Viêm thanh quản cấp là hiện tượng rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa hè. Vậy viêm thanh quản cấp ở trẻ em có nguy hiểm không? Và cha mẹ cần làm gì để bảo vệ trẻ khỏi bệnh lý thường gặp này.
Menu xem nhanh:
1. Viêm thanh quản cấp ở trẻ em – Bệnh thường gặp vào mùa hè
Mùa hè là thời điểm bùng phát tình trạng viêm thanh quản cấp ở trẻ. Viêm thanh quản cấp là tình trạng sưng viêm dây thanh quản do nhiễm virus, vi khuẩn. Tình trạng này hay gặp nhất ở trẻ dưới 6 tuổi. Và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, thường là vài ngày.
1.1. Triệu chứng viêm thanh quản cấp ở trẻ em
Trẻ bị viêm thanh quản cấp sẽ có những triệu chứng tùy thuộc vào tình trạng nặng – nhẹ của bệnh.
Ở cấp độ nhẹ, các triệu chứng còn mơ hồ và thoáng qua:
– Trẻ bị ho, khàn tiếng nhẹ.
– Thi thoảng cha mẹ nghe thấy tiếng thở rít khi trẻ khóc khóc, tiếng khóc khàn.
Ở cấp độ trung bình, các dấu hiệu có phần nặng hơn và rõ hơn:
– Trẻ thở rít ngay cả khi nằm, khó thở.
– Quấy khóc nhiều hơn.
– Họng đau, khô.
– Nghẹt mũi.
– Ngứa cổ.
– Sốt nhẹ.
Ở cấp độ nặng, trẻ thường rất khó chịu vì những triệu chứng này gây ra:
– Khó thở nặng, da tím tái – những biểu hiện cảnh báo suy hô hấp.
– Sốt cao trên 39 độ, chảy mũi giống như triệu chứng cúm.
– Buồn nôn, nôn.
– Mệt mỏi.
– Trẻ thường phải há miệng để thở.
– Các triệu chứng không thuyên giảm sau khi dùng thuốc và điều trị tại nhà.
1.2. Nguyên nhân gây nên viêm thanh quản cấp ở trẻ em
Viêm thanh quản cấp ở trẻ nhỏ do rất nhiều nguyên nhân gây nên. Nhưng chủ yếu nhất vẫn là do trẻ bị cảm lạnh, cảm cúm từ virus hoặc do trẻ la hét quá nhiều khiến cho dây thanh âm bị kích thích.
Ngoài ra cũng có một số yếu tố khác gây nên nguy cơ cao mắc viêm thanh quản ở trẻ đó là:
– Tác nhân dị ứng như khói thuốc lá, hóa chất…
– Một số loại vi khuẩn gây bệnh cảm cúm và sổ mũi.
– Cha mẹ để điều hòa quá thấp dưới 24 độ khiến trẻ dễ viêm họng.
– Do bị trào ngược dạ dày thực quản khiến lượng axit trong bao tử bị trào ngược lên kích thích dây thanh âm.
– Do chấn thương, viêm phổi hoặc viêm đường hô hấp trên do virus.
2. Viêm thanh quản cấp ở trẻ có nguy hiểm không?
Rất nhiều cha mẹ thấy trẻ bị viêm thanh quản cấp thì lo lắng không biết tình trạng này có nguy hiểm không?
Thông thường, bệnh viêm thanh quản cấp diễn biến khoảng 5-7 ngày rồi tự khỏi. Nếu tình trạng bệnh không cải thiện thì rất có thể xảy ra biến chứng, đồng thời làm cho sức đề kháng của trẻ giảm sút trầm trọng như: viêm tai, viêm phổi… Do đó, cha mẹ cần theo dõi sát sao các dấu hiệu ở trẻ, đặc biệt là những biểu hiện như: đau tai, chảy dịch ở tai, khó thở tăng dần…
Viêm thanh quản cấp tưởng là không đáng ngại nhưng nó lại diễn biến khá nguy hiểm. Do ở trẻ dễ có hiện tượng phù nề dữ dội, trong khi kích thước đường thở lại nhỏ, các tổ chức liên kết ở vùng này lại khá lỏng lẻo nên dễ gây khó thở nặng và tử vong ở trẻ em. Hơn nữa, quá trình phù nề từ hạ thanh môn lan xuống khí – phế quản, đồng thời niêm mạc đường hô hấp dưới xuất tiết nhiều dịch nhầy đặc quánh, làm tắc lòng khí – phế quản gây ra chứng khó thở. Lúc này trẻ đột ngột sốt cao kèm theo khó thở nặng, tiếng thở ậm ạch. Vì vậy cách tốt nhất là cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện để kiểm tra ngay khi nghi ngờ các triệu chứng viêm thanh quản cấp ở trẻ.
3. Các cách phòng tránh bệnh viêm thanh quản cấp ở trẻ
Viêm thanh quản cấp ở trẻ hoàn toàn phòng ngừa được nếu cha mẹ lưu ý một số điều sau:
– Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ trong các bữa ăn hàng ngày. Điều này giúp tăng sức đề kháng, từ đó đối phó và ngăn cản sự tấn công của virus, vi khuẩn.
– Hạn chế để trẻ la hét lớn trong quá trình chơi đùa.
– Tập cho trẻ uống nhiều nước ấm để giữ cho niêm mạc thanh quản được sạch và trơn nhẵn.
– Mùa hè hạn chế để trẻ trong phòng điều hòa quá lâu. Cha mẹ nên lựa chọn nhiệt độ cao, khoảng 25-26 độ là tốt nhất.
– Tránh cho trẻ tiếp xúc các tác nhân gây dị ứng như: khói bụi, thuốc lá,…
– Không cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị cảm cúm, viêm đường hô hấp trên,…
– Hạn chế cho trẻ uống nhiều nước đá, ăn các đồ lạnh như: kem, sữa chua,…
– Hướng dẫn và hình thành cho trẻ thói quen súc miệng nước muối loãng để loại bỏ vi khuẩn, virus xâm nhập vào thanh quản.
Có thể thấy, viêm thanh quản cấp ở trẻ em diễn ra trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 5-7 ngày rồi tự khỏi. Tuy nhiên, nếu theo dõi tình trạng trẻ không có dấu hiệu hồi phục thì cha mẹ cần đưa tới bệnh viện để kiểm tra sớm nhất. Bằng cách này, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ bệnh và đưa ra phương pháp điều trị hợp lý. Đồng thời ngăn ngừa biến chứng xấu mà bệnh có thể gây ra cho trẻ nếu để lâu.