Viêm tai xương chũm – Bệnh lý về tai không thể xem nhẹ

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, bác sĩ

Đỗ Thị Nghiệp

Bác sĩ Tai mũi họng

Viêm tai xương chũm là bệnh lý tai mũi họng có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, song tỷ lệ ở trẻ em phổ biến hơn cả. Đây là bệnh lý khá nguy hiểm, có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm cho toàn cơ thể. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về loại bệnh lý này để có thêm kiến thức bảo vệ bé yêu của bạn nhé.

Menu xem nhanh:

1. Xương chũm và viêm tai xương chũm

Viêm tai xương chũm

Mặc dù viêm tai xương chũm có thể gặp ở nhiều đối tượng khác nhau, nhưng tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em cao hơn cả, đặc biệt trẻ nhỏ trong những năm đầu đời.

Một trong những cấu trúc quan trọng ở phần tai của chúng ta là xương chũm. Xương chũm là một loại xương xốp, chứa nhiều thông bào, trong đó lớn nhất là sào bào – nơi kết nối hòm tai với xương chũm. Do đó, viêm xương chũm thường xuất phát từ viêm tai giữa khi không được điều trị kịp thời hoặc không đúng cách. Bệnh cũng có thể xảy ra khi sức đề kháng suy giảm, chẳng hạn sau khi mắc sởi, cúm…, ở trẻ suy dinh dưỡng hoặc do vi khuẩn có độc tính quá mạnh. Viêm xương chũm rất nguy hiểm, cần điều trị kịp thời để tránh các biến chứng.

2. Những người dễ mắc viêm xương chũm nhất

Mặc dù tình trạng này phổ biến nhất ở trẻ em, nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn. Đặc biệt, những người có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm:

– Trẻ em, đặc biệt từ 6 tháng đến 13 tháng tuổi

– Người có sức đề kháng yếu

– Người bị viêm tai giữa sau chấn thương sau các bệnh cúm, sởi, bạch hầu, ho gà

– Người bị viêm tai giữa không được phát hiện và điều trị triệt để và kịp thời

3. Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm xương chũm?

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm xương chũm là do người bệnh bị nhiễm trùng tai giữa mà không điều trị triệt để. 

Tác nhân gây viêm xương chũm phổ biến nhất là phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae, chiếm khoảng 25% các trường hợp. Ngoài ra, một số vi khuẩn thường gặp khác bao gồm:

– Liên cầu khuẩn Beta tan huyết nhóm A .
– Tụ cầu vàng.
– Liên cầu khuẩn Streptococcus pyogenes có khả năng sinh mủ.
– Vi khuẩn Haemophilus influenzae.
– Các loài Mycobacterium.
– Enterobacter.

 

4. Các triệu chứng khi bị viêm xương chũm 

Các triệu chứng của viêm xương chũm tương tự như khi bị nhiễm trùng tai, thường bao gồm: 

– Đau tai, cơn đau thường sâu trong tai và diễn ra âm ỉ và lan tỏa ra nửa đầu bên cạnh.

– Chảy mủ tai: mủ tai thường có mùi thối khẳm – một dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo tai có chứa chất cholesteatoma, có khả năng ăn mòn xương, và gây ra biến chứng nội sọ.

– Sốt cao, khoảng 39 – 40 độ C

– Đau đầu âm ỉ

– Mất thính giác ở tai bị ảnh hưởng, nghe kém tăng dần lên

– Phía sau tai bị đỏ, sưng, đau

– Trong một số trường hợp, viêm xương chũm có thể gây ra các biến chứng xuất ngoại, biến chứng nội sọ, biến chứng xương sọ. Lúc này, người bệnh có thể có thêm các triệu chứng khác của các biến chứng như hội chứng màng não, hội chứng tăng áp lực nội sọ, …

5. Các phương pháp chẩn đoán viêm tai xương chũm

Chẩn đoán viêm xương chũm

Phim chụp CT cho thấy hình ảnh của viêm xương chũm.

Bác sĩ sẽ dựa vào tiền sử viêm tai giữa, tiền sử chảy mủ tai và thăm khám lâm sàng. Ngoài ra các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh và các biến chứng của bệnh như:

– Xét nghiệm công thức máu: theo dõi bạch cầu xem có dấu hiệu của nhiễm trùng không 

Nội soi tai mũi họng nhằm phát hiện tình trạng viêm tai giữa

– Chụp CT scan vùng thái dương

Chụp MRI vùng tai và đầu

– Chụp X-quang Schuller …

6. Viêm xương chũm điều trị như thế nào?

Điều trị viêm xương chũm

Viêm xương chũm có thể được điều trị bằng phẫu thuật.

Trước tiên, cần hiểu rằng viêm tai xương chũm là một tính trạng có thể đe doạ tính mạng người bệnh. Do đó, khi có chẩn đoán viêm xương chũm, người bệnh có chỉ định nhập viện để điều trị khẩn cấp.

Phương pháp điều trị là điều trị nội khoa tích cực, thường là tiêm kháng sinh qua tĩnh mạch kết hợp giảm viêm, giảm đau… Trong trường hợp bệnh không đáp ứng với thuốc kháng sinh, hoặc song song với việc dùng thuốc, bác sĩ có thể cân nhắc điều trị ngoại khoa như:

Chích rạch, Đặt ống thông khí màng nhĩ

– Mở sào bào dẫn lưu mủ nhiễm trùng và làm sạch mô viêm, tạo sự thông thương giữa tai giữa và các tế bào chũm.

– Phẫu thuật tiệt căn xương chũm nếu như điều trị kháng sinh không hiệu quả…

7. Các biến chứng liên quan đến viêm xương chũm

Điều trị viêm xương chũm tương đối khó khăn vì xương chũm nằm sâu bên trong tai của bạn, do đó đòi hỏi kinh nghiệm và tay nghề cao của bác sĩ. Trường hợp tình trạng nhiễm trùng không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không hiệu quả, có thể gây ra các biến chứng về sức khoẻ như: 

– Chóng mặt

– Liệt mặt

– Mất thính lực

– Viêm màng não, áp xe não

– Áp xe ngoài màng cứng 

– Nhiễm trùng huyết 

Chính bởi những nguy hiểm nêu trên, cần can thiệp sớm để ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn nếu viêm xương chũm phát triển. Ngay cả khi điều trị thành công, viêm xương chũm rất dễ tái phát, do đó người bệnh cần tuyệt đối theo chỉ dẫn và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. 

8. Làm thế nào có thể ngăn ngừa viêm tai xương chũm?

Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm xương chũm đó là tiêm vaccin đầy đủ và điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng tai. Tuân thủ tuyệt đối theo lời khuyên của bác sĩ về điều trị khi bị nhiễm trùng tai, dùng thuốc đầy đủ, hết liệu trình.

Như vậy, viêm tai xương chũm là bệnh lý nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng tới khả năng nghe của người bệnh mà còn có thể gây ra các biến chứng cho toàn cơ thể. Do vậy, nhận biết các dấu hiệu và điều trị kịp thời là việc làm vô cùng cần thiết.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital