Hội chứng ống cổ tay là một bệnh lý thường gặp, xảy ra khi dây thần kinh giữa trong ống cổ tay bị chèn ép. Hội chứng này nhiều khi không có nguyên nhân chính xác nào gây ra, mà do sự kết hợp của các yếu tố nguy cơ dẫn đến sự phát triển của bệnh lý. Cùng tìm hiểu cụ thể hơn về hội chứng này qua bài viết dưới đây!
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu chung về hội chứng ống cổ tay
1.1. Hội chứng ống cổ tay là bệnh gì?
Ống cổ tay là một là lối đi hẹp được bao quanh bởi xương và dây chằng ở lòng bàn tay. Hội chứng này xuất hiện khi dây thần kinh giữa bị chèn ép. Điều này dẫn tới lượng máu tưới ngoài màng của dây thần kinh và rối loạn dẫn truyền trên sợi trục.
Khi tình trạng này lặp đi lặp lại trong thời gian dài, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng lâm sàng của tổn thương dây giữa.
Ngày nay, số người mắc hội chứng này đang tăng lên do nhu cầu công việc cần sử dụng nhiều tới độ linh hoạt, tỉ mỉ và lặp đi lặp lại của cổ tay.
1.2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ra hội chứng ống cổ tay
Tất cả mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc hội chứng này. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh như:
– Giới tính: Đây là bệnh lý rất phổ biến và thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 – 50.
– Tình trạng viêm nhiễm: Viêm khớp dạng thấp và các bệnh lý khác có thể gây ảnh hưởng tới lớp niêm mạc xung quanh gân cổ tay và tạo áp lực tới dây thần kinh giữa.
– Tổn thương dây thần kinh: Những đối tượng mắc đái tháo đường sẽ có nguy cơ tổn thương dây thần kinh cao hơn, trong đó bao gồm tổn thương dây thần kinh giữa.
– Dịch cơ thể thay đổi: Khi cơ thể giữ nước có thể làm tăng áp lực trong ống cổ tay, gây kích thích dây thần kinh giữa. Tình trạng này phổ biến ở nữ giới trong thời kỳ mang thai hoặc giai đoạn mãn kinh.
– Do sinh lý hoặc một số bệnh lý khác: Với một số tình trạng như mãn kinh, rối loạn tuyến giáp, suy thận và phù bạch huyết có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng này.
– Do môi trường làm việc: Người thường xuyên làm việc với các công cụ gây rung chấn, dây chuyền lắp ráp cần phải hoạt động cổ tay lâu hay lặp đi lặp lại có nguy cơ mắc bệnh cao. Bởi điều này tạo áp lực xấu lên dây thần kinh giữa hoặc trầm trọng các tổn thương hiện có, đặc biệt là những người làm việc trong môi trường lạnh.
– Béo phì: Đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ dễ mắc phải hội chứng này.
1.3. Các triệu chứng phổ biến của hội chứng này
Một số dấu hiệu thường gặp bao gồm:
– Đau, tê, ngứa ran hoặc yếu ở bàn tay và ngón tay, đặc biệt là ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út.
– Các triệu chứng thường tồi tệ hơn vào ban đêm hoặc khi sử dụng tay.
– Khó cầm nắm các vật nhỏ hoặc thực hiện các hoạt động đòi hỏi sự khéo léo.
2. Hội chứng này có thể được chẩn đoán bằng phương pháp nào?
Các phương pháp được áp dụng trong chẩn đoán hội chứng này có thể kể đến như:
– Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng để tìm các triệu chứng bệnh (như tê tay, ngứa ran hoặc yếu ở bàn tay, ngón tay…). Sau đó, bác sĩ có thể kiểm tra sức và phản xạ của bàn tay, ngón tay.
– Chụp X-quang cổ tay: Chụp X-quang cổ tay có thể giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây đau bàn tay và ngón tay, chẳng hạn như gãy xương hoặc trật khớp cổ tay.
– Siêu âm cổ tay: Siêu âm cổ tay có thể giúp bác sĩ nhìn thấy cấu trúc của ống cổ tay và dây thần kinh giữa.
– Chụp cộng hưởng từ (MRI) cổ tay: MRI là một phương pháp sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh chi tiết của các mô bên trong cơ thể. MRI có thể giúp bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân gây chèn ép dây thần kinh giữa.
Đối với đa số các trường hợp, chẩn đoán hội chứng này có thể được thực hiện dựa trên khám lâm sàng và các triệu chứng của người bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp thăm khám bổ sung để loại trừ nguyên nhân khác gây đau bàn tay và ngón tay.
3. Những cách có thể giúp phòng ngừa hội chứng ống cổ tay
– Nghỉ giải lao trong thời gian ngắn: Nhẹ nhàng duỗi và uốn cong bàn tay, cổ tay thường xuyên.
– Tránh việc uốn cong cổ tay lên quá cao. Nên giữ bàn phím bằng độ cao của khuỷu tay hoặc thấp hơn một chút vì vị trí ở giữa là thoải mái nhất.
– Cải thiện tư thế: Tư thế không đúng sẽ có khuynh hướng đẩy vai về phía trước, làm ngắn cơ cổ và vai, gây chèn ép các dây thần kinh ở cổ. Ngoài ra, nó làm ảnh hướng tới cổ tay, ngón tay, bàn tay và gây đau cổ.
– Giữ ấm bàn tay vì có thể bị đau và cứng tay khi làm việc thời gian dài trong môi trường lạnh. Nếu không thể kiểm soát được nhiệt độ ở nơi làm việc, cần chủ động đeo găng tay để giữ ấm.
– Thăm khám sức khỏe cơ thể định kỳ nhằm phát hiện những nguy cơ mắc bệnh và có biện pháp phòng ngừa, điều trị phù hợp.
Bên cạnh đó, bạn cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng để hạn chế việc mắc hội chứng này như:
– Tránh các tinh bột được tinh chế có trong ngũ cốc đã bị loại bỏ chất xơ.
– Tránh chất béo bão hòa và các chất béo chuyển hóa (có trong thịt chế biến sẵn, bơ thực vật…)
– Tránh uống quá nhiều chất có cồn gây tăng mức độ viêm ở trong cơ thể.
– Tránh ăn đồ mặn để hạn chế việc cơ thể giữ nước, làm trầm trọng thêm tình trạng sưng và gây áp lực lên dây thần kinh giữa.
Hội chứng ống cổ tay là một bệnh lý phổ biến và có thể gây ra nhiều bất tiện cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán kịp thời, hầu hết các trường hợp đều có thể điều trị hiệu quả. Vì vậy, nếu bạn gặp những triệu chứng của hội chứng này, hãy đi thăm khám để được tư vấn điều trị đúng cách. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới sức khỏe, hãy liên hệ ngay tới Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được tư vấn tận tình!