Viêm xoang mạn tính có thể gây nhiều biến chứng nặng liên quan đến bệnh hô hấp. Thậm chí, bệnh còn nguy cơ ảnh hưởng đến mắt và các biến chứng nội sọ. Chính vì thế, nhận biết sớm và điều trị bệnh đúng cách là điều rất quan trọng và cần được chú ý trong cuộc sống hằng ngày. Hãy cùng TCI tìm hiểu những điều này ngay dưới đây để biết thêm về bệnh lý và có cho mình cách xử trí phù hợp khi bắt gặp viêm xoang mạn.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu và nhận biết thể mạn tính của viêm xoang
1.1. Các vấn đề chung
Viêm xoang là bệnh lý viêm nhiễm, tích tụ dịch nhầy liên quan đến các xoang cạnh mũi, làm bít tắc lỗ thông xoang, thường bắt nguồn từ tình trạng nhiễm virus, vi khuẩn, nấm hoặc dị ứng gây ra. Trong đó, thể viêm xoang mạn là tình trạng viêm xoang kéo dài ít nhất 12 tuần, và có thể kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.
Viêm xoang mạn tính thường hình thành từ những vấn đề nguyên nhân chủ yếu như:
– Viêm xoang cấp không được điều trị hoặc điều trị đúng cách
– Viêm mũi xoang dị ứng
– Hội chứng trào ngược
– Cấu trúc giải phẫu khu vực mũi họng hoặc mũi xoang bất thường như VA quá phát, lệch vẹo vách ngăn,…)
– Ảnh hưởng từ khói thuốc, môi trường ô nhiễm, dùng chất kích thích,…
Viêm xoang mạn thường phải điều trị dai dẳng và dễ tái phát. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người cảm thấy bất lực, không tích cực điều trị bệnh. Tuy nhiên, chính sự thờ ơ này có thể dẫn đến nhiều vấn đề biến chứng của viêm xoang mạn như: lây nhiễm gây viêm tai giữa, viêm thanh khí phế quản, viêm trước ổ mắt,… Đặc biệt, cần cẩn trọng trước biến chứng viêm màng não, áp xe não,… của bệnh. Điều quan trọng nhất là, cần sớm nhận biết các dấu hiệu bệnh để điều trị sớm, tránh các nguy hiểm mà viêm xoang mạn gây nên.
1.2. Nhận biết viêm xoang mạn tính
Viêm xoang mạn đặc trưng với những triệu chứng viêm xoang kéo dài trên 12 tuần, như:
– Tắc nghẹt mũi
– Dịch mũi mủ nhầy hoặc đặc
– Đau tức tại các vị trí xoang
– Ngửi kém
– Ho, đau đầu, mệt mỏi
– Hơi thở có mùi
Khi thăm khám, nội soi mũi xoang, bác sĩ có thể thấy: dịch mủ nhầy hoặc đặc tại các khe, phù nề hoặc thoái hóa – polyp niêm mạc mũi, VA quá phát,… Ở một số trường hợp, có thể soi thấy cấu trúc giải phẫu bất thường như lệch vách ngăn, bóng hơi cuốn giữa,… Cận lâm sàng, bác sĩ thường chỉ định CT Scan nhằm xem xét hình ảnh các xoang; nhận định độ dày niêm mạc xoang; tình trạng dịch, polyp mũi xoang; các bệnh tích khiến phức hợp lỗ ngách bị lấp; các vấn đề giải phẫu liên quan của người bệnh.
Cần chú ý rằng: Viêm xoang mạn có nhiều dấu hiệu khá tương đồng với các bệnh lý hô hấp khác. Việc tự chẩn đoán sai, điều trị không đúng cách cũng khiến những biến chứng của bệnh dễ xảy ra hơn. Do đó, chẩn đoán và điều trị cần thiết có sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng. Đây cũng là cách không chỉ giúp điều trị có hiệu quả, mà còn ngăn ngừa sự tái phát của viêm xoang mạn hiệu quả hơn.
2. Điều trị bệnh lý viêm xoang thể mạn tính.
Khi điều trị viêm xoang mạn hay bệnh lý viêm xoang nói chung, cần thực hiện trên nguyên tắc: loại bỏ các tác nhân gây bệnh; đảm bảo dẫn lưu tốt mũi xoang; kết hợp điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân; đồng thời nghỉ ngơi và phòng tránh tốt trước các yếu tố nguy cơ gây viêm xoang mạn.
Khi điều trị bệnh, căn cứ vào tình trạng và nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ phù hợp cho người bệnh theo hình thức nội khoa hoặc điều trị ngoại khoa.
2.1. Điều trị nội khoa
Trong trường hợp viêm xoang mạn bắt đầu với những dầu hiệu chưa nặng nề và người bệnh không có tình trạng dị hình giải phẫu mũi xoang, việc điều trị thường được tiến hành với các hình thức nội khoa. Việc điều trị bao gồm các thuốc điều trị toàn thân, thuốc điều trị tại chỗ, và chế độ dinh dưỡng, nâng cao thể trạng phù hợp.
Thuốc điều trị toàn thân được cân nhắc kháng sinh trong trường hợp cần thiết kéo dài tầm 2 – 3 tuần, thuốc corticosteroid đường uống điều trị triệu chứng. Thuốc điều trị tại chỗ hỗ trợ giảm triệu chứng tại chỗ như thuốc co mạch, rửa mũi xoang, làm thuốc mũi, corticosteroid dạng xịt,… Cần lưu ý rằng, các thuốc được kê sử dụng có thể không đồng nhất về thời gian dùng, do đó, người bệnh cần chú ý thực hiện theo đúng chỉ định. Đặc biệt, tránh tình trạng lạm dụng xịt mũi khi điều trị xoang.
2.2. Phẫu thuật viêm xoang mạn tính
Trong điều trị viêm xoang mạn, các bác sĩ thường ưu tiên các phương pháp nội khoa điều trị bệnh. Chỉ định phẫu thuật xoang thường chỉ áp dụng với các trường hợp như:
– Người bệnh điều trị nội khoa tối đa không có kết quả
– Thoái hóa polyp mũi xoang
– Viêm xoang mạn kèm biến chứng.
– Phức hợp lỗ ngách có cản trở dẫn lưu do vấn đề dị hình giải phẫu mũi xoang.
Khi đó, tùy vào tình trạng viêm xoang, bệnh lý nguyên nhân mà việc điều trị bệnh được thực hiện theo các hình thức khác nhau. Hiện nay, việc phẫu thuật nội soi mũi xoang thường được sử dụng trong phẫu thuật viêm xoang mạn. Tại TCI, rất nhiều trường hợp viêm xoang nặng cần phẫu thuật nội soi kết hợp giải quyết vấn đề dị hình vách ngăn, cuốn mũi phì đại,… có thể điều trị nhẹ nhàng nhờ những phát triển mới về công nghệ trong y học cùng kinh nghiệm từ các bác sĩ đầu ngành.
Sau phẫu thuật, cần chăm sóc và điều trị đúng cách:
– Điều trị tại chỗ được thực hiện bao gồm: rút merocel mũi sau phẫu thuật 24h. dùng các thuốc co mạch, rửa mũi, làm thuốc mũi, thuốc corticosteroid dạng xịt,…
– Điều trị toàn thân gồm việc sử dụng kháng sinh trong khoảng 1-2 tuần, thuốc corticosteroid đường uống,…
– Thực hiện các hình thức nâng cao thể trạng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung vitamin và khoáng chất, thể thao nhẹ nhàng,…
Viêm xoang mạn tính có triệu chứng điển hình, dễ nhầm lẫn với các bệnh tai mũi họng khác. Do đó, cần chú ý để chẩn đoán, nhận định bệnh lý phù hợp. Bên cạnh đó, căn cứ vào nguyên nhân tình trạng bệnh lý của người bệnh mà sẽ có những chỉ định điều trị phù hợp. Chính vì thế, khi nghi ngờ viêm xoang mạn, cần sớm đến các cơ sở y khoa tai mũi họng để được thăm khám và lên phác đồ điều trị phù hợp cho bản thân mình.