Viêm kết mạc là căn bệnh do vi khuẩn, virus hoặc các tác nhân dị ứng gây ra. Vậy viêm kết mạc có lây không? Cách điều trị và phòng tránh viêm kết mạc như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của chúng tôi ngay nhé!
Menu xem nhanh:
1. Viêm kết mạc là bệnh thế nào?
Viêm kết mạc (hay còn được gọi với cái tên bệnh đau mắt đỏ) là tình trạng kết mạc – lớp màng trong và mỏng có nhiệm vụ che phủ, bảo vệ cũng như bôi trơn nhãn cầu vị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, gây viêm.
Những đối tượng đề kháng kém miễn dịch yếu, có tiền sử dị ứng, thường xuyên tiếp xúc môi trường độc hại, ô nhiễm… là đối tượng có nguy cơ cao bị viêm kết mạc nhất. Bên cạnh đó, vệ sinh mắt sai cách cũng là một trong những nguyên nhân khiến mắt bị tổn thương, gây ra tình trạng viêm kết mạc.
Biểu hiện của viêm kết mạc khá rõ ràng như:
– Mắt sưng, đỏ, đặc biệt là mí mắt
– Nước mắt tiết ra nhiều hơn
– Cảm giác cộm vướng như có dị vật trong mắt
– Mắt tiết nhiều dịch mủ, ghèn hơn, mủ có thể có màu vàng, xanh hoặc trắng đục
– Cảm giác hai mắt dính vào nhau, khó mở mỗi khi ngủ dậy do ghèn mắt
– Trong một vài trường hợp có thể nhìn thấy tia đỏ trong mắt, nổi hạch
Dù được các chuyên gia nhãn khoa đánh giá là bệnh thường gặp và khá lành tính, có thể tự khỏi trong 7 – 10 ngày mắc. Nhưng tình trạng bệnh liên quan đến mắt này lại gây khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày cho người bệnh. Cùng với đó, nếu điều trị viêm kết mạc sai cách có thể dẫn đến những biến chứng khó lường, gây tổn thương thị lực.
2. Giải đáp câu hỏi: viêm kết mạc có lây không?
2.1 Viêm kết mạc có lây không?
Để biết được viêm kết mạc có khả năng lây không, cần dựa trên nguyên nhân của bệnh. Theo đó, viêm kết mạc có thể là kết quả của:
– Virus xâm nhập: Có 2 trường hợp xảy ra, nếu viêm kết mạc kèm theo các biểu hiện như cảm lạnh, chảy mũi, nổi hạch… thì rất có thể là do virus sởi, quai bị, rubella hoặc thủy đậu gây ra. Còn nếu bị viêm kết mạc và không kèm biểu hiện khác thì có thể do adenovirus – loại virus chiếm đến 90% trường hợp viêm kết mạc do vi rút. Đôi khi viêm kết mạc cũng do enterovirus hoặc vi rút herpes simplex (chiếm tỷ lệ ít hơn chỉ từ 1,3 – 4,8% trong tổng số các trường hợp viêm kết mạc do virus)
– Vi khuẩn tấn công: Có 2 chủng vi khuẩn thường tấn công gây viêm kết mạc phổ biến nhất là khuẩn lậu cầu (hay còn gọi là Neisseria gonorrhoeae) và khuẩn Chlamydia trachomatis. Biểu hiện của viêm kết mạc khi bị các loại khuẩn này tấn công thường có tốc độ tiến triển nhanh, kèm theo phù nề, mủ nhầy… nếu không được can thiệp sớm có thể gây ra những tổn thương hoặc biến chứng cho mắt về sau.
– Ảnh hưởng của tình trạng dị ứng: Phấn hoa, khói bụi, thay đổi thời tiết, điều hòa, lông chó mèo… là những tác nhân gây dị ứng thường gặp và có thể ảnh hưởng đến các bộ phận của cơ thể, mắt là một trong số đó. Vậy nên đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây viêm kết mạc.
– Do vệ sinh mắt sai cách, thường xuyên dùng tay dụi mắt hoặc không vệ sinh kính áp tròng sau khi dùng cũng có thể là nguyên nhân của tình trạng viêm kết mạc.
Có thể thấy, ngoại trừ nguyên nhân dị ứng và vệ sinh mắt sai cách thì vi khuẩn, virus đều có khả năng lây lan từ người sang người qua những con đường khác nhau. Thậm chí, viêm kết mạc còn có khả năng lây lan nhanh, thời gian kí sinh của vi khuẩn, virus ngoài môi trường lâu nên dễ bùng phát bệnh trên diện rộng, đặc biệt là môi trường đông người.
2.2 Con đường lây lan viêm kết mạc
Viêm kết mạc có thể lây lan qua nhiều con đường khác nhau, trong đó phổ biến nhất là lây truyền qua đường tiếp xúc trực tiếp với người bệnh như:
– Tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hô hấp như nước bọt, dịch mủ nước mắt của người bệnh
– Dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh như khăn mặt, kính mắt, cốc, dụng cụ trang điểm…
– Tiếp xúc gián tiếp với những vật dụng nhiễm khuẩn như tay nắm cửa, đồ chơi, lan can cầu thang…
– Sử dụng chung nguồn nước nhiễm khuẩn
Chính vì thế, bệnh viêm kết mạc thường có khả năng lây lan nhanh chóng và những người trong một gia đình, sinh hoạt trong tập thể hoặc học cùng lớp có khả năng lây nhiễm bệnh cao.
3. Điều trị và phòng tránh viêm kết mạc
3.1 Viêm kết mạc có lây không và cách điều trị
Như đã chia sẻ viêm kết mạc có khả năng lây lan nhanh nên cần điều trị sớm để tránh bệnh truyền nhiễm cho mọi người xung quanh.
Cách điều trị viêm kết mạc khá đơn giản, quan trọng là nếu nghi ngờ bị viêm kết mạc với những biểu hiện trên, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán cũng như được tư vấn cách điều trị hiệu quả nhất.
Tùy thuộc vào tình trạng cũng như nguyên nhân bệnh mà bác sĩ sẽ hướng dẫn cách điều trị khác nhau. Cụ thể:
– Nếu nguyên nhân do vi khuẩn hoặc virus, bác sĩ sẽ chỉ định dùng một số loại kháng sinh có công dụng kháng khuẩn, tiêu viêm như: fluoromethason, dexamethason, cloramphenicol, polymyxin B, tobramycin, neomycin, sulfocetamid… hoặc thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID) như loại diclofenac.
– Nếu nguyên nhân do dị ứng, bác sĩ sẽ kê thuốc dị ứng phù hợp. Loại thuốc kháng dị ứng thường gặp nhất là kháng histamin H1 như: clorpheniramin,diphenhydramin…
– Nếu nguyên nhân do vệ sinh mắt sai cách hay khác, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách vệ sinh mắt, chăm sóc mắt và bảo vệ mắt đúng cách.
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ quyết định có nên sử dụng kháng sinh hay không, sử dụng với liều lượng như thế nào và thời gian bao lâu. Lưu ý, hãy luôn tuân thủ chỉ định của bác sĩ và tái khám dù đã thấy triệu chứng chưa giảm hoặc đã giảm.
3.2 Phòng tránh viêm kết mạc
Bên cạnh việc điều trị, hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh phù hợp để căn bệnh này không làm phiền cuộc sống của chúng ta.
Cụ thể, hãy:
– Vệ sinh mắt đúng cách, giữ đôi mắt luôn sạch sẽ, rửa mắt thường xuyên, đặc biệt là khi vừa từ môi trường khói bụi, ô nhiễm, nhiều nguy cơ bệnh.
– Tránh lấy tay dụi mắt
– Không dùng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt, nhỏ mắt, gối, kính mắt, đồ trang điểm… với người khác
– Hạn chế đến, tụ tập ở những nơi đông người
– Vệ sinh cọ trang điểm hoặc các đồ trang điểm thường xuyên để diệt khuẩn.
– Khám mắt định kỳ và đến gặp bác sĩ khi có bất kỳ bất thường về mắt nào xảy ra
Hy vọng với những chia sẻ trên đây của Thu Cúc TCI đã có thể giúp bạn giải đáp thắc mắc ở đầu bài cũng như biết cách điều trị, phòng ngừa viêm kết mạc đúng cách.