Đây là hiện tượng bình thường và dễ gặp ở những người làm răng giả, kể cả đối với những người cấy răng Implant – phương pháp làm răng giả hiện đại nhất. Viêm chân răng giả xảy ra khi chân răng và nướu chưa thể thích ứng kịp với những thay đổi khi làm răng giả. Vậy khi bị viêm nhiễm chân răng giả thì phải xử trí thế nào?
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu nguyên nhân gây viêm chân răng giả
Viêm nhiễm chân răng giả xảy ra do những nguyên nhân chính dưới đây:
– Các bệnh lý răng miệng: tụt nướu, sâu răng, viêm nha chu,…Vi khuẩn từ các vùng mắc bệnh tấn công, len lỏi vào chân răng giả gây nên tình trạng viêm nhiễm. Đây là lý do vì sao trước khi làm răng giả, bệnh nhân cần được điều trị triệt để bệnh lý răng miệng. Bởi khi đã làm răng giả mà xuất hiện viêm nhiễm thì quá trình điều trị sẽ tốn rất nhiều thời gian và khó khăn hơn rất nhiều.
– Chế độ ăn uống nghèo nàn, thiếu hụt và mất cân bằng dinh dưỡng khiến cho nướu, răng không khỏe mạnh. Ngoài ra, bệnh nhân có thói quen tiêu thụ nhiều đồ ăn nhiều đường, tinh bột, có gas cũng gia tăng nguy cơ bị viêm nhiễm do sản sinh ra các axit, vi khuẩn có hại.
– Thói quen vệ sinh răng miệng qua loa, không kỹ lưỡng cũng là nguyên nhân đáng nói. Răng giả cũng cần được vệ sinh và chăm sóc như răng thật, thậm chí với trường hợp hàm giả tháo lắp còn cần vệ sinh kỹ hơn. Vì ngoài viêm nhiễm, nếu không vệ sinh tốt còn khiến cho miệng có mùi hôi khó chịu. Vệ sinh không kỹ cũng là nguyên nhân khiến vi khuẩn không thể bị loại bỏ, tích tụ gây bệnh.
– Giảm tiết nước bọt do khô miệng hoặc tác dụng phụ của thuốc. Nước bọt có tác dụng lớn trong việc rửa trôi vi khuẩn khoang miệng. Bên cạnh đó, nước bọt còn có chức năng bảo vệ nướu và răng rất lớn. Khi miệng khô, nướu và răng sẽ bị vi khuẩn tấn công nặng nề hơn.
– Cơ địa bệnh nhân kích ứng với chất liệu làm răng giả. Một số trường hợp bệnh nhân bị kích ứng, không đáp ứng với trụ implant hoặc răng sứ,… sẽ dẫn đến viêm chân răng.
2. Biểu hiện đã bị viêm chân răng giả
– Nướu sưng và đau nhức nhẹ ở giai đoạn đầu. Dấu hiệu khá giống với viêm nướu thông thường.
– Nướu vốn dĩ có màu nhạt, hồng, khi bị viêm nhiễm có dấu hiệu chuyển sang đỏ thẫm, đỏ tươi
– Có cảm giác cộm cứng chân răng, đau nhức nhẹ
– Ăn uống dễ chảy máu chân, kẽ răng
– Hơi thở có mùi hôi
– Khi bệnh tiến triển nặng hơn thì bệnh nhân có thể mắc viêm lợi có mủ với triệu chứng đặc trưng là lợi mềm, sờ, ấn vào chảy mủ. Khi này, lợi đã có các ổ áp xe gây sưng tấy và đau nhức.
– Sưng mặt, đau nhức ảnh hưởng tới chức năng ăn uống, nói chuyện
– Lợi quanh chân răng giả có thể tụt xuống thấp, không bám chắc tạo khoảng hở cho vi khuẩn xâm nhập, có nguy cơ tấn công vào tủy răng gây ê buốt, đau nhức kéo dài
– Các răng và mô nướu xung quanh cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng
3. Biến chứng nguy hiểm khi tình trạng viêm nhiễm nặng nề hơn
Khi tình trạng viêm chân răng tiến triển đến giai đoạn nặng, bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ mất răng hàng loạt, ảnh hưởng tới các răng khác, thậm chí ảnh hưởng tới xương hàm. Ngoài ra có thể điểm qua một số biến chứng khác như:
– Áp xe răng: như đã đề cập, vi khuẩn tích tụ lâu ngày có thể hình thành nên ổ áp xe răng, chân răng. Các túi mủ ở chân răng là ổ bệnh có thể lây lan sang các răng bên cạnh. Vi khuẩn có thể tiến vào tủy răng, gây chết tủy răng và nguy cơ mất răng vĩnh viễn.
– Tiêu xương răng, tụt lợi: chân răng hở khi tụt lợi tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vào xương hàm, các mô xương bị ảnh hưởng kéo theo sự ảnh hưởng của toàn bộ xương hàm
– Răng lung lay, gãy rụng, mất răng
Viêm nhiễm kéo dài còn gây giảm tuổi thọ của răng giả, chi phí điều trị và khắc phục sẽ tốn kém hơn rất nhiều và cũng mất nhiều thời gian cho cả quá trình điều trị.
4. Bị viêm chân răng giả phải làm gì?
Khi xuất hiện các dấu hiệu viêm chân răng, bạn nên bình tĩnh xử trí, tuyệt đối không học theo các mẹo dân gian như đắp lá, uống thuốc nam. Hiệu quả của các phương pháp này chưa được khoa học chứng minh, nó có thể đem đến nguy cơ viêm nhiễm nặng nề hơn. Bạn có thể tự xử lý khi các dấu hiệu còn nhẹ bằng các biện pháp như:
– Chườm nóng, chườm lạnh làm giảm cơn đau tại vùng răng lợi, khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên, các cơn đau có thể quay lại nhanh chóng.
– Chú ý vấn đề vệ sinh và chăm sóc răng miệng: tuy lúc này chân răng và lợi đau nhức nhưng không vì thế mà lơ là việc vệ sinh răng miệng. Chú ý dùng nước ấm vệ sinh răng miệng thay vì nước lạnh. Sử dụng lực nhẹ để chải răng theo chiều dọc và xoay tròn sẽ hạn chế tối đa gây đau đớn cho nướu. Nên chú ý chải răng 2 lần/ngày vào sáng và tối hoặc vệ sinh, chải răng sau mỗi bữa ăn. Bên cạnh đó, hãy chú ý làm sạch kẽ răng bằng các dụng cụ chuyên dụng. Đừng quên làm sạch các mảng bám bằng nước súc miệng hoặc nước muối loãng.
– Có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bệnh nhân viêm chân răng giả nên hạn chế tiêu thụ đồ ăn nhiều đường, có gas,…
– Vệ sinh kỹ răng giả tháo lắp
Các biện pháp trên chỉ có tác dụng tức thời, khi không được điều trị bằng thuốc và triệt để thì bệnh hoàn toàn có thể tiến triển nặng hơn. Bạn không nên trì hoãn việc đến gặp bác sĩ điều trị bệnh. Tùy tình trạng bệnh mà bác sĩ có phác đồ điều trị cụ thể. Việc điều trị cần dựa trên nguyên tắc thuyên giảm triệu chứng và bảo tồn răng tối đa. Trong trường hợp xấu có thể cần thay thế răng giả. Sau khi đã điều trị bệnh, bệnh nhân cần tái khám 3 – 6 tháng/lần theo chỉ định của bác sĩ
Trên đây là một số thông tin về viêm chân răng giả. Khi gặp triệu chứng bất thường, người bệnh nên tới các bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt để thăm khám sớm, tránh biến chứng.