Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính gây ảnh hưởng lâu dài tới khớp và dẫn tới những bất tiện trong sinh hoạt. Điều mọi người quan tâm là viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không và những lưu ý chăm sóc người bệnh đúng cách.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một dạng rối loạn viêm mãn tính có ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tới khớp như khớp cổ tay, các khớp bàn tay,… Ở một số ca bệnh, viêm khớp dạng thấp còn gây tổn thương tới những bộ phận quan trọng khác như da, mắt, tim, phổi, mạch máu,… và dẫn tới những khuyết tật về thể chất.
Theo thống kê có khoảng 1% dân số thế giới mắc căn bệnh này. Trong đó, tỷ lệ bệnh gặp phải ở nữ giới cao gấp từ 2-3 lần so với nam giới. Bệnh thường khởi phát ở người trung niên 35-50 tuổi.
2. Viêm khớp dạng thấp có thể được chữa khỏi không? Điều trị như thế nào?
2.1. Giải đáp: Viêm khớp dạng thấp có phương pháp chữa khỏi được không?
Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị nào có thể chữa khỏi hoàn toàn viêm khớp dạng thấp. Mục tiêu chính trong điều trị viêm khớp dạng thấp hướng tới là giảm nhẹ các triệu chứng, làm chậm lại quá trình viêm khớp và phòng ngừa tốt các biến chứng.
Vì vậy, thay vì quan tâm viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không thì bạn nên để ý theo hướng làm sao để phòng viêm khớp dạng thấp hiệu quả và làm sao để phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm. Việc điều trị ở giai đoạn sớm sẽ mang lại kết quả tốt cho người bệnh, hạn chế tối đa những tổn thương, không dẫn tới các biến chứng nặng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2.2. Điều trị viêm khớp dạng thấp thực hiện như thế nào?
Việc điều trị viêm khớp dạng thấp sẽ cần phụ thuộc vào mức độ tổn thương của khớp, mức độ triệu chứng và giai đoạn phát hiện bệnh để chỉ định phương án phù hợp. Thông thường, điều trị viêm khớp dạng thấp sẽ dựa theo 3 thể chính như sau:
– Thể nhẹ: Số khớp bị viêm ít nên gần như không ảnh hưởng tới chức năng vận động. Người bệnh sẽ được chỉ định dùng các thuốc giảm đau, thuốc chống viêm thông thường, kết hợp với hướng dẫn tập luyện, điều trị vật lý trị liệu cùng các liệu pháp như điện châm, ngâm nước suối khoáng…;
– Thể trung bình: Nhiều khớp bị viêm và khiến cho khả năng vận động bị hạn chế. Người bệnh được chỉ định dùng một trong các thuốc chống viêm non steroid hoặc corticoid liều trung bình (theo đơn kê của bác sĩ). Kết hợp cùng các biện pháp vật lý trị liệu như trên;
– Thể nặng: Khớp bị viêm nặng khiến người bệnh không thể đi lại được. Trường hợp này, người bệnh sẽ cần dùng các nhóm thuốc corticoid liều cao và các loại thuốc bổ trợ khác theo đúng chỉ định của bác sĩ. Ở một số thể viêm khớp dạng thấp nặng, người bệnh có thể cần được phẫu thuật điều trị. Một số loại phẫu thuật được thực hiện như chỉnh sửa các khớp hoặc gân bị phá hủy hoặc phẫu thuật thay khớp,…
3. Những cách giúp người bệnh viêm khớp dạng thấp giảm triệu chứng hiệu quả
Viêm khớp dạng thấp gây ra những cơn đau nhức khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Bạn có thể áp dụng những cách sau đây sẽ giúp thuyên giảm đáng kể các triệu chứng, giúp cải thiện tốt khả năng vận động cho người bệnh viêm khớp dạng thấp.
3.1. Duy trì các hoạt động thể chất
Các hoạt động thể chất là chìa khóa giúp lưu thông máu, tăng cường hệ cơ bắp và giữ cho khớp được linh hoạt đồng thời bảo vệ tốt các khớp khỏi các tổn thương. Ngoài ra, việc luyện tập thể chất đều đặn còn giúp người bệnh tăng cường năng lượng, giảm các cơn đau mỏi, giảm stress, cải thiện giấc ngủ, giữ cơ thể luôn cân đối. Những điều này rất hữu ích với người bị viêm khớp dạng thấp.
Một số hoạt động thể chất được khuyến khích gồm có chạy bộ, bơi lội, đi xe đạp, tập yoga, tập thể dục,…. Bạn hãy tham khảo và lựa chọn cho mình một bộ môn yêu thích, phù hợp với thể trạng bản thân. Hãy lên kế hoạch tập luyện điều độ, tập ít nhất 30 phút mỗi ngày và chăm chỉ luyện tập đều đặn 4-5 buổi/tuần.
3.2. Sử dụng liệu pháp dùng nhiệt nóng và lạnh
Tắm nước ấm, tắm vòi hoa sen hay dùng miếng đệm nóng hoặc túi chườm nóng, chườm lạnh đều là những liệu pháp có thể giúp giảm đau và cứng khớp hiệu quả mà người bệnh viêm khớp dạng thấp có thể áp dụng.
3.3. Có thể sử dụng các thiết bị trợ giúp nếu cần
Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể sử dụng nẹp để hỗ trợ các khớp. Việc sử dụng nẹp đúng cách sẽ giúp giảm triệu chứng sưng đau tốt. Về các thiết bị hỗ trợ cũng như hướng dẫn sử dụng, bạn có thể tham khảo từ bác sĩ điều trị để lựa chọn đúng loại nẹp phù hợp.
3.4. Uống thuốc theo đúng chỉ định
Các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp có tác dụng giảm các triệu chứng, giảm viêm, giảm sưng và làm chậm lại quá trình tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc lâu dài có thể gây ra một số ảnh hưởng tới gan và hệ tiêu hóa. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ đúng theo đơn kê của bác sĩ cũng như hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách.
Bên cạnh việc uống thuốc, người bệnh cần kết hợp cùng với lối sống lành mạnh, ăn uống đủ dinh dưỡng, ngủ nghỉ điều độ, không hút thuốc và bỏ uống rượu bia để tăng hiệu quả điều trị của thuốc.
3.5. Giảm căng thẳng
Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng căng thẳng có thể dẫn đến sự gia tăng nhanh các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp. Do đó, việc kiểm soát cảm xúc tiêu cực, sống lạc quan và thực hiện lối sống lành mạnh là rất cần thiết với người bệnh viêm khớp dạng thấp.
Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không là không. Tuy nhiên, người bệnh có thể áp dụng tốt các biện pháp điều trị tích cực giúp giảm các triệu chứng hiệu quả, cải thiện khả năng vận động và giúp cuộc sống người bệnh viêm khớp dạng thấp tốt hơn.