Bệnh trĩ là bệnh lý đường tiêu hóa hình thành do dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở mô xung quanh hậu môn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ. Nhận biết được các nguyên nhân này giúp mỗi người chủ động phòng bệnh hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ là vấn đề tiêu hóa phổ biến, có liên quan tới tĩnh mạch ở hậu môn – trực tràng. Khi áp lực tại cơ quan này gia tăng, các đám rối tĩnh mạch bị giãn và rất dễ phình ra. Điều này tạo cơ hội thuận tiện cho búi trĩ bắt đầu phát triển.
Bệnh trĩ thường được chia thành 2 loại chính: trĩ nội và trĩ ngoại. Hai loại trĩ này được phân biệt dựa vào vị trí búi trĩ và một số triệu chứng thường gặp.
Trĩ là bệnh lý lành tính, không đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan, thay vào đó nên thăm khám và điều trị sớm. Lý do là bởi trĩ gây nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống.
2. Các nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ
Bệnh trĩ hình thành vì nhiều lý do khác nhau, chủ yếu xuất phát từ thói quen sinh hoạt không khoa học, lành mạnh. Trong đó, có thể kể đến như: ngồi quá nhiều, ít vận động, người thường xuyên bị táo bón hoặc tiêu chảy, do thừa cân béo phì,…
2.1. Táo bón hoặc tiêu chảy lâu ngày
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra trĩ là táo bón. Những người bị táo bón phải rặn khi đại tiện do phân khô cứng, tạo áp lực vùng chậu và phần hậu môn để đẩy phân ra ngoài. Lúc này, hậu môn là cơ quan phải chịu áp lực lớn nhất. Từ đó các tĩnh mạch hậu môn bị giãn nở đột ngột, dẫn đến đứt, rách hay nứt kẽ hậu môn.
Nếu tình trạng này kéo dài và không được chữa trị sẽ dẫn đến bệnh trĩ gây cho người bệnh cảm giác đau đớn mỗi khi đi đại tiện.
Bên cạnh đó, tình trạng tiêu chảy thường xuyên cũng là gia tăng nguy cơ bệnh trĩ. Việc đi vệ sinh nhiều lần trong ngày, ngồi quá lâu khi đại tiện khiến hậu môn – trực tràng chịu áp lực lớn. Về lâu dài, các búi trĩ sẽ bắt đầu xuất hiện và gây nhiều triệu chứng khó chịu.
2.2. Ngồi quá nhiều, lười vận động là nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ
Ngồi liên tục nhiều giờ, không có thời gian vận động khiến nguy cơ mắc bệnh trĩ tăng cao. Tình trạng này khiến khu vực xung quanh trực tràng và hậu môn thường xuyên chịu áp lực lớn, khí huyết khó lưu thông dẫn đến hình thành búi trĩ.
Đây chính là lý do vì sao nhiều số liệu thống kê cho thấy những người làm công việc văn phòng, lái xe đường dài,… là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh trĩ tương đối cao.
Ngoài ra, thói quen ngồi lâu trên bồn cầu, có thể do vừa đi vệ sinh vừa xem điện thoại, đọc sách báo,… cũng là nguyên nhân hình thành bệnh trĩ.
2.3. Do nhịn đại tiện, vệ sinh hậu môn không sạch sẽ
Việc nhịn đi đại tiện thường xuyên, vệ sinh hậu môn không sạch sẽ hoặc ngại tắm rửa sẽ làm cho các vi khuẩn gây bệnh hoành hành, đặc biệt là ở nơi thải nhiều những chất cặn bã như hậu môn. Khi các vi khuẩn được hoạt động như vậy có thể tấn công khiến hậu môn sưng phồng, dễ gây tổn thương. Hậu quả là tình trạng viêm nhiễm kéo dài gây ra bệnh trĩ.
2.4. Do chế độ ăn uống không đúng cách, thiếu khoa học
Chế độ ăn quá nhiều thực phẩm có hàm lượng chất béo cao cộng với việc thường xuyên ăn đồ cay nóng hoặc sử dụng chất kích thích như rượu, bia hay thuốc lá, cà phê,… sẽ dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh táo bón.
Ngoài ra, uống không đủ nước mỗi ngày cùng với ăn những thực phẩm ít hoặc không có chất xơ cũng làm cho phân bị đông cứng nhanh chóng, dẫn đến táo bón thường xuyên hơn. Trong khi đó, như phân tích ở trên, táo bón là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh trĩ.
2.5. Mang thai là nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ
Thời kỳ mang thai và sinh con của người phụ nữ là thời điểm dễ mắc bệnh trĩ. Đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ, thai nhi chèn ép khiến vùng bụng bị áp lực, từ đó dẫn đến cách tĩnh mạch ở hậu môn khó lưu thông máu, tạo áp lực ngày càng tăng dẫn đến bệnh trĩ.
2.6. Quan hệ tình dục qua đường hậu môn
Hậu môn không giống như âm đạo, nó không có chức năng tiết các chất nhờn giúp việc quan hệ trở lên dễ dàng hơn. Khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn, lực ma sát khiến hậu môn bị đau rát, khiến các tĩnh mạch ở hậu môn bị co giãn quá mức, các búi trĩ từ đó mà hình thành gây nên bệnh trĩ.
2.7. Các nguyên nhân khác
Bên cạnh các nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ kể trên, bệnh lý này còn có thể liên quan đến một số căn nguyên khác như:
– Người bệnh béo phì.
– Tuổi cao: Bệnh trĩ gia tăng theo tuổi vì cấu trúc mô nâng đỡ các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn bị trở nên lỏng lẻo và nhão dần.
3. Phòng ngừa bệnh trĩ như thế nào?
Sau khi đã nắm được nguyên nhân gây bệnh, bạn có thể tham khảo các phương pháp sau để ngăn ngừa bệnh trĩ:
– Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ: Ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên cám (lúa mì, yến mạch, lúa mạch, ngô, gạo lứt,…) giúp làm mềm phân và tăng khối lượng phân.
– Uống nhiều nước mỗi ngày.
– Không rặn mạnh khi đại tiện, tránh tạo áp lực lớn lên các tĩnh mạch ở trực tràng – hậu môn.
– Đi vệ sinh ngay khi có cảm giác buồn đại tiện. Nếu nhịn đại tiện, niêm mạc trực tràng sẽ hấp thu nước trong phân bị ứ đọng, phân sẽ trở nên khô cứng và khó hơn đi ngoài hơn.
– Tránh ngồi quá lâu, đặc biệt là trên bồn cầu.
– Duy trì vận động, tập thể dục – thể thao mỗi ngày để tăng lưu thông máu, ngăn ngừa táo bón, giảm áp lực lên vùng chậu và hậu môn – trực tràng. Đồng thời vận động thường xuyên còn giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng. Những người có đặc thù công việc phải ngồi lâu một chỗ nên dành 5 – 10 phút nghỉ giải lao, vận động nhẹ nhàng sau mỗi 1 – 2 tiếng làm việc.
Như vậy, các nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ rất đa dạng. Những nguyên nhân này đều có thể chủ động phòng ngừa. Hy vọng qua các thông tin trong bài, bạn đọc có thể chủ động thay đổi lối sống, duy trì các thói quen tốt, hạn chế nguy cơ mắc bệnh trĩ.