Vitamin PP (niacinamide) là một vitamin thuộc nhóm B, cụ thể hơn là dạng amid của vitamin B3. Trong cơ thể, niacinamide sẽ chuyển thành các chất có vai trò quan trọng trong phản ứng sống còn của tế bào.
Menu xem nhanh:
1. Vitamin PP là gì?
PP chính là một dạng của vitamin B3 (niacin). B3 đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi thức ăn nạp vào cơ thể thành năng lượng có thể dùng được và giúp tế bào của cơ thể thực hiện được phản ứng hóa học quan trọng. Do tính chất tan trong nước nên cơ thể không dự trữ loại vitamin này, đó là lý do vì sao chúng ta cần nạp B3 hàng ngày.
B3 thường được tìm thấy dưới dạng vitamin PP trong sản phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, gia cầm và dưới dạng axit nicotinic trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật như hạt và rau xanh. Nhiều sản phẩm ngũ cốc cũng chứa nhiều PP.
Cơ thể cũng có thể tạo ra B3 từ tryptophan, một axit amin có trong hầu hết các loại thực phẩm protein. Tuy nhiên, việc chuyển đổi tryptophan thành B3 là không hiệu quả, vì cần 60mg tryptophan để tạo ra chỉ 1mg vitamin B3.
Cơ thể thiếu Vitamin PP sẽ gặp các hiện tượng như suy nhược, chán ăn, dễ bị kích thích, viêm da, viêm miệng, viêm lưỡi, đặc biệt là ở vùng tay chân.
2. Vitamin PP có công dụng như thế nào?
Ngoài việc là dạng B3 được ưa chuộng để điều trị bệnh pellagra, PP còn có một số công dụng và lợi ích khác cho sức khỏe như:
2.1. Vitamin PP có lợi cho một số tình trạng da nhất định
Vitamin PP đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cho làn da của bạn khỏe mạnh. Vì vậy, PP là một chất phụ gia phổ biến trong ngành mỹ phẩm và chăm sóc da.
Khi bôi tại chỗ hoặc uống, PP đã được chứng minh có tác dụng hỗ trợ chống viêm trên da, được sử dụng nhằm điều trị các tình trạng như mụn trứng cá và bệnh rosacea,… Điều này làm cho PP trở thành giải pháp thay thế phổ biến cho thuốc kháng sinh uống hoặc bôi ngoài da.
2.2. Vitamin PP giúp phòng ngừa u ác tính
Ung thư tế bào hắc tố là một căn bệnh ung thư da nghiêm trọng. Bệnh phát triển trong những tế bào sản xuất ra melanin, sắc tố mang lại màu sắc cho làn da của bạn.
Tiếp xúc với bức xạ tia cực tím từ ánh nắng mặt trời hoặc từ thiết bị điện tử có thể làm hỏng DNA của tế bào theo thời gian và có mối liên quan chặt chẽ với các khối u ác tính.
Nhờ đóng vai trò trong việc giữ cho các tế bào khỏe mạnh, bổ sung PP đường uống đã được chứng minh giúp tăng cường sửa chữa DNA cho làn da bị tổn thương bởi tia cực tím.
Do vậy, niacinamide là chất bổ sung có thể bảo vệ cơ thể chống lại các khối u ác tính. Đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như người đã từng bị ung thư da không phải tế bào hắc tố.
2.3. Hữu ích cho bệnh thận mạn tính
Bệnh thận mạn tính là sự mất dần chức năng của thận gây ảnh hưởng tới khả năng làm sạch, lọc máu và kiểm soát huyết áp cơ thể. Điều này có thể gây tích tụ các chất có hại trong máu như gốc phosphat.
Nghiên cứu cho thấy, vitamin PP giúp giảm mức phosphat ở người bị rối loạn chức năng thận bằng cách ngăn quá trình hấp thụ ở thận. Nồng độ của phosphat thường được quản lý qua chế độ ăn uống, thuốc men hoặc lọc máu, tùy vào mức độ nghiêm trọng của sự tích tụ.
3. Tư vấn về liều lượng và cách sử dụng vitamin PP
– PP thường dùng kết hợp với các vitamin khác trong chế phẩm để bổ sung khẩu phần ăn với liều lượng như sau:
Với người lớn: Liều 13 – 19 mg/ngày, dùng 1 lần hoặc chia 2 lần.
Với người mang thai và cho con bú, thiếu dinh dưỡng: Liều 17 – 20 mg/ngày, dùng 1 lần hoặc chia 2 lần.
Với trẻ em: Liều 5 – 10 mg/ngày, dùng 1 lần hoặc chia 2 lần.
– Trường hợp không dùng thuốc theo đường uống, có thể điều trị bằng niacinamide theo đường tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch chậm với liều lượng 25 mg, dùng 2 hoặc hơn 2 lần mỗi ngày. Khi tiêm tĩnh mạch, tốc độ tiêm không được quá 2 mg/phút.
– Trong việc điều trị căn bệnh pellagra:
Với người lớn: Liều 300 – 500 mg/ngày, tối đa 1500 mg/ngày, chia 3 – 10 lần.
Với trẻ em: Liều 100 – 300 mg/ngày, chia 3 – 10 lần.
– Trong điều trị trứng cá:
Bôi thuốc mỡ lên vùng da bị tổn thương ngày 2 lần và đánh giá kết quả điều trị sau khoảng 8 – 12 tuần.
4. Tác dụng phụ của vitamin PP
– Niacinamide thường được dung nạp tốt với liều lượng thích hợp, phần lớn do lượng dư thừa được bài tiết qua nước tiểu.
– Giới hạn trên có thể dung nạp được của B3 là 35mg mỗi ngày. Đây là hàm lượng ít có khả năng gây nên các tình trạng đỏ bừng, mẩn đỏ, ngứa và ngứa ran da (một tác dụng phụ đã biết của axit nicotinic nhưng không phải của PP).
– Đã có báo cáo về các tác dụng phụ ít gặp liên quan đến PP, chẳng hạn như khó chịu ở dạ dày, buồn nôn và đau đầu.
– Người ta cho rằng, PP có thể làm tăng kháng insulin, 1 dấu hiệu của tiểu đường tuýp 2 nhưng chưa có đầy đủ bằng chứng khoa học.
5. PP có trong thực phẩm nào?
– PP có trong các thực phẩm nguồn gốc từ động vật. Ví dụ như gan, thận, thịt (thịt gà, thịt heo, thịt bò), cá (cá ngừ, cá cơm, cá hồi)…
– Ngoài ra, bạn cũng dễ dàng cung cấp PP cho cơ thể thông qua các thực phẩm có nguồn gốc thực vật như đậu hà lan, quả bơ, lạc, nấm, gạo lứt, khoai tây, lúa mì, ngũ cốc,…
– Ngoài thực phẩm cung cấp PP, loại vitamin này cũng được vi khuẩn tổng hợp ở ruột. Việc lạm dụng kháng sinh gây tình trạng rối loạn khuẩn ruột sẽ làm giảm hấp thụ PP.
– Nếu chế độ dinh dưỡng không thể đảm bảo bổ sung đầy đủ PP cho cơ thể, bạn có thể bổ sung vitamin này bằng dạng viên uống. PP thường được sản xuất ở dạng đơn lẻ hoặc kết hợp với các thành phần khác, ví dụ như trong viên vitamin tổng hợp. Thuốc PP đơn lẻ thường ở dạng viên nén với hàm lượng 50mg và 500mg.
Trên đây là một số thông tin cần biết về vitamin PP để bạn tham khảo. Ngoài ra, bạn đừng quên trao đổi với bác sĩ trước khi muốn sử dụng bất cứ loại thuốc nào để đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả tốt với sức khỏe.