3 Điểm cần lưu ý về vắc xin uốn ván hấp phụ

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Vắc xin uốn ván hấp phụ sản xuất bởi IVAC được điều chế từ giải độc tố uốn ván tinh chế cùng tá chất hấp phụ Aluminium phosphaste, dùng để tạo miễn dịch chủ động phòng uốn ván cho mọi đối tượng, đặc biệt là những đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ có thai, trẻ em và những người sống, làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều với đất, phân động vật.

1. Uốn ván – Bệnh truyền nhiễm có nguy cơ tử vong cao

Uốn ván là một bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi vi khuẩn. Vi khuẩn uốn ván có mặt ở khắp mọi nơi và gây bệnh ở khắp thế giới. Đặc biệt người dân có nguy cơ cao mắc bệnh nếu sống ở những vùng nông nghiệp, những khu vực phải tiếp xúc nhiều với chất thải súc vật và không được tiêm phòng đầy đủ.

Uốn ván không mang tính chất mùa rõ rệt, tất cả các lứa tuổi đều có thể mắc và căn bệnh này là một trong những nguyên nhân lớn gây tử vong ở nhiều nước đang phát triển. Theo ước tính của WHO trong những năm cuối thế kỷ 20, mỗi năm có khoảng nửa triệu trẻ em chết vì uốn ván ở các nước đang phát triển. Tỉ lệ tử vong của bệnh rất cao, có thể lên đến 80% nhất là trong trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn hoặc đối tượng mắc là trẻ nhỏ và người cao tuổi.

1.1. Nguồn truyền nhiễm của bệnh

Hai ổ chứa phổ biến của vi khuẩn uốn ván gồm:

– Trực khuẩn uốn ván cư trú trong ruột súc vật, đặc biệt là gia súc ăn cỏ như trâu, bò, ngựa,.. Tại đây, vi khuẩn tồn tại một cách bình thường, không gây bệnh.

– Nha bào uốn ván tồn tại trong đất và các đồ vật nhiễm phân gia súc hoặc phân người. Nha bào uốn ván có ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên và có thể gây bệnh cho tất cả các loại vết thương.

Thời gian ủ bệnh của uốn ván có thể kéo dài từ 3 – 21 ngày, cũng có thể từ 1 ngày cho tới vài tháng tùy thuộc vào đặc điểm, độ lớn và vị trí vết thương. Trung bình thời gian ủ bệnh là 10 ngày, hầu hết trường hợp bệnh xuất hiện trong 14 ngày. Nhìn chung, các vết thương nhiễm bẩn nặng thì thời gian ủ bệnh ngắn, bệnh diễn biến nặng và tiên lượng xấu.

1.2. Cách lây truyền của bệnh

Thông thường, vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương, vết rách, vết bỏng… nhiễm đất, bụi bẩn hoặc do tiêm chích bẩn. Đôi khi xảy ra trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Cũng có trường hợp các tổ chức cơ thể bị hoại tử hoặc dị vật xâm nhập cơ thể bị nhiễm bẩn, tạo môi trường yếm khí cho vi khuẩn uốn ván phát triển.

Trẻ sơ sinh bị uốn ván do vi khuẩn xâm nhập qua dây rốn trong khi sinh đẻ vì cắt rốn bằng dụng cụ không sạch hoặc sau khi sinh, trẻ không được vệ sinh rốn sạch sẽ. Tình trạng trẻ sơ sinh mắc uốn ván thường xảy ra ở trẻ đẻ rơi, đẻ tại nhà ở nơi phong tục tập quán còn lạc hậu.

Lưu ý: Uốn ván không lây trực tiếp từ người sang người.

1.3. Biến chứng của bệnh

Uốn ván có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm như:

– Co thắt hầu họng, thanh quản, tắc nghẽn đường thở gây ngạt, ngừng thở, suy hô hấp.

Trào ngược dịch dạ dày vào phổi gây ứ đọng dãi đờm.

Viêm phế quản.

– Viêm phổi.

– Tắc nghẽn động mạch phổi.

– Viêm xoang.

– Nhiễm khuẩn vết mổ khí quản.

– Viêm vị trí truyền tĩnh mạch.

– Nhiễm trùng đường tiết niệu.

– Rối loạn điện giải.

– Suy thận.

– Suy dinh dưỡng.

– Cứng khớp, gãy xương.

– Suy giảm nhận thức do thiếu oxy kéo dài.

vắc xin uốn ván

Cách tốt nhất để đề phòng uốn ván và các biến chứng nguy hiểm là thực hiện tiêm phòng đầy đủ.

2. Vắc xin uốn ván hấp phụ: Liều dùng, chỉ định tiêm và lưu ý khi tiêm

Đây là loại vắc xin sản xuất bởi IVAC được điều chế từ giải độc tố uốn ván tinh chế cùng tá chất hấp phụ Aluminium phosphaste.

2.1. Chỉ định và chống chỉ định tiêm vắc xin uốn ván hấp phụ

Chỉ định tiêm phòng:

– Tiêm bắp sâu với liều dùng 0.5ml.

– Dùng để tạo miễn dịch chủ động phòng uốn ván cho mọi đối tượng, đặc biệt là những đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ có thai, trẻ em, công nhân môi trường, công nhân vệ sinh, người thường xuyên làm việc tại chuồng trại gia súc, người làm việc tại các nông trại, công nhân xây dựng, bộ đội và thanh niên xung phong.

Chống chỉ định tiêm phòng:

– Tạm hoãn tiêm với các đối tượng có tình trạng sốt cao hoặc mắc bệnh cấp tính.

– Không tiêm cho đối tượng đã có phản ứng dị ứng với vắc xin uốn ván trước đây.

– Không tiêm cho đối tượng quá mẫn với bất kỳ thành phần nào trong vắc xin.

– Hạn chế tiêm cho những đối tượng đã có dấu hiệu hay triệu chứng thần kinh sau lần tiêm trước.

vắc xin uốn ván hấp phụ

Vắc xin được chỉ định tiêm bắp sâu với liều dùng 0.5ml.

2.2. Lịch tiêm phòng vắc xin uốn ván hấp phụ

Lịch tiêm phòng uốn ván cơ bản gồm 3 mũi như sau:

– Mũi 1: Vào ngày phù hợp.

– Mũi 2: Sau mũi 1 ít nhất 30 ngày.

– Mũi 3: Sau mũi 2 từ 6 tháng đến 1 năm.

Lịch tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ trong tuổi sinh đẻ (15 – 44 tuổi hoặc 15 – 35 tuổi theo định nghĩa của WHO):

– Mũi 1: Trong tuổi dậy thì hoặc trước khi mang thai.

– Mũi 2: Sau mũi 1 khoảng 30 ngày.

– Mũi 3: Sau mũi 2 khoảng nửa năm.

– Mũi 4: Sau mũi 3 khoảng 1 năm.

– Mũi 5: Sau mũi 4 khoảng 1 năm.

Lịch tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai lần đầu:

– Mũi 1: Tiêm sớm khi phát hiện mang thai, thường rơi vào 3 tháng giữa thai kỳ.

– Mũi 2: Cách mũi 1 ít nhất 30 ngày và trước khi sinh 1 tháng.

Lịch tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai những lần kế tiếp:

– Tiêm 1 mũi trước ngày sinh ít nhất 1 tháng.

Lưu ý: Tiêm vắc xin uốn ván cách vắc xin 6 trong 1, 5 trong 1, 4 trong 1, 3 trong 1, Td ít nhất 30 ngày.

tiêm phòng uốn ván

Lịch tiêm phòng uốn ván cơ bản gồm 3 mũi.

2.3. Nắm rõ 3 vấn đề cần lưu ý khi sử dụng vắc xin

Thận trọng khi sử dụng:

– Vắc xin uốn ván có thể giảm hiệu lực nếu đồng thời dùng liệu pháp ức chế miễn dịch.

– Các phản ứng sẽ rất rầm rộ nếu tiêm dưới da bởi vắc xin uốn ván có chứa muối nhôm.

– Không tiêm vắc xin vào tĩnh mạch để tránh sốc phản vệ.

– Không tiêm quá liều.

– Vắc xin uốn ván bán theo đơn.

– Tương tự các loại vắc xin khác, phòng tiêm chủng cần chuẩn bị đầy đủ phương tiện y tế sơ cấp cứu và thuốc để đề phòng phản ứng sau tiêm.

Một số phản ứng phụ không mong muốn đã được ghi nhận sau khi sử dụng vắc xin uốn ván có thể kể đến:

– Sốt.

– Xuất hiện quầng đỏ, sưng đau ở chỗ tiêm.

– Đau cơ, khớp.

Đây là những phản ứng nhẹ, phổ biến và thường tự thuyên giảm, biến mất sau vài giờ hoặc vài ngày. Tuy nhiên nếu nhận thấy sự xuất hiện của những phản ứng dưới đây, bạn cần ngay lập tức thông báo cho bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời:

– Phản ứng dị ứng trong trường hợp tiêm lại nhiều lần.

– Sưng hạch bạch huyết.

– Đổ mồ hôi.

– Ớn lạnh.

– Rối loạn chức năng thần kinh cánh, bắp tay (chi trên).

– Sốt cao không giảm.

Hi vọng những chia sẻ trên đã giúp bạn hiểu thêm về loại vắc xin này cũng như những đặc điểm, lưu ý khi sử dụng vắc xin. Nếu cần bất kỳ hỗ trợ y tế nào, bạn có thể liên hệ ngay đến Thu Cúc TCI để nhận giải đáp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital