Nguyên nhân và biểu hiện sớm của suy tim là gì?

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Theo các thống kê hiện Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người bị suy tim. Suy tim là căn bệnh gây nhiều lo lắng cho cả người bệnh và người thân của họ. Vậy suy tim là gì, nguyên nhân và biểu hiện của căn bệnh này ra sao, cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

1. Các nguyên nhân gây ra bệnh suy tim là gì?

Suy tim là tình trạng tim suy giảm khả năng co bóp, hoạt động và thực hiện chức năng bơm – hút máu để tạo vòng tuần hoàn nuôi cơ thể. Các bệnh lý tim mạch là nguyên nhân chủ yếu gây suy tim, bao gồm:

– Bệnh lý mạch vành: Bệnh lý này xảy ra khi mạch máu nuôi cơ tim của bạn bị hẹp đi, tắc nghẽn. Khi tim bị thiếu oxy và dinh dưỡng,  sức co bóp của cơ tim sẽ bị ảnh hưởng khiến tim suy yếu. 

Nhồi máu cơ tim: Tình trạng cấp tính xảy ra khi mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột, làm gián đoạn dòng máu nuôi cơ tim, khiến cơ tim hoại tử. Khi tình trạng này xảy ra, sức co bóp của tim bị giảm nghiêm trọng dẫn đến tim suy yếu. 

– Bệnh lý cơ tim: Cơ tim bị tổn thương do nhiều nguyên nhân như cao huyết áp, nhiễm trùng, rượu hoặc chất gây nghiện, di truyền hoặc các bệnh khác.

– Rối loạn nhịp tìm, điển hình là rung nhĩ

– Các bệnh tim bẩm sinh

Bên cạnh đó một số vấn đề khác có thể gây suy tim gồm:

– Các bệnh chuyển hóa như đái tháo đường

– Bệnh về thận

– Tình trạng béo phì

– Một số thuốc dùng trong điều trị ung thư

Nguyên nhân gây suy tim là gì?

Người bệnh nhồi máu cơ tim rất dễ bị suy tim do tim bị tổn thương nghiêm trọng.

2. Dấu hiệu sớm của bệnh suy tim

2.1 Quy tắc FACES trong suy tim là gì?

Hội Suy tim Hoa Kỳ đã đưa một công cụ hữu ích giúp người bệnh và các bác sĩ nhận diện sớm căn bệnh suy tim, gồm 5 dấu hiệu và được viết tắt là FACES.

– F (Fatigue): Được hiểu là mệt mỏi nói chung. Đây là dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân suy tim. Khi tim không thể bơm đủ máu giàu oxy đến các cơ quan trong cơ thể, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi. Cảm giác mệt mỏi có thể xảy ra ở tất cả các thời gian trong ngày, khiến người bệnh gặp khó khăn với các hoạt động thường ngày như mua sắm, leo cầu thang, đi chợ hoặc đi bộ.

– A (Activity limitation): Có nghĩa là hạn chế hoạt động. Người bị suy tim thường không thể hoặc gặp khó khăn khi làm các hoạt động bình thường. Nguyên nhân là do họ dễ dàng mệt mỏi và khó thở.

– C (Congestion): Chỉ tình trạng ứ trệ, sung huyết. Điều này xảy ra do chất lỏng tích tụ trong phổi. Người bệnh có thể bị ho, thở khò khè và khó thở dai dẳng. Ho thường đi kèm chất nhày trắng hoặc bọt hồng.

– E (Edema or ankle swelling): Phù mắt cá chân, chân. Đây là một hiện tượng phổ biến ở bệnh nhân suy tim. Khi tim không đủ sức mạnh để tống máu đi qua động mạch, đến các cơ quan cũng như bơm máu trở lại tim từ các chi dưới, chất lỏng lúc này có thể tích tụ lại gây sưng mắt cá chân, chân, đùi và bụng. Điều này khiến những đôi giày bạn vẫn đi trở nên chật chội. Bạn cũng có thể tăng cân nhanh chóng.

– S (Shortness of breath): Cảm giác khó thở khi hoạt động là thường gặp nhất ở người bị suy tim. Bên cạnh đó khó thở có thể xảy ra khi khi nghỉ ngơi hoặc trong khi ngủ. Tình trạng này có thể đến đột ngột và đánh thức bạn dậy. Khi nằm trên gối kê cao vừa phải, triệu chứng này sẽ giảm. Nguyên nhân là do chất lỏng ứ trệ trong phổi làm cho nó khó khăn hơn trao đổi CO2 trong máu để lấy O2 tươi. Hoặc khi nằm xuống,  trọng lực làm chất lỏng từ bên dưới phổi di chuyển lên phần thân trên.

Dựa vào các tiêu chí về triệu chứng, suy tim được chia thành các giai đoạn theo các phân độ. Ví dụ, dựa trên mức độ hạn chế gắng sức, chia suy tim thành 4 giai đoạn từ 1 đến 4. Ở cấp độ 1 bệnh nhân không bị hạn chế vận động cả khi gắng sức. Còn ở giai đoạn 4, bệnh nhân vận động khó khăn, nghỉ ngơi cũng thấy mệt mỏi, đánh trống ngực, khó thở…

2.2 Các triệu chứng khác của suy tim là gì?

Ngoài ra, khi bị suy tim, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng khác như:

– Cảm giác chán ăn, ăn không ngon, buồn nôn

– Đầy bụng hoặc đau dạ dày

– Tim đập nhanh hoặc nhói đau

– Giảm trí nhớ, nhầm lẫn, suy nghĩ chậm chạp… đặc biệt ở người lớn tuổi

– Hay chóng mặt, ngất xỉu

– Lo lắng, mất ngủ

3. Bệnh suy tim có nguy hiểm không và gây ảnh hưởng đến người bệnh như thế nào?

Khi suy tim ở giai đoạn cuối, các bệnh nhân phải đối mặt với loạt biến chứng nguy hiểm như:

– Nhồi máu cơ tim, đột quỵ: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất, có thể gây nguy hiểm tính mạng, thường xảy ra do hình thành các cục máu đông gây tắc các động mạch.

– Rối loạn nhịp tim và đột tử: Nhịp tim quá nhanh, rung thất… do suy tim có thể dẫn tới đột tử.

– Bệnh về phổi: Tình trạng ứ dịch tại phổi có thể gây tràn dịch màng phổi, phù phổi cấp kèm theo các cơn ho khan, tức ngực, khó thở…dữ dội.

– Hỏng van tim: Tim luôn phải gắng sức làm việc khiến các dây chằng và van tim giãn, hỏng.

– Thiếu máu: Các cơ quan không nhận đủ máu sẽ giảm khả năng thực hiện chức năng. Đặc biệt thận suy yếu khiến cơ thể bị thiếu máu.

– Tổn thương thận, gan: Suy tim gây suy giảm chức năng thận, dẫn đến xơ gan, suy gan.

Biểu hiện của bệnh suy tim là gì?

Khó thở, mệt mỏi là những triệu chứng sớm của bệnh suy tim.

4. Chẩn đoán bệnh suy tim

– Xét nghiệm máu: Giúp chẩn đoán nguyên nhân, tiên lượng và theo dõi điều trị suy tim.

– Siêu âm tim: Đánh giá chức năng thất trái, kích thước buồng tim, van tim, áp lực động mạch phổi, dịch màng tim…

– Điện tâm đồ ECG: Có thể phát hiện rối loạn nhịp tim, độ dày giãn buồng tim,…

– Holter điện tâm đồ 24 giờ: Thường dùng khi nghi ngờ loạn nhịp.

– X-quang tim phổi: Quan sát cấu trúc tim, phổi, tìm kiếm bất thường. 

– MSCT động mạch vành: Thường dùng khi nghi nguyên nhân suy tim là do bệnh động mạch vành.

– Cộng hưởng từ MRI tim: Nếu nghi ngờ nguyên nhân suy tim là do viêm cơ tim.

Phương pháp khám và điều trị suy tim

Khi có dấu hiệu suy tim, bạn cần thăm khám và điều trị sớm để ngăn bệnh tiến triển nặng gây biến chứng.

Qua bài viết trên hẳn bạn đã biết suy tim là gì, làm sao để nhận biết và ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm. Khi có các dấu hiệu suy tim hoặc các yếu tố nguy cơ của bệnh này, nên khám chuyên khoa Tim mạch sớm để được chẩn đoán và điều trị chính xác.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital