Xơ vữa mạch vành là một bệnh lý tim mạch rất phổ biến. Bệnh có thể gây ra rất nhiều biến cố nguy hiểm ở tim nói riêng và trên toàn cơ thể nói chung. Xơ vữa mạch vành do nguyên nhân nào gây ra và các yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh, cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Xơ vữa mạch vành là gì?
Xơ vữa động mạch là tình trạng một tình trạng rất phổ biến, đặc trưng bởi việc thành mạch bị xơ cứng, lòng mạch thu hẹp do sự hình thành và phát triển của các mảng bám trên thành mạch. Các mảng bám này được tạo thành từ nhiều thành phần khác nhau chất béo, cholesterol, canxi…
Điều này làm hạn chế sự lưu thông của dòng máu trong cơ thể, gây thiếu máu đến nuôi các cơ quan. Nếu tình trạng này xảy ra tại động mạch vành – mạch máu nuôi cơ tim thì được gọi là xơ vữa mạch vành hay xơ vữa động mạch vành.
Tình trạng tắc hẹp mạch vành sẽ gây thiếu máu cục bộ tại tim, gây nhồi máu cơ tim hay bệnh tim thiếu máu cơ tim cục bộ. Thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim liên tục trong thời gian dài sẽ gây suy tim, khiến người bệnh nhân có các triệu chứng như:
– Mệt mỏi
– Khó thở khi gắng sức đến khó thở liên tục, khi nằm đầu thấp
– Phù chân
– Tiểu ít
Xơ vữa động mạch vành giai đoạn nặng có thể làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
2. Nguyên nhân gây xơ vữa động mạch vành
2.1 Tuổi tác là nguyên nhân phổ biến gây xơ vữa mạch vành
Ở người già, quá trình chuyển hóa lipid thay đổi, tăng dự trữ thay vì thoái giáng. Điều này làm cho cholesterol xấu ứ đọng lại trong máu, mô và cơ quan, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của các mảng bám. Hơn thế, theo thời gian, thành mạch cũng giảm dần tính đàn hồi và trở nên xơ cứng hơn khi lớn tuổi. Đây chính là nguyên nhân khiến xơ vữa mạch máu, trong đó có mạch vành thường xảy ra ở người cao tuổi.
2.2 Giới tính
Các nghiên cứu cho thấy dưới 45 tuổi, nam giới là đối tượng dễ bị xơ vữa động mạch hơn nữ giới. Tuy nhiên khi bước qua độ tuổi trung niên, tỷ lệ này dần có sự chênh lệch.
2.3 Di truyền
Những người có người thân trong gia đình từng bị xơ vữa mạch máu hay bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim do xơ vữa sẽ rất dễ mắc bệnh này.
2.4 Chế độ ăn thiếu lành mạnh
Các loại thực phẩm nhiều chất béo bão hòa, mỡ động vật và chất béo chuyển hóa có thể gây dư thừa cholesterol, làm tăng nguy cơ tích tụ mảng bám trên thành mạch, hình thành xơ vữa. Một số thực phẩm dạng này có thể kể đến như bánh quy, bánh nướng, thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa có chất béo…
2.5 Lười vận động, tập thể dục
Vận động thường xuyên giúp giảm LDL-cholesterol (cholesterol xấu), tăng cường HDL-cholesterol (cholesterol tốt). Những người ít vận động sẽ có nguy cơ cao bị rối loạn lipid máu, gián tiếp dẫn tới xơ vữa động mạch.
2.6 Hút thuốc lá
Các chất độc trong khói thuốc lá có thể làm hỏng các thành mạch máu, giảm mức HDL-cholesterol, tăng LDL-cholesterol trong máu, tạo điều kiện cho các mảng xơ vữa hình thành.
2.7 Các bệnh lý mạn tính tác động gây xơ vữa mạch vành
Bệnh tiểu đường, bệnh thận mạn, suy giáp gây ảnh hưởng con đường chuyển hóa lipid máu, khiến các mảng bám dễ tích tụ.
Trong đó, tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương lớp nội mô, khiến thành mạch mất tính toàn vẹn, dễ bị các phân tử lipoprotein bám dính vào, tạo thành mảng xơ vữa.
2.8 Béo phì
Béo phì thường liên quan đến rối loạn chuyển hóa mỡ máu và là yếu tố nguy cơ tăng xơ vữa mạch máu. Các nghiên cứu cho thấy những người có chu vi vòng bụng trên 90cm có nguy cơ cao mắc bệnh.
Trong số các nguyên nhân này, có các yếu tố không thay đổi được và các yếu tố thay đổi được.
3. Triệu chứng xơ vữa động mạch vành
Thông thường bệnh mạch vành ở giai đoạn đầu thường không có hoặc rất ít triệu chứng. Chỉ khi bệnh mạch vành hẹp hơn 70% thì bệnh nhân mới cảm nhận được các triệu chứng rõ nét.
Các dấu hiệu cảnh báo sớm tình trạng mạch vành xơ vữa bao gồm:
– Đau ngực (đau thắt ngực) khi tập thể dục hay khi làm việc nặng gắng sức và chấm dứt khi nghỉ ngơi. Có những trường hợp bệnh nhân đau ngực ngay cả khi nghỉ ngơi.
– Khó thở khi gắng sức hoặc vào ban đêm khi nghỉ ngơi
-Mệt mỏi thường xuyên
Nếu tắc nghẽn mạch vành có thêm sự xuất hiện của cục máu đông, người bệnh có thể có những triệu chứng của cơn nhồi máu cơ tim như: tức ngực dữ dội, cảm thấy đau ở một hoặc cả hai cánh tay lan xuống vai, đau, khó chịu ở cổ hoặc hàm, buồn nôn và nôn, tim đập nhanh, vã mồ hôi, chóng mặt, ngất xỉu…
Khi các dấu hiệu xuất hiện nghi ngờ xơ vữa động mạch vành hoặc có các yếu tố nguy cơ gây bệnh, cần đến bệnh viện thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
4. Cách chẩn đoán và điều trị
Để khẳng định có bị xơ vữa động mạch vành hay không, bạn cần đến chuyên khoa Tim mạch để được bác sĩ khám và chỉ định một số xét nghiệm, chụp chiếu như:
– Xét nghiệm máu: Nhằm xác định chỉ số cholesterol, lượng đường trong máu, chức năng gan, thận.
– Đo điện tâm đồ (ECG): Để kiểm tra hoạt động điện và nhịp tim.
– Siêu âm tim: Giúp đánh giá những vùng cơ tim thiếu máu, định vị động mạch vành bị tổn thương.
– Chụp MSCT mạch vành: Kiểm tra mức độ tắc nghẽn của các động mạch vành chính xác đến 97%.
Sau đó, tùy vào tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh điều trị bằng các biện pháp sau:
– Thay đổi lối sống: Chủ động thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học (ăn ít muối, hạn chế đường, chất béo, tăng cường rau xanh, hoa quả,…), kết hợp với tập thể dục, không hút thuốc lá, rượu bia,…
– Dùng thuốc: Sử dụng các loại thuốc giúp kiểm soát huyết áp, đường huyết, giảm cholesterol xấu, ngăn cục máu đông
– Phẫu thuật: Chỉ sử dụng trong những trường hợp thực sự cần thiết và bệnh nhân đáp ứng điều kiện.
Trên đây là một số kiến thức về chứng xơ vữa mạch vành, hi vọng đã giúp bạn hiểu thêm về căn bệnh này. Các thông tin chỉ mang tính chất minh họa và không thay thế các chẩn đoán và điều trị y khoa. Người bệnh có nhu cầu khám, chữa bệnh vui lòng liên hệ để được tư vấn dịch vụ phù hợp.