Viêm kết mạc ở trẻ em là bệnh lý liên quan đến mắt không hiếm gặp do vi khuẩn, virus hoặc các tác nhân dị ứng gây ra. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn triệu chứng, cách điều trị cũng như cách phòng ngừa căn bệnh này hiệu quả, bảo vệ đôi mắt của trẻ.
Menu xem nhanh:
1. Viêm kết mạc có nguyên nhân do đâu?
Nhắc đến viêm kết mạc (còn gọi là đau mắt đỏ) chắc hẳn không ai là không biết đến vì viêm kết mạc phổ biến, có khả năng lây lan nhanh chóng và dễ bùng phát thành dịch. Cùng với đó, ai cũng có thể là “nạn nhân” của viêm kết mạc, nhất là những đối tượng có đề kháng kém, miễn dịch chưa hoàn thiện hay tiền sử dị ứng như trẻ em, người già, người mắc các bệnh về miễn dịch.
Sở dĩ viêm kết mạc có khả năng lây lan nhanh chóng bởi nguyên nhân gây viêm kết mạc phần lớn là do vi khuẩn, virus (chiếm đến trên 90%). Những vi khuẩn và virus này sẽ không thể tồn tại lâu trong môi trường tự nhiên nên sẽ tìm vật chủ để kí sinh, phát triển.
Không may, trẻ nhỏ – đối tượng có miễn dịch chưa hoàn thiện hay đề kháng kém chính là vật chủ lý tưởng để mầm bệnh xâm nhập, gây viêm kết mạc nói riêng và nhiều bệnh lý khác nói chung.
Cụ thể, các ca bệnh viêm kết mạc ở trẻ đều do 4 nguyên nhân chính sau đây:
– Vi khuẩn: lậu cầu, tụ cầu vàng, khuẩn não mô cầu, phế cầu… hoặc khuẩn Chlamydia trachomatis. Biểu hiện sẽ là nhiều ghèn mắt, mắt có mủ, đau sưng mí mắt, tiết dịch nhầy, có hạch…
– Virus (chiếm đến 80% ca bị viêm kết mạc): virus Herpes zoster, Enterovirus, virus Herpes simplex… có trường hợp đó là virus sởi, quai bị hoặc rubella. Biểu hiện của viêm kết mạc do virus bao gồm đau sưng mắt, khó mở mắt buổi sáng do ghèn mắt dính, chảy nhiều nước mắt…
– Dị ứng: Có một số tác nhân như lông chó mèo, phấn hoa, nước hoa, mật ong, bơ lạc… có thể khiến trẻ dị ứng và gây ra viêm kết mạc. Các dấu hiệu của viêm kết mạc do dị ứng sẽ không chỉ xuất hiện ở riêng mắt mà đó là dấu hiệu toàn thân như mẩn ngứa, tím tái, khó thở, sưng miệng…
Nắm được chính xác nguyên nhân gây viêm kết mạc là cơ sở để điều trị cũng như phòng ngừa viêm kết mạc cho trẻ hiệu quả. Theo dõi phần tiếp theo để có đáp án đầy đủ nhất nhé.
2. Viêm kết mạc trẻ em có nguy hiểm không?
2.1 Viêm kết mạc ở trẻ em có nguy hiểm không?
Đây chắc chắn là câu hỏi của nhiều ba mẹ, đặc biệt là những ba mẹ có bé đang bị viêm kết mạc. Tin vui là viêm kết mạc thường khá lành tính và không gây nguy hiểm đến tính mạnh cũng như không ảnh hưởng đến thị lực sau khi khỏi bệnh nếu được phát hiện, điều trị đúng cách, kịp thời.
Tuy nhiên, một số ít trường hợp cha mẹ chủ quan, cho bé đến bác sĩ muộn, điều trị tại nhà sai cách hoặc nguyên nhân viêm kết mạc do vi khuẩn có tốc độ phát triển nhanh thì có thể gây ra những tổn thương, biến chứng cho mắt như: suy giảm thị lực, chảy nước mắt mãn tính, sẹo kết mạc, mờ mắt, đục thủy tinh thể…
Vậy nên, khi nghi ngờ hoặc thấy trẻ có những dấu hiệu viêm kết mạc kể trên, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và nhận lời khuyên điều trị phù hợp nhất, phòng ngừa biến chứng xảy ra cho mắt của trẻ.
2.2 Viêm kết mạc ở trẻ em và cách điều trị
Khi đưa trẻ đến khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán cũng như thực hiện các xét nghiệm cần thiết để biết chính xác nguyên nhân bệnh. Tùy thuộc nguyên nhân và tình trạng viêm kết mạc của trẻ, bác sĩ sẽ có những liệu pháp chữa trị khác nhau.
Thông thường ở trường hợp trẻ bị viêm kết mạc nhẹ, bác sĩ sẽ hướng dẫn sử dụng nước mắt nhân tạo cũng như cách vệ sinh mắt cho trẻ đúng cách để cải thiện tình trạng, giảm triệu chứng. Bệnh sẽ khỏi hoặc thuyên giảm sau 7 – 10 ngày.
Trong trường hợp nặng hơn hoặc nguyên nhân bệnh do vi khuẩn, virus, bác sĩ sẽ kê thuốc nhỏ mắt kháng sinh, kháng viêm phù hợp. Lưu ý, cha mẹ chỉ được dùng thuốc dưới sự chỉ định của bác sĩ cũng như tuân thủ quy định về liều lượng, thời gian sử dụng để tránh tác dụng phụ cho bé.
Hơn nữa, những loại kháng sinh này chỉ được dùng tối đa không quá 5 ngày, nếu sau 5 ngày bệnh không thuyên giảm, hãy đến bác sĩ để khám và đổi phương pháp điều trị.
Nếu nguyên nhân viêm kết mạc của trẻ do dị ứng, thuốc nhỏ mắt kháng kháng histamin tại chỗ kết hợp với giải quyết tác nhân gây dị ứng cho trẻ để bệnh nhanh khỏi nhất.
Nguyên tắc quan trọng nhất khi điều trị viêm kết mạc cho bé chính là gặp bác sĩ, tuyệt đối không tự suy đoán nguyên nhân bệnh, mua kháng sinh chưa được bác sĩ kê đơn, sử dụng kháng sinh sai liều… vì nếu điều trị sai cách, chính cha mẹ là nguyên nhân của hàng loạt biến chứng về mắt cho trẻ.
3. Phòng ngừa viêm kết mạc ở trẻ em hiệu quả
Sau khi điều trị viêm kết mạc, cha mẹ cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn bệnh tái lại gây khó chịu cho bé.
Theo đó cha mẹ nên:
– Xây dựng thói quen vệ sinh mắt sạch sẽ, đúng cách sau khi trẻ đi từ bên ngoài về nhà, tiếp xúc môi trường ô nhiễm, bị dị vật (côn trùng, khói bụi…) vào mắt. Cách vệ sinh mắt đúng là sử dụng khăn mềm/bông/gạc và nước ấm để lau mắt nhẹ nhàng, không tái sử dụng sau khi rửa mắt.
– Chủ động để trẻ tránh xa các tác nhân gây dị ứng
– Hạn chế tối đa việc đưa trẻ đến những nơi đông đúc, nhiều mầm bệnh, nấm mốc, nhiều nguy cơ bệnh khác nhau.
– Không cho trẻ sử dụng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt, gối… với trẻ khác.
– Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mái, thường xuyên khử khuẩn nhà cửa để loại bỏ vi khuẩn, virus, nấm mốc – những nguyên nhân gây viêm kết mạc nói riêng và các bệnh nhiễm khuẩn khác cho trẻ.
– Không để trẻ dùng tay dụi mắt, luôn vệ sinh tay sạch sẽ cho trẻ bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc nước sát khuẩn sau khi vui chơi, đi ra ngoài, đi học, trước khi ăn…
– Tăng đề kháng tự nhiên cho trẻ bằng cách bổ sung kẽm, vitamin C, thực phẩm giàu dinh dưỡng
– Khám mắt định kỳ cho trẻ để phát hiện và phòng ngừa mọi vấn đề liên quan đến mắt sớm nhất.
Với những lời khuyên trên đây, hy vọng ba mẹ đã hiểu hơn về tình trạng viêm kết mạc ở trẻ từ đó biết cách phát hiện, điều trị cũng như phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.