Hiểu về vai trò của hormon tuyến giáp

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Ma Thị Nga

Bác sĩ Nội tiết

Hormon tuyến giáp chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát hoạt động trao đổi chất của thể và kích thích sự tăng trưởng. Thiếu hoặc thừa hormon này có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của sức khỏe.

1. Hormon tuyến giáp là gì và phân loại

Hormon tuyến giáp là hormon được sản xuất và tiết ra bởi tuyến giáp – tuyến nội tiết lớn nhất của cơ thể, có hình bướm và nằm phía sau khí quản. Loại hormon này di chuyển theo máu đến các cơ quan và chịu trách nhiệm điều phối quá trình trao đổi chất của cơ thể. Đặc biệt, với trẻ sơ sinh, hormon tuyến giáp ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của não bộ.

Hình ảnh minh họa <yoastmark class=

Hình ảnh minh họa hormon tuyến giáp

Hormon giáp trạng được chia làm 2 loại chính là triiodothyronine – T3 và thyroxine – T4. Trong đó, hormon T4 chiếm khoảng 90% và 10% còn lại là hormon T3 (Tỷ lệ này có thể thay đổi khi hormon ở trong máu và tại các mô bào). Hai loại hormon này có cường độ tác động khác nhau (Hormon T3 có ảnh hưởng lớn gấp bốn lần so với T4) song cùng đóng vai trò như nhau đối với cơ thể.

2. Hormon tuyến giáp ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?

Một số cơ chế đặc biệt của cơ thể bị chi phối bởi hormon tuyến giáp bao gồm:

2.1 Hormon tuyến giáp ảnh hưởng đến quá trình trao đổi carbohydrate

Hormon tuyến giáp hoạt động giúp tăng khả năng tiếp nhận glucose của tế bào, kích thích tổng hợp glucose từ các chất không phải carbohydrate… Từ đó, đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động trao đổi carbohydrate của cơ thể.

2.2 Hormon tuyến giáp ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất béo

Tất cả hoạt động trao đổi chất béo đều chịu ảnh hưởng từ hormon giáp trạng. Tuy nhiên, nếu tuyến giáp tăng tiết quá mức cũng có thể khiến nồng độ các axit béo tự do trong huyết tương tăng cao, khiến cho quá trình oxi hóa các axit béo được đẩy mạnh bên trong tế bào.

2.3 Ảnh hưởng đến mỡ trong máu và gan

Lượng cholesterol, phospholipid và triglycerid trong máu tăng khi hormon tuyến giáp tăng. Khi hormon tuyến giáp giảm thì cholesterol, phospholipid và triglyceride trong mỡ tăng, dẫn đến dự trữ mỡ ở gan.

2.4 Ảnh hưởng đến tốc độ của quá trình trao đổi chất

Hoạt động trao đổi chất ở hầu hết các loại mô bào đều được chi phối trực tiếp bởi hormon tuyến giáp. Thiếu loại hormon này có thể làm giảm tốc độ trao đổi chất của cơ thể.

Hình ảnh minh họa hormon tuyến giáp

Hình ảnh minh họa hormon tuyến giáp

2.5 Tác động đến khối lượng của cơ thể

Tăng tiết tuyến giáp có thể làm giảm khối lượng của cơ thể và ngược lại. Tuy nhiên, hormon này cũng có khả năng tăng cường khẩu vị khiến ta ăn nhiều hơn và tăng cường trao đổi chất.

2.6 Ảnh hưởng đến quá trình hô hấp

Trao đổi chất được thúc đẩy dẫn đến nhu cầu sử dụng oxy và thải CO2 tăng cao. Từ đó kích thích tần số và cường độ hô hấp của cơ thể.

2.7 Ảnh hưởng đến hệ tim mạch

Nồng độ hormon tuyến giáp tăng làm tăng tuần hoàn máu, tuần hoàn da, tăng nhịp tim… Tuy nhiên nếu tăng tiết tuyến giáp quá nhiều có thể khiến hoạt động co bóp tim bị giảm, dẫn đến suy tim.

2.8 Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

Hormon giáp trạng tăng trên ngưỡng bình thường có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu chảy và ngược lại. Điều này được giải thích do hormon này ảnh hưởng trực tiếp đến nhu động dạ dày – ruột, đồng thời chi phối quá trình tiết dịch tiêu hóa.

2.9 Ảnh hưởng đến thần kinh trung ương

Hormon giáp trạng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của hoạt động trí não. Người bị ưu năng tuyến giáp hay nhiễm độc giáp có thể bị rối loạn chức năng thần kinh, dễ rơi vào trạng thái lo lắng, hoang tưởng…

2.10 Ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết khác

Tăng tiết hormon tuyến giáp dẫn đến tăng tiết hormon ở hầu hết các tuyến nội tiết khác của cơ thể.

3. Những biểu hiện khi thiếu hụt hormon tuyến giáp

Người bệnh ngay khi xuất hiện các dấu hiệu như: mệt mỏi thường xuyên, đau đầu, chóng mặt, đãng trí, rối loạn cảm xúc, da và tóc khô, rối loạn kinh nguyệt (nữ giới), dễ lạnh hay dễ nóng… hãy thăm khám ngay vì có thể bạn đang thiếu hormon tuyến giáp.

Bệnh suy giáp được cho là nguyên nhân chính gây thiếu hụt lượng hormon từ tuyến nội tiết này. Đi kèm với thiếu hormon, bạn cũng có nguy cơ mắc các bệnh: bướu cổ, tim mạch,  thần kinh, vô sinh, dị tật bẩm sinh…

Nhức mỏi người, xương khớp có thể là dấu hiệu bất thường ở tuyến giáp.

Nhức mỏi người, xương khớp có thể là dấu hiệu bất thường ở tuyến giáp

4. Dấu hiệu dư hormon giáp trạng

Tăng tiết tuyến giáp quá nhiều ngược lại cũng gây ra một số vấn đề sức khỏe như: sút cân đột ngột, mất ngủ, mắt lồi, dễ mệt mỏi đặc biệt khi gắng sức, đi cầu nhiều hơn do bị tiêu chảy…

Nguyên nhân gây ra tình trạng này được xác định do bệnh cường giáp. Người bệnh còn có nguy cơ mắc các bệnh như: suy tim, rung nhĩ, loãng xương…

Một số bệnh lý khác liên quan đến tuyến giáp bao gồm: viêm tuyến giáp, bướu giáp nhân, ung thư tuyến giáp. Đặc biệt, các triệu chứng của bệnh tuyến giáp thường nghèo nàn, người bệnh cần chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp sau:

Chú ý điều chỉnh chế độ ăn lành mạnh, tăng cường thực phẩm nhiều chất xơ như rau củ, trái cây tươi. Đồng thời tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, bia rượu…

Xây dựng lối sống khoa học, không ngủ muộn, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng sức đề kháng.

Với phụ nữ mang thai, cần đặc biệt chú ý đến bổ sung đủ lượng i ốt cần thiết cho sự phát triển trí não của trẻ.

Có kế hoạch thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm kịp thời phát hiện những vấn đề sức khỏe từ đó đưa ra các hướng điều trị hiệu quả.

Trên đây là những thông tin chi tiết về vai trò, chức năng của hormon tuyến giáp. Hy vọng bạn và người thân trong gia đình có những biện pháp để phòng ngừa – phát hiện bệnh lý tuyến giáp kịp thời, đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital