp bạn hiểu thêm về khám sức khỏe định kỳ để có thể bảo vệ sức khỏe bản thân và người thân trong độ tuổi trung niên. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital