7 Triệu chứng tuyến giáp cảnh báo bệnh lý cần thăm khám

Tham vấn bác sĩ

Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các hormone kiểm soát quá trình trao đổi chất, đảm bảo sự phát triển của cơ thể. Theo bác sĩ Nội tiết, nếu bạn đang có các triệu chứng tuyến giáp dưới đây, hãy đến cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra nhằm bảo vệ sức khỏe tuyến giáp.

Menu xem nhanh:

1. Những dấu hiệu tuyến giáp cần thăm khám

1.1 Vùng cổ sưng (xuất hiện bướu cổ)

Là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy người bệnh có vấn đề tại tuyến giáp. Triệu chứng này thường có mối liên quan mật thiết với sự thiếu hụt iod của cơ thể. Bướu cổ phát triển có thể dẫn đến các vấn đề như nuốt nghẹn, khó thở, vùng cổ mất thẩm mỹ.

Sưng vùng cổ là triệu chứng tuyến giáp dễ nhận biết

Xuất hiện bướu cổ là một trong những triệu chứng tuyến giáp điển hình.

1.2 Triệu chứng tuyến giáp: Đau cơ xương khớp

Người mắc các rối loạn tại tuyến giáp có thể có các biểu hiện đau xương khớp, đau cơ (phổ biến với hội chứng viêm cánh tay). Người bệnh thiếu hormone tuyến giáp thường xuất hiện cảm giác tê ngứa cánh tay, trong khi người thừa hormone tuyến này dễ bị yếu, mỏi cơ, cứng khớp, ảnh hưởng đến sự linh hoạt khi cần phối hợp giữa các chi.

1.3 Tóc gãy rụng và da khô

Sự rối loạn hormone tuyến giáp có thể khiến nang tóc và da không đủ điều kiện để phát triển, tăng trưởng, dẫn đến tình trạng tóc giòn, xơ, dễ gãy, trong khi da khô, dễ mẫn cảm và trở nên bong tróc.

1.4 Kinh nguyệt không đều ở nữ giới là triệu chứng tuyến giáp cần lưu ý

Phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều, rong kinh, chậm kinh hoặc mất kinh có thể là dấu hiệu của một tình trạng bất thường tại tuyến giáp. Suy giáp có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn và ít xuất hiện, trong khi cường giáp thường khiến kỳ kinh đến sớm và khoảng cách giữa các chu kỳ ngắn hơn.

Sự rối loạn kinh nguyệt ở nữ về lâu dài còn có thể thể ảnh hưởng đến nang trứng, khả năng thụ thai, thậm chí gây vô sinh.

1.5 Giảm ham muốn

Các hormone tuyến giáp cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát dục của cơ thể. Do đó các bất thường tại tuyến này có thể gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố, khiến người bệnh giảm ham muốn và vô sinh.

1.6 Gặp vấn đề về tiêu hóa

Các vấn đề tiêu hóa như táo bón hoặc tiêu chảy, đau bụng khi đi kèm với các triệu chứng tuyến giáp kể trên có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tuyến giáp.

1.7 Thay đổi bất thường về cân nặng

Cân nặng thay đổi đột ngột dù không thay đổi chế độ ăn cũng là một trong những dấu hiệu người bệnh nên nghi ngờ về khả năng mắc bệnh lý tuyến giáp. Người bệnh cường giáp có xu hướng bị sụt cân dù luôn có cảm giác thèm ăn. Ngược lại, bệnh suy giáp khiến người bệnh tăng cân dù chán ăn, ăn rất ít. Ngoài ra, các vấn đề tại tuyến giáp còn có thể dẫn đến các triệu chứng như: tim đập nhanh, thay đổi tâm trạng, rối loạn giấc ngủ

Nếu có một hoặc nhiều dấu hiệu nói trên, bạn có thể đã mắc bệnh lý tuyến giáp.

Thay đổi cân nặng

Thay đổi cân nặng cũng là dấu hiệu dễ thấy ở người mắc bênh lý tuyến giáp.

2. Các bệnh tuyến giáp thường gặp

Cường giáp: là hệ quả khi tuyến giáp giải phóng quá nhiều hormone tuyến giáp, dẫn đến đẩy nhanh mọi hoạt động trao đổi chất của cơ thể.

Suy giáp: xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone đáp ứng nhu cầu của cơ thể, làm chậm quá trình trao đổi chất.

Bướu giáp lành tính: là tình trạng gia tăng kích thước tuyến giáp hoặc phát triển các tế bào bất thường. Bệnh có thể xảy ra do các nguyên nhân như thiếu hụt iod trong chế độ ăn, bệnh Graves, suy giáp bẩm sinh, viêm tuyến giáp, khối u tuyến yên.

Ung thư tuyến giáp: là loại ung thư phổ biến, hình thành do tế bào ác tính phát triển từ các tế bào tuyến giáp bình thường. Bệnh có tỷ lệ xảy ra cao hơn đối với các trường hợp từng xạ trị vùng đầu cổ, tiền sử gia đình mắc các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp…

3. Cần làm gì khi phát hiện các dấu hiệu bệnh tuyến giáp

Mọi bất thường tại tuyến giáp đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi chất của cơ thể. Do đó người bệnh cần được chẩn đoán kịp thời. Ngay khi nghi ngờ các triệu chứng bệnh tuyến giáp, hãy nhanh chóng đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa để để kiểm tra chính xác. Ở giai đoạn sớm, bệnh tuyến giáp có thể được điều trị khỏi hoàn toàn.

Chẩn đoán bệnh tuyến giáp thường dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng. Bác sĩ sau khi khai thác triệu chứng, tiền sử bệnh lý, tiền sử gia đình, thói quen sinh hoạt của người bệnh sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm nhằm chẩn đoán xác định. Các kỹ thuật có thể bao gồm:

3.1 Siêu âm tuyến giáp

Là kỹ thuật phổ biến được sử dụng trong kiểm tra tuyến giáp giúp phát hiện các bất thường tại tuyến này như nhân giáp hoặc biểu hiện của cường giáp, suy giáp và viêm giáp…

Siêu âm tuyến giáp

Siêu âm sử dụng sóng cao tần mô tả hình ảnh mô tuyến giáp được thực hiện tại Thu Cúc TCI.

3.2 Xét nghiệm chức năng tuyến giáp

Sau khi thực hiện lấy mẫu máu và nước tiểu của người bệnh, bác sĩ sẽ đo nồng độ hormone tuyến giáp (T3, TF4) và nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH). Nếu kết quả cho thấy các chỉ số nằm ngoài tham chiếu, tuyến giáp của bạn có thể đang xảy ra rối loạn.

Trong một số trường hợp, người bệnh cũng có thể được yêu cầu làm thêm các xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán chính xác bệnh lý hoặc nguyên nhân gây bệnh. Các xét nghiệm này có thể bao gồm: xét nghiệm kháng thể tuyến giáp, xét nghiệm anti – TPO, xét nghiệm Tg và TgAb, xét nghiệm Calcitonin, xét nghiệm Thyroglobulin…

3.3 Xạ hình tuyến giáp

Là phương pháp sử dụng thiết bị SPECT/CT để cho thấy hình dạng, kích thước, khả năng hoạt động của tuyến giáp. Người bệnh trước đó được yêu cầu uống một lượng nhỏ iod phóng xạ (thường là 131 hoặc Technetium-99m).

Kết quả tuyến giáp bình thường cho thấy sự lan đều chất phóng xạ trong tuyến giáp, hình ảnh tuyến giáp hiện lên rõ ràng, kích thước vừa phải, hình cánh bướm…

Nếu xảy ra bất thường tại tuyến giáp (viêm giáp, ung thư tuyến giáp…), hình ảnh tuyến giáp thường cho thấy sự tăng hoặc giảm chất phóng xạ bất thường, kích thước tuyến này cũng có thể quá to hoặc quá nhỏ…

3.4 Sinh thiết tuyến giáp (chọc hút tế bào bằng kim nhỏ FNAC)

Thường được chỉ định nếu bác sĩ nghi ngờ có tổn thương ác tính tại tuyến giáp. Kỹ thuật được thực hiện dưới hướng dẫn siêu âm bằng cách đưa mũi kim nhỏ vào khối u hay hạch bạch huyết nhằm thu thập mẫu tế bào đem đi xét nghiệm giải phẫu bệnh. Đây là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác tính chất tổn thương, đóng vai trò bằng chứng trong chẩn đoán ung thư tuyến giáp.

Người bệnh sau khi được chẩn đoán về tình trạng bệnh sẽ có hướng điều trị phù hợp, đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Hy vọng với những thông tin cung cấp trong bài, bạn có thể phần nào nhận biết được các triệu chứng tuyến giáp cần lưu ý, từ đó có sự chủ động trong thăm khám, sớm phát hiện bệnh. Chuyên khoa Nội tiết Hệ thống y tế Thu Cúc TCI với đội ngũ bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị bệnh tuyến giáp. Cùng với các trang thiết bị y tế hiện đại mang đến hiệu quả chẩn đoán chính xác, nhanh chóng, giúp người bệnh an tâm điều trị.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital