Giải đáp: bé bị tay chân miệng phải làm sao để nhanh khỏi bệnh

Tham vấn bác sĩ

Bé bị tay chân miệng phải làm sao để sớm hồi phục và nhanh khỏi bệnh? Lời giải đáp cho thắc mắc này là trẻ bị tay chân miệng cần được phát hiện bệnh càng sớm càng tốt, điều trị và chăm sóc đúng cách, khoa học. Hướng dẫn chi tiết hơn để điều trị và chăm sóc cho bệnh nhi tay chân miệng nhanh khỏi sẽ có trong bài viết dưới đây.

1. Bệnh tay chân miệng ở trẻ tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm

Giải đáp: bé bị tay chân miệng phải làm sao để nhanh khỏi bệnh

Bệnh tay chân miệng ở trẻ tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm

Tay chân miệng là một bệnh lý lành tính, do các chủng virus đường ruột gây nên. Bệnh dễ lây truyền trực tiếp từ người sang người.

Có nhiều loại virus gây bệnh tay chân miệng ở trẻ như: Coxsackie A4-A7, A9, A10, Coxsackie B5… Tuy nhiên, “thủ phạm” phổ biến nhất lại chính là virus Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71).

Các chuyên gia khuyến cáo rằng, trẻ mắc tay chân miệng do virus EV71 thường có bệnh cảnh nặng, dễ biến chứng nguy hiểm. Một số trường hợp không được hỗ trợ điều trị kịp thời, trẻ mắc tay chân miệng do EV71 đã bị tử vong nhanh.

Như vậy, dù là lành tính nhưng bệnh tay chân miệng vẫn có nguy cơ gây nên những biến chứng nguy hiểm cho trẻ mắc bệnh:

– Biến chứng thần kinh gây nên các bệnh như: viêm não, viêm màng não, viêm thân não, viêm não tủy… Biểu hiện của các biến chứng này có thể kể tới như: rung giật cơ, rung giật nhãn cầu, tăng trương cơ lực, yếu, liệt chi, liệt dây thần kinh sọ não, hôn mê…

– Biến chứng tim mạch, hô hấp gây nên các bệnh như: phù phổi cấp, viêm cơ tim, suy tim, trụy tim mạch… Biểu hiện thường gặp của biến chứng này như: mạch nhanh hơn 150 lần/phút, rối loạn vân mạch, đổ mồ hôi, lạnh tứ chi, da nổi vân tím…

– Biến chứng gây xảy thai ở mẹ bầu đang mang thai 3 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, đây là biến chứng rất hiếm xảy ra. Hầu hết trường hợp mẹ bầu bị tay chân miệng trong thời gian mang thai nếu vượt qua thì trẻ ra đời khi mắc tay chân miệng thường ở mức độ nhẹ.

2. Bé bị tay chân miệng phải làm sao để sớm hồi phục và hết bệnh?

Trẻ mắc tay chân miệng nếu được điều trị và chăm sóc tốt, bệnh sẽ nhanh khỏi, ít nguy cơ biến chứng. Do đó, phụ huynh và người chăm sóc cần có cách xử trí thật đúng đắn khi phát hiện trẻ có thể đã mắc tay chân miệng.

2.1. Cho trẻ nghi mắc tay chân miệng đi khám bác sĩ sớm

Trẻ bị tay chân miệng phải làm sao để nhanh khỏi bệnh-2

Trẻ xuất hiện triệu chứng bất thường nên được đi khám bác sĩ sớm, điều trị kịp thời

Thông thường, trẻ mắc tay chân miệng sẽ phải trải qua 3 – 7 ngày ủ bệnh. Ở giai đoạn này, trẻ gần như không xuất hiện triệu chứng bất thường nào. Sau đó, khi bệnh bắt đầu khởi phát, các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng sẽ dần xuất hiện ở trẻ.

Một số triệu chứng ban đầu thường xuất hiện ở trẻ tay chân miệng, giúp phụ huynh nhận biết sớm bệnh của con gồm:

– Trẻ bị sốt nhẹ, chỉ khoảng 37,5 – 38,5 độ C, một số ít trẻ vẫn có thể sốt cao tới 39 độ C ngay từ những ngày đầu khởi phát bệnh;

– Cơ thể mệt mỏi, uể oải, đau họng, có thể xuất hiện tổn thương, đau rát răng và miệng. Chính các triệu chứng này khiến trẻ chán ăn, biếng ăn hơn bình thường;

– Miệng chảy nước bọt, nước dãi nhiều hơn bình thường;

– Một số trẻ tay chân miệng còn có triệu chứng tiêu chảy vài lần trong 1 ngày.

Trong quá trình chăm sóc trẻ, nhất là vào thời điểm đang bùng dịch tay chân miệng như hiện nay, phụ huynh nên quan sát con nhiều hơn. Mục đích để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường, cho trẻ đi khám để phát hiện bệnh và được bác sĩ tư vấn điều trị kịp thời. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp bệnh của trẻ được điều trị dễ dàng, trong thời gian ngắn, vừa ngừa biến chứng nguy hiểm lại tiết kiệm chi phí điều trị bệnh.

2.2. Đảm bảo tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ cho bệnh nhi tay chân miệng

Sau khi đã được bác sĩ chẩn đoán bệnh tay chân miệng và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp, phụ huynh nên hợp tác với bác sĩ, đảm bảo tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Mục đích để bệnh của trẻ được điều trị tốt nhất, cơ thể nhanh hồi phục và hết bệnh.

Hầu hết trường hợp trẻ mới mắc bệnh được đi khám sớm đều có triệu chứng nhẹ, được bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp và chỉ định điều trị tại nhà. Trường hợp trẻ tay chân miệng có dấu hiệu cảnh báo, bác sĩ sẽ chỉ định bé nhập viện điều trị để đảm bảo an toàn. Việc phụ huynh cần làm là phối hợp thật tốt với bác sĩ, đảm bảo cho trẻ tuân thủ đúng phác đồ điều trị để cơ thể nhanh hồi phục.

Hiện nay, bệnh tay chân miệng ở đối tượng trẻ nhỏ vẫn chưa có thuốc đặc trị. Trẻ mắc bệnh sẽ được bác sĩ kê thuốc điều trị triệu chứng để tình trạng bệnh giảm dần và hết bệnh. Một số loại thuốc thường dùng cho trẻ tay chân miệng gồm:

– Thuốc hạ sốt dùng cho bệnh nhi sốt từ 38 độ C trở lên như: ibuprofen, acetaminophen… Trường hợp trẻ không uống được hay khó uống, bác sĩ sẽ chuyển sang cho trẻ hạ sốt bằng viên đạn đặt hậu môn.

– Thuốc bù nước và điện giải cho trẻ tay chân miệng, phòng ngừa trường hợp cơ thể bé bị mất nước do nôn sốt, suy yếu rồi chuyển biến nặng. Oresol hiện là thuốc bù nước và điện giải hiệu quả, được sử dụng rất phổ biến.

– Thuốc sát khuẩn cho trẻ tay chân miệng sốt và có vết loét miệng. Một số thuốc thường dùng như: dung dịch glycerin borat lau sạch miệng, gel rơ miệng (kamistad, zyttee…), Lidocain…

2.3. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ tay chân miệng

Trẻ bị tay chân miệng phải làm sao

Hãy bổ sung cho trẻ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để cơ thể chóng hồi phục và hết bệnh

Trẻ tay chân miệng trong quá trình điều trị bệnh cần được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp để có một thể trạng tốt nhất “chiến thắng” bệnh tật. Theo đó, phụ huynh nên ưu tiên chế biến thức ăn dạng mềm, lỏng nhằm giúp trẻ dễ nhai, nuốt và tiêu hóa. Hãy chia thức ăn của trẻ thành nhiều bữa nhỏ để bé cảm thấy thoải mái hơn, ngăn ngừa tâm lý chán ăn hay sợ ăn. Mỗi bữa ăn của bé cần đầy đủ cả 4 nhóm chất: đạm, tinh bột, xơ, vitamin và khoáng chất.

2.4. Cho trẻ tay chân miệng tái khám ngay khi có dấu hiệu cảnh báo

Trong quá trình điều trị, chăm sóc trẻ tay chân miệng tại nhà, nếu thấy xuất hiện dấu hiệu cảnh báo thì phụ huynh cần đưa con tới viện ngay để được bác sĩ kiểm tra và hỗ trợ kịp thời. Những dấu hiệu cảnh báo trẻ tay chân miệng cần nhập viện gồm:

– Sốt liên tục hơn 2 ngày chưa hết hoặc sốt cao (trên 39 độ C) khó hạ;

– Nôn ói nhiều hơn 3 lần chỉ trong 1 giờ;

– Giật mình nhiều, 1 đêm giật mình 4-5 cái hoặc 30 giật mình 2 cái;

– Run chân tay, bước đi có dấu hiệu loạng choạng;

– Nổi mẩn trên da, thở rít, thở nhanh, nói bị khàn tiếng nhiều.

Trên đây bài viết đã giải đáp bé bị tay chân miệng phải làm sao để nhanh khỏi bệnh. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan tới bệnh tay chân miệng ở trẻ, hãy liên hệ ngay Thu Cúc TCI để được bác sĩ chuyên môn của chúng tôi tư vấn, giải đáp chi tiết nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital