Tai là cơ quan đặc biệt và nhạy cảm, khi bị mắc dị vật nhưng không được xử trí kịp thời thì có thể dẫn tới thủng màng nhĩ hoặc các biến chứng vô cùng nguy hiểm. Tìm hiểu ngay cách xử trí mắc dị vật trong tai đúng cách và an toàn ngay sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Nhận biết dị vật rơi vào tai
Mắc dị vật trong tai là cấp cứu tai mũi họng thường gặp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Bất kỳ ai cũng có thể bị mắc dị vật do rất nhiều nguyên nhân trong khi ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi… Dị vật bị mắc vào tai có thể là các loại vụ giấy, vụn kim loại, tăm bông, côn trùng… Mọi người có thể nhận biết bản thân mắc dị vật thông qua một số triệu chứng như:
– Đau tai
– Vướng, nhột trong tai
– Ù tai
– Tai nghe kém
– Chóng mặt
– Buồn nôn
– Mất thăng bằng
– Đau tai
– Chảy máu tai…
Nếu thấy bản thân có các dấu hiệu này, mọi người nên chủ động đi khám để xác định tình trạng mắc dị vật và xử trí kịp thời.
2. Vì sao lại có dị vật trong tai?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng mắc dị vật ở trong tai như:
– Trẻ nhỏ đưa các đồ vật lạ vào trong tai vì thích thú, nghịch ngợm hoặc tò mỏ. Chủ yếu các dị vật thường gặp ở trẻ nhỏ là các loại hạt, đũa, đồ chơi, vụn bánh kẹo, bông ngoáy tai, đầu tăm, đầu bút chì…
– Côn trùng bò vào trong tai do mọi người nằm ngủ ở trên sàn nhà, những nơi ẩm thấp, tối tăm hoặc bay vào tai trong lúc mọi người đang làm việc, đi đường…
– Tăm bông hoặc các dụng cụ ngoáy tai bị mắc vào trong tai khi mọi người vệ sinh tai sai cách.
Các chuyên gia cho biết, dị vật ở trong tai lâu ngày hoặc không được xử trí đúng cách có thể khiến niêm mạc tai bị trầy xước, thủng màng nhĩ, mất thính lực… Do vậy, trong quá trình sinh hoạt, mọi người cần cẩn trọng để giảm thiểu nguy cơ bị mắc dị vật hoặc côn trùng bò vào tai.
3. Xử trí mắc dị vật trong tai
3.1. Lưu ý khi bị mắc dị vật tai
Nếu phát hiện dị vật rơi mắc trong tai, mọi người cần lưu ý một số vấn đề sau để không làm dị vật mắc vào sâu hơn hay làm tổn thương tới cấu trúc tai:
– Khi thấy tai bị mắc dị vật, hãy bình tĩnh và nhờ người thân, bạn bè soi xem dị vật đó là gì, nằm ở vị trí nào.
– Không dùng bông hay những vật dài, nhọn để ngoáy tai vì có thể đẩy dị vật bị đẩy vào sâu hơn trong hốc tai.
– Không bơm nước vào tai để đẩy dị vật ra ngoài vì có thể dẫn tới viêm tai giữa.
– Không lấy tay vỗ vào tai hoặc chọc ngoáy, đặc biệt là khi có côn trùng vì chúng có thể hoảng loạn và chui vào sâu hơn.
– Khi chưa biết dị vật bên trong là gì thì mọi người không nên dùng thuốc nhỏ tai.
– Chủ động tới ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ khám, xác định dị vật và xử lý dị vật kịp thời.
3.2. Xử trí dị vật
Lấy dị vật tai tại nhà
Nếu dị vật ở vị trí dễ thấy, và có thể xác định đó là dị vật gì thì mọi người có thể áp dụng cách lấy dị vật tại nhà như sau:
– Đối với côn trùng: Tắt đèn sáng, soi đèn pin vào trong ống tai để côn trùng tự động bò ra ngoài.
– Đối với đồ vật, hạt ngũ cốc: Dùng nhíp sạch để gắp nhẹ dị vật ra ngoài hoặc sử dụng ống hút để hút dị vật ra ngoài.
Nếu thử áp dụng các cách này mà không thể xử trí được dị vật thì mọi người không nên cố thử lại mà cần chủ động đi khám ngay để được xử trí.
Lấy dị vật tai tại cơ sở y khoa
Đối với trường hợp dị vật nằm sâu trong tai, dị vật có cạnh sắc nhọn, côn trùng nguy hiểm… thì cần có sự can thiệp của bác sĩ chuyên môn để loại bỏ dị vật đúng cách. Hiện nay, bác sĩ thường áp dụng các kỹ thuật sau để xử lý dị vật rơi vào trong tai như:
– Bơm nước ấm vào thành ống tai, để tạo lực đẩy dị vật ra ngoài theo dòng nước.
– Dùng nhíp và phễu soi tai để xác định vị trí của dị vật và gắp nhẹ ra ngoài để tránh tổn thương tới niêm mạc tai.
– Dùng giác hút để hút dị vật ra ngoài, áp dụng với trường hợp dị vật có kích thước không quá lớn, không có các cạnh sắc nhọn.
– Đối với trẻ em, bác sĩ có thể sử dụng thuốc mê để trẻ không cử động, giúp bác sĩ thao tác lấy dị vật dễ dàng hơn.
– Sau khi lấy dị vật ra ngoài, bác sĩ tiến hành làm sạch ống tai, sát khuẩn và đặt thuốc để ngăn ngừa viêm nhiễm. Nếu có tổn thương như trầy xước niêm mạc tai, quá trình hồi phục có thể diễn ra sau vài ngày đến vài tuần, tùy tình trạng tổn thương.
– Đối với trường hợp dị vật làm thủng màng nhĩ nghiêm trọng, ngoài việc lấy dị vật thì người bệnh cần được phẫu thuật vá nhĩ để kịp thời bảo toàn thính lực. Vá nhĩ là kỹ thuật phức tạp nên cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên môn cao tại cơ sở y tế chuyên nghiệp, uy tín.
Sau khi xử trí dị vật, người bệnh cần lưu ý theo dõi sức khỏe thính lực kỹ lưỡng để nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường và chủ động đi khám để được xử trí đúng cách.
4. Ngừa dị vật rơi vào tai
Nhìn chung, dị vật rơi vào tai không đe dọa tới tính mạng nhưng có thể tiềm ẩn nhiều mối nguy hại đối với sức khỏe thính lực. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ đôi tai chính là ngăn ngừa dị vật bị mắc vào trong tai. Theo các chuyên gia, mọi người cần xây dựng một chế độ sinh hoạt và chăm sóc đôi tai đúng cách như:
– Không để trẻ chơi những món đồ chơi có nhiều chi tiết nhỏ dễ gãy hoặc đồ chơi kích thước nhỏ.
– Theo dõi và quan sát trẻ kỹ lưỡng khi trẻ ăn uống, chơi bởi trẻ nghịch ngợm, tò mò nên rất thường xuyên cho dị vật vào mũi, miệng hoặc tai.
– Không nên dùng tăm bông để ngoáy tai vì tai có cơ chế tự vệ sinh, dùng bông ngoáy tai không cẩn thận có thể dẫn tới thủng màng nhĩ.
– Nên vệ sinh không gian sống, đồ dùng cá nhân sạch sẽ, diệt côn trùng thường xuyên.
– Không nên ngủ ở dưới nền đất, sử dụng chăn màn, giường cao để ngủ nhằm ngăn ngừa côn trùng bò vào trong tai lúc ngủ.
– Chủ động lấy ráy tai và thăm khám thường xuyên tại các cơ sở y tế uy tín để kiểm soát sức khỏe đôi tai tối ưu hơn.
Như vậy, bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng mắc dị vật trong tai để chủ động nhận biết và xử trí kịp thời. Để ngăn ngừa mắc dị vật tai mũi họng, mọi người nên xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, bảo vệ đôi tai đúng cách.