[Theo Báo điện tử Dân trí] Theo PGS.TS.Thầy thuốc nhân dân Đoàn Hữu Nghị, không có cách nào chắc chắn để phòng ngừa ung thư, nhưng nếu phát hiện bệnh sớm, ung thư chắc chắn không phải là tử thần.
Menu xem nhanh:
1. Phòng ngừa ung thư chưa đủ
Theo bác sĩ Nghị, lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn, vv… luôn được khuyến khích đối với tất cả mọi người để tăng cường sức khỏe và phòng ngừa ung thư. Các biện pháp phòng ngừa ung thư bao gồm:
1. Không hút thuốc lá, tránh hít phải khói thuốc lá
2. Chế độ ăn uống lành mạnh: nhiều rau củ quả, trái cây, hạn chế thịt đỏ, các loại thịt nướng cháy, hạn chế chất béo và muối…
3. Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh và tăng cường hoạt động thể chất
4. Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, từ 10h sáng – 16h chiều.
5. Tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại
6. Tiêm phòng viêm gan B, HPV đầy đủ
7. Tránh các hành vi nguy hiểm: như không dùng chung bơm kim tiêm, luôn quan hệ tình dục an toàn.
Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa ung thư chỉ là tương đối, bởi nguyên nhân gây ung thư cho đến nay vẫn chưa được chứng minh 1 cách rõ ràng. Vì vậy, mặc dù bạn có thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa ung thư thì điều đó cũng không thể đảm bảo rằng bạn sẽ không mắc ung thư sau này.
2. Cần khám định kỳ để phát hiện sớm
Mặc dù không có cách nào chắc chắn phòng ngừa ung thư 100%, nhưng hoàn toàn có thể phát hiện bệnh sớm, và khi đó cơ hội điều trị thành công là khả thi.
Phát hiện bệnh bằng cách nào? Theo bác sĩ Nghị, chúng ta nên chú ý tới cơ thể mình, khi thấy các triệu chứng khác thường, kéo dài và có xu hướng ngày càng nặng hơn thì nên đi khám ngay. Các triệu chứng cảnh báo ung thư bao gồm:
– Giảm cân không rõ nguyên nhân
– Sốt cao, dai dẳng
– Mệt mỏi, suy nhược kéo dài
– Đau đớn
– Thay đổi da: da và lòng trắng mắt vàng, ngứa da, da mẩn đỏ, tăng sắc tố da, vv…
– Thay đổi thói quen đi hoặc chức năng bàng quang: táo bón, tiêu chảy, thay đổi kích thước phân, đau khi đi tiểu, có máu trong nước tiểu, hoặc tiểu thường xuyên, tiểu ít hơn bình thường có thể liên quan đến ung thư bàng quang hoặc ung thư tuyến tiền liệt.
– Vết loét không lành trên dương vật, âm đạo, trong miệng, lưỡi, vv…
– Chảy máu bất thường hoặc tiết dịch bất thường
– Có khối u, hoặc vùng da dày lên ở vú hay các bộ phận khác
– Khó tiêu hoặc khó nuốt
– Thay đổi nốt ruồi hoặc sự thay đổi làn da
– Ho dai dẳng, ho ra máu hoặc khàn tiếng
Tuy nhiên, hầu hết các bệnh ung thư ít khi gây triệu chứng ở giai đoạn đầu. Vì vậy, nếu chờ có triệu chứng mới đi khám, thường là khi bệnh đã tiến triển nặng. Vì vậy, theo bác sĩ Nghị, cách tốt nhất để phát hiện bệnh ở giai đoạn mầm mống là nên tầm soát ung thư định kỳ.
Để phát hiện sớm ung thư, các bác sĩ sẽ thực hiện những xét nghiệm đặc biệt, từ cơ bản tới chuyên sâu như: thăm khám lâm sàng, siêu âm, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), xét nghiệm sinh hóa, tế bào, sinh thiết, vv…
Tùy loại bệnh ung thư mà có thể nên tầm soát sớm hay muộn, nhưng nhìn chung, tầm soát ung thư đặc biệt cần thiết cho những người trên 40 tuổi, hoặc sớm hơn đối với những người có nguy cơ cao mắc ung thư như: gia đình có tiền sử mắc ung thư, hút thuốc lá, uống rượu nhiều, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, ô nhiễm không khí, bị viêm gan B, C, vv…
3. Tỷ lệ sống của các loại ung thư khi phát hiện sớm
Tỷ lệ sống sau 5 năm của 10 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam nếu được chẩn đoán ở giai đoạn đầu là:
Ung thư phổi: 50%
Ung thư vú: >90%
Ung thư đại trực tràng: >90%
Ung thư gan: >50%
Ung thư cổ tử cung: >90%
Ung thư buồng trứng: >90%
Ung thư dạ dày: >50%
Ung thư vòm họng: >70%
Ung thư thực quản: >50%
Bệnh bạch cầu: >60%
4. Khi nào thì nên khám để phát hiện sớm ung thư?
Theo PGS.TS.Thầy thuốc nhân dân Đoàn Hữu Nghị, từ 25 tuổi cần quan tâm tới tầm soát ung thư và có thể tầm soát những bệnh ung thư thường gặp nhất. 40 tuổi trở lên là độ tuổi có tỷ lệ mắc ung thư cao, vì vậy lứa tuổi này cần quan tâm đặc biệt hơn bằng cách tầm soát nhiều loại ung thư với mức độ chuyên sâu hơn. Ngoài ra, những người có nguy cơ đặc biệt đối với bệnh ung thư nào đó thì nên tầm soát bệnh này, không nhất thiết phải chờ tới 40 tuổi. Chẳng hạn:
- Nhiễm virus viêm gan B, C: tầm soát ung thư gan
- Nhiễm vi khuẩn HP, trào ngược dạ dày, viêm dạ dày mãn tính: tầm soát ung thư dạ dày
- Phụ nữ, đã quan hệ tình dục, đặc biệt bị nhiễm virus HPV: tầm soát ung thư cổ tử cung
- Hút thuốc lá lâu năm: tầm soát ung thư phổi
- Bị hội chứng đa polyp tuyến: tầm soát ung thư đại trực tràng, vv…
Tốt nhất người bệnh nên gặp bác sĩ để được tư vấn. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, khám lâm sàng, vv… từ đó sẽ đánh giá được nguy cơ mắc ung thư của bạn.
Cũng theo bác sĩ Nghị, mỗi năm chúng ta nên tầm soát ung thư 1 lần. Tuy nhiên, cần lưu ý, ở bất kỳ độ tuổi nào, hoặc không nhất thiết phải 1 năm sau tái khám, nếu có bất kỳ triệu chứng nào khác thường, bạn nên đi khám ngay.
Chung tay với cộng đồng trong cuộc chiến phòng chống ung thư, Bệnh viện Thu Cúc đã nghiên cứu và xây dựng rất nhiều gói tầm soát ung thư, phù hợp cho nam, nữ, với nhiều độ tuổi và nguy cơ khác nhau. Để biết thêm thông tin về các gói khám, xem thêm TẠI ĐÂY