Nhận biết các dấu hiệu bị tay chân miệng ở trẻ

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường thấy ở trẻ em, đặc biệt là dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe nên cha mẹ cần nhận biết dấu hiệu bị tay chân miệng ở trẻ từ sớm để chủ động điều trị đúng cách.

1. Bệnh tay chân miệng là gì?

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm từ người sang người, nguy cơ bùng phát thành dịch rất cao. Bệnh do virus gây ra, biểu hiện thành các tổn thương dưới dạng phỏng nước ở dưới da. Theo các chuyên gia, thời điểm tháng 3-5 và 9-12 hàng năm thường bùng phát dịch mạnh mẽ do điều kiện khí hậu thay đổi thất thường, nhiệt độ cao, độ ẩm lớn.

Bệnh tay chân miệng thường lây lan qua nước bọt, mủ từ vết phỏng nước hoặc phân của trẻ mắc bệnh. Virus có thể tồn tại trong môi trường tự nhiên ở một khoảng thời gian nhất định nên không chỉ lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh mà trẻ còn có nguy cơ bị nhiễm khi tiếp xúc với đồ dùng cá nhân hoặc tới những nơi đang bùng phát dịch.

Bệnh không chỉ gây ra sự khó chịu cho trẻ mà còn có thể tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… nếu như cha mẹ chủ quan trong điều trị cho trẻ hoặc trẻ được phát hiện bệnh khi quá muộn

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ

2. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân chính gây tay chân miệng là do virus đường ruột có tên Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Hai loại virus này có thể tồn tại nhiều giờ ngoài môi trường tự nhiên, ở cả nhiệt độ nóng và lạnh. Virus có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ khoảng 560 độ C trong vòng 30 phút.

Loại virus này thường sinh sôi và phát triển ở những nơi có điều kiện khí hậu thuận lợi, những nơi ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước… Chúng có thể tồn tại ở cả trên mặt bàn, đồ dùng cá nhân, đồ ăn uống… Khả năng lây lan của virus là rất nhanh nên khi gặp điều kiện thuận lợi, bệnh có khả năng cao bùng phát thành dịch.

3. Điểm mặt dấu hiệu bị tay chân miệng ở trẻ

Cha mẹ cần chú ý sát sao trong việc chăm sóc trẻ để có thể nhận biết sớm bệnh lý. Theo các bác sĩ, dấu hiệu nhận biết bị tay chân miệng ở trẻ thường thấy phải kể tới chính là:

3.1. Giai đoạn ủ bệnh

Ở giai đoạn này trẻ thường không có dấu hiệu mắc bệnh rõ rệt. Trẻ có thể sinh hoạt một cách bình thường trong thời gian đang ủ bệnh tay chân miệng. Nhưng chỉ cần gặp phải các điều kiện thuận lợi như đề kháng kém, cơ thể mệt mỏi, vệ sinh không đảm bảo… thì bệnh sẽ bùng phát. Thời gian ủ bệnh tay chân miệng ở trẻ thường kéo dài từ khoảng 3 ngày cho tới 1 tuần.

3.2. Giai đoạn khởi phát

Giai đoạn khởi phát bệnh tay chân miệng thường kéo dài từ khoảng 1-2 ngày. Ở giai đoạn này, trẻ thường có các biểu hiện: đau họng, sốt nhẹ, tiêu chảy, người mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc… Những dấu hiệu này rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp nên có không ít bậc phụ huynh chủ quan. Do vậy, cha mẹ cần cẩn trọng với các dấu hiệu khởi phát này và nên đưa trẻ đi khám ngay.

3.3. Giai đoạn toàn phát

Ở giai đoạn này, triệu chứng của bệnh thể hiện rõ ràng mà cha mẹ có thể dễ dàng nhận biết:

– Loét miệng, phổ biến ở niêm mạc hầu họng, lưỡi gà, môi, má và lưỡi. Vết loét có kích thước từ 2-3mm, khiến trẻ gặp khó khăn trong ăn uống, tăng tiết nước bọt.

– Sốt: Trẻ mắc bệnh thường bị sốt tới 38 độ C hoặc sốt cao từ 39-40 độ C. Nếu trẻ sốt cao kéo dài mà không hạ, có thể dẫn tới co giật vô cùng nguy hiểm.

– Phát ban: Các vết phát ban dưới dạng phỏng nước, tập trung ở lòng bàn tay, chân, đầu gối, khuỷu tay, mông… Phần lớn các vết ban này sẽ tồn tại trong khoảng 1 tuần và khi lặn thì sẽ để lại vết thâm, hiếm khi bị loét hoặc bội nhiễm.

Dấu hiệu bị tay chân miệng ở trẻ thường thấy là sốt cao, phát ban, loét miệng

Dấu hiệu bị tay chân miệng ở trẻ thường thấy là sốt cao, phát ban, loét miệng

4. Điều trị tay chân miệng

Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và dứt điểm. Nguyên tắc điều trị bệnh được áp dụng cho trẻ là điều trị triệu chứng và giúp trẻ nhanh chóng đào thải virus ra khỏi cơ thể để khỏi bệnh. Cụ thể:

– Hạ sốt: Sử dụng thuốc hạ sốt để ngăn chặn nguy cơ gây co giật cho trẻ vì bệnh có thể khiến trẻ bị sốt cao…

– Giảm đau: Sử dụng một số loại thuốc chấm vào vết thương hoặc thuốc uống để giúp trẻ giảm đau do các vết phỏng nước gây ra.

– Giảm ngứa: Sử dụng một số loại thuốc kháng histamin để giảm tình trạng ngứa ngáy, khó chịu trong quá trình điều trị cho trẻ.

– Bổ sung nước: Cho trẻ uống đủ nước, uống các loại nước ép trái cây để bổ sung đủ nước cho cơ thể và các loại vitamin cần thiết.

– Đồng thời, trong quá trình điều trị, cha mẹ cần cho trẻ ăn đủ chất, hạn chế một số thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao và cần theo dõi sát sao để đưa trẻ đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường.

Điều trị tay chân miệng cho trẻ theo nguyên tắc điều trị triệu chứng

Điều trị tay chân miệng cho trẻ theo nguyên tắc điều trị triệu chứng

5. Phòng bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng không chỉ khiến trẻ khó chịu, mỏi mệt mà còn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nặng nề và khiến cuộc sống sinh hoạt của trẻ bị đảo lộn. Do đó, cách bảo vệ trẻ tốt nhất chính là ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh cho trẻ. Để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý tới một số vấn đề sau:

– Cách ly trẻ với những trẻ đang mắc bệnh, hạn chế để trẻ tới những nơi đang bùng dịch. Nếu phải tới nơi đông người, hãy cho trẻ đeo khẩu trang đầy đủ và sát khuẩn tay kỹ lưỡng sau khi từ bên ngoài về.

– Giữ vệ sinh môi trường sống, quần áo, đồ dùng cá nhân, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, đồ uống cho trẻ.

– Hướng dẫn trẻ đánh răng, rửa tay và giữ vệ sinh thân thể đúng cách mỗi ngày.

– Bổ sung đủ dưỡng chất cho trẻ với thực phẩm lành mạnh, nhiều chất xơ để trẻ có một cơ thể khỏe mạnh.

– Với trẻ sơ sinh, cho trẻ bú đủ theo khuyến cáo của bộ Y tế để trẻ có dinh dưỡng để phát triển và duy trì hệ miễn dịch.

Tiêm phòng các vắc xin cần thiết theo khuyến cáo để tăng cường sức đề kháng và giúp trẻ hạn chế mắc bệnh hơn.

– Đưa trẻ đi khám sức khỏe thường xuyên, chủ động để có thể kiểm soát tình trạng sức khỏe cũng như phòng ngừa đúng cách cho trẻ.

Chủ động đưa trẻ đi khám sức khỏe và tiêm chủng để phòng ngừa mắc bệnh

Chủ động đưa trẻ đi khám sức khỏe và tiêm chủng để phòng ngừa mắc bệnh

Trên đây là những dấu hiệu bị tay chân miệng ở trẻ mà cha mẹ cần lưu ý. Bệnh tiến triển nhanh và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của con nên cha mẹ cần chủ động phát hiện và đưa trẻ đi khám kịp thời để được điều trị dứt điểm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital