Viêm kết mạc trẻ sơ sinh có nguy hiểm không là thắc mắc của rất nhiều người khi đây là căn bệnh liên quan đến mắt mà bất cứ ai cũng có khả năng mắc phải. Muốn biết đáp án là gì, tham khảo ngay bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh – nguyên nhân do đâu?
Viêm kết mạc (hay còn được gọi với cái tên quen thuộc hơn là đau đỏ mắt) khá phổ biến và ai cũng có thể là “nạn nhân” của viêm kết mạc, kể cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Bởi thông thường, viêm kết mạc phần lớn do virus, vi khuẩn gây ra, những mầm bệnh này sẽ tấn công cơ thể và gây bệnh, đặc biệt là những đối tượng đề kháng kém, miễn dịch chưa hoàn thiện, cơ thể còn non nớt như trẻ sơ sinh.
Cụ thể, nguyên nhân gây viêm kết mạc cho trẻ sơ sinh có thể kể đến như:
– Nhiễm khuẩn Chlamydia Trachomatis: đây là chủng vi khuẩn khá quen thuộc và lây lan chủ yếu qua đường tiết niệu. Thông thường, nếu mẹ bị nhiễm khuẩn Chlamydia Trachomatis mà không được điều trị dứt điểm có nguy cơ cao sẽ truyền sang bé khi sinh thường, gây ra viêm kết mạc với các biểu hiện như sưng mí, đỏ mắt, mắt có mủ… triệu chứng xuất hiện khoảng từ 5 – 12 ngày từ khi bé chào đời.
– Nhiễm khuẩn Neisseria Gonorrhoeae: đây chính là chủng khuẩn gây ra bệnh viêm lậu cầu, nhiễm trùng đường sinh dục, hay nói đơn giản là bệnh lậu. Nếu mẹ bầu bị lậu trước đó không được điều trị dứt điểm thì khi chuyển dạ, rất có thể truyền khuẩn này sang cho bé. Bé bị viêm kết mạc do khuẩn lậu sẽ có những biểu hiện mắt nhiều mủ, mủ đóng dày, sưng mí mắt nhiều… sau khoảng 2 – 4 ngày sau sinh.
– Dị ứng với nhỏ mắt: Nhiều bé được ba mẹ sử dụng nhỏ mắt để làm sạch mắt sau khi chào đời, nhưng đôi khi những loại nhỏ mắt này lại khiến bé dị ứng, làm cho mắt đỏ nhẹ, sưng mí… tuy nhiên các triệu chứng này thường sẽ tự hết trong khoảng 1 – 2 ngày.
– Những loại vi khuẩn và virus khác như các loại virus kí sinh trong môi trường âm đạo, virus gây mụn rộp sinh dục, virus herpes… cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc do lây truyền từ mẹ sang con khi sinh thường.
2. Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
2.1 Viêm kết mạc trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Giống như viêm kết mạc ở người lớn, viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh khá lành tính và thường không nguy hiểm hay để lại biến chứng nếu được phát hiện sớm, xác định chính xác nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp. Ở những trường hợp nhẹ, viêm kết mạc ở trẻ có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc điều trị hay kháng sinh.
Tuy nhiên, nếu bệnh không được phát hiện và khám chữa kịp thời hay điều trị sai cách có thể dẫn đến những biến chứng ảnh hưởng trực tiếp đến mắt nói riêng và sự phát triển của bé nói chung.
Cụ thể, nếu nguyên nhân viêm kết mạc của bé do nhiễm vi khuẩn lậu cầu thì viêm màng não, nhiễm trùng huyết, tổn thương thị lực lâu dài… là những biến chứng mà cha mẹ nên cẩn trọng.
2.2 Viêm kết mạc trẻ sơ sinh điều trị như thế nào
Để điều trị viêm kết mạc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nói riêng và điều trị các trường hợp viêm kết mạc hiệu quả, việc đầu tiên cần làm là hãy đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Bác sĩ sẽ xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh, từ đó tư vấn cách điều trị phù hợp nhất với tình trạng của bé.
– Nếu viêm kết mạc do khuẩn Chlamydia Trachomatis gây ra: kháng sinh uống kết hợp nhỏ mắt là phương án được nhiều bác sĩ áp dụng nhất để điều trị viêm kết mạc cho trẻ sơ sinh khi có nguyên nhân này.
– Nếu viêm kết mạc do khuẩn lậu gây ra: Do những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra nên bác sĩ thường khuyên bố mẹ nên dùng nhỏ mắt phù hợp cho trẻ khi bệnh nhẹ. Còn trường hợp bệnh nặng, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp tiêm kháng sinh tĩnh mạch để phòng ngừa biến chứng xấu nhất có thể xảy ra.
– Nếu viêm kết mạc đến từ dị ứng thì cách điều trị rất đơn giản, đó là ngưng sử dụng các sản phẩm khiến trẻ dị ứng đồng thời nghe bác sĩ tư vấn cách chăm sóc mắt cho trẻ sơ sinh đúng cách. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể kê kháng sinh chống viêm hoặc các loại thuốc bôi trơn để bảo vệ nhãn cầu cho trẻ.
– Nếu do các nguyên nhân khác, bố mẹ cần quan sát biểu hiện và đưa trẻ đến bác sĩ sớm nhất khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào xảy ra.
3. Những điều cần lưu ý khi trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc
Ngoài chỉ định của bác sĩ về việc sử dụng kháng sinh, cha mẹ cũng nên lưu ý một số điểm cũng như thực hiện các phương pháp hỗ trợ điều trị viêm kết mạc cho trẻ như:
– Chỉ sử dụng kháng sinh hoặc thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh khi có sự chỉ định của bác sĩ, đồng thời sử dụng theo hướng dẫn về liều lượng, tần suất sử dụng/ngày và theo dõi phản ứng sau sử dụng thuốc kỹ lưỡng.
– Vệ sinh mắt sạch sẽ, đúng cách bằng việc sử dụng nước sạch/nước muối sinh lý và khăn/gạc vô khuẩn để loại bỏ bụi bẩn, ghèn, mủ trên mắt bé nếu có. Dùng 2 miếng gạc khác nhau cho 2 bên mắt của trẻ.
– Không tái sử dụng gạc sau khi dùng mà nên vứt ngay vào thùng rác riêng, tránh lây nhiễm ra những người trong gia đình.
– Luôn rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc nước sát khuẩn trước khi vệ sinh mắt nói riêng và vệ sinh cơ thể nói chung cho trẻ.
– Đưa trẻ đến tái khám sau khi sử dụng kháng sinh điều trị.
Cùng với đó, phòng bệnh hơn chữa bệnh nên cha mẹ có thể phòng ngừa viêm kết mạc cho trẻ bằng cách:
– Đảm bảo mẹ không bị các bệnh liên quan đến đường sinh dục hoặc đã điều trị dứt điểm các bệnh liên quan đến đường sinh dục trước thời điểm mang bầu. Mẹ có thể khám tiền hôn nhân hoặc khám phụ sản trước khi có ý định mang bầu và trong thời gian mang bầu để đảm bảo an toàn cho bé nhất.
– Tạo thói quen sát khuẩn, làm sạch tay khi vệ sinh cơ thể cho trẻ.
– Không tự ý sử dụng mẹo dân gian như dùng sữa mẹ rửa mắt để vệ sinh mắt cho bé.
– Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người, nhiều nguy cơ mầm bệnh hoặc môi trường ô nhiễm.
Hy vọng với những kiến thức mà chúng tôi chia sẻ trên đây đã có thể giúp ba mẹ hiểu hơn về bệnh viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân, biến chứng, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả, từ đó chăm sóc bé yêu tốt nhất.