Viêm họng hạt là một dạng viêm họng phổ biến; cụ thể, 36% người bệnh viêm họng là viêm họng hạt. Bệnh lý tai mũi họng này thường đi kèm với nhiều triệu chứng khó chịu, khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh suy giảm trầm trọng. Vậy viêm họng hạt nhận biết như thế nào và điều trị ra sao? Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin chia sẻ với bạn những thông tin mà ai trong chúng ta cũng nên biết này, đọc ngay bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Viêm họng hạt là gì?
Nhiễm trùng họng hạt là một dạng viêm họng, cụ thể là viêm họng mạn tính, đặc trưng bởi các hạt màu hồng hoặc đỏ mọc ở thành họng. Những hạt này là sản phẩm của sự tăng sản các nang lympho, có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan hô hấp nói riêng và cơ thể nói chung khỏi virus, vi khuẩn. Các nang lympho thường tăng sản do phải hoạt động quá mức để ứng phó với tình trạng nhiễm trùng kéo dài của niêm mạc họng.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến có thể làm phát sinh tại niêm mạc họng tình trạng nhiễm trùng kéo dài:
– Nhiễm virus, vi khuẩn, nấm.
– Viêm xoang mạn tính: Dịch xoang chảy xuống thành họng là một trong những nguyên nhân chính khiến niêm mạc họng nhiễm trùng.
– Viêm Amidan mạn tính.
– Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản: Dịch dạ dày trào ngược lên thành họng cũng là một nguyên nhân gây nhiễm trùng niêm mạc họng.
– Bệnh lý viêm họng cấp tái đi tái lại.
– Giải phẫu cấu trúc mũi – xoang có bất thường: Polyp mũi, vẹo vách ngăn…
– Sống và/hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói, bụi, hóa chất hoặc thường xuyên sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
– Hệ miễn dịch yếu hoặc suy giảm hoặc có các bệnh di truyền miễn dịch.
2. Nhận biết bệnh lý viêm họng hạt như thế nào?
Nếu có những triệu chứng sau, bạn có thể nghĩ đến trường hợp bản thân bị nhiễm trùng họng hạt: Thành họng xuất hiện các hạt hồng hoặc đỏ, lồi lên so với niêm mạc xung quanh; luôn ngứa, vướng, khô họng, đặc biệt là sau khi ngủ dậy; đau, nghẹn họng khi ăn uống; họng nhiều đờm, đờm đặc, màu trắng đục; khàn tiếng; nổi hạch, khiến người bệnh sốt và đau đầu, sốt có thể trên 38 độ C; ù tai do niêm mạc vòi Eustache quá sản.
3. Viêm họng hạt có biến chứng không?
Nhiễm trùng họng hạt mặc dù không nguy hiểm nhưng vẫn cần điều trị kịp thời. Bằng cách đó, người bệnh mới có thể hạn chế các biến chứng không đáng có của bệnh lý tai mũi họng này, như: Các bệnh đường hô hấp liên quan (viêm mũi, viêm xoang mạn tính, viêm khí phế quản mạn tính, viêm phổi…); áp xe Amidan, áp xe thành họng; viêm cầu thận, viêm khớp, viêm màng tim…; ung thư vòm họng.
4. Chẩn đoán và điều trị viêm họng hạt ra sao?
Người bệnh có các triệu chứng nhiễm trùng họng hạt đã được chia sẻ trong mục 2 bài viết này nên đến cơ sở y tế uy tín gần nhất càng sớm càng tốt. Tại đó, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị nhiễm trùng họng hạt phù hợp, dựa trên chẩn đoán thu được thông qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng (nội soi thanh quản, chụp X-quang phổi…). Theo đó, điều trị nhiễm trùng họng hạt thường bao gồm 2 nội dung như sau:
4.1. Điều trị nguyên nhân gây bệnh lý viêm họng hạt
Nếu nhiễm trùng họng hạt phát sinh do các bệnh lý khác thì phương pháp triệt để nhất để điều trị bệnh lý này là điều trị dứt điểm các bệnh lý nguyên nhân:
– Điều trị viêm họng cấp, viêm Amidan mạn tính, viêm xoang mạn tính để giải quyết tình trạng đọng dịch tại thành họng, giúp các nang lympho không hoạt động quá mức và tăng sản, từ đó giúp các hạt thuyên giảm cả về số lượng lẫn kích thước.
– Điều trị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản.
– Phẫu thuật polyp mũi, phẫu thuật cải thiện tình trạng vẹo vách ngăn.
4.2. Điều trị triệu chứng bệnh lý viêm họng hạt
Sử dụng thuốc là cần thiết để kiểm soát các triệu chứng khó chịu của nhiễm trùng họng hạt, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số thuốc điều trị triệu chứng bác sĩ có thể kê cho người bệnh:
– Thuốc giảm ho, long đờm, ví dụ như Bromhexin, Dextromethorphan…
– Thuốc hạ sốt, giảm đau, ví dụ như Acetaminophen (Tylenol), Ibuprofen (Advil, Motrin)…
– Thuốc kháng sinh: Penicillin, Ampicillin hoặc Azithromycin…
Trường hợp nhiễm trùng họng hạt nặng, các nang lympho lớn và nhiều, tập trung thành mảng, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định đốt hạt bằng laser hoặc đốt lạnh. Phương pháp này chỉ có tác dụng với các nang lympho lớn; chính vì vậy, ngay cả khi đã đốt hạt, người bệnh vẫn cần kiên trì điều trị nguyên nhân và điều trị triệu chứng để hạn chế sự phát triển của các nang lympho nhỏ.
Ngoài thuốc và phẫu thuật, triệu chứng nhiễm trùng họng hạt cũng có thể được kiểm soát hiệu quả nếu người bệnh thực hiện các khuyến cáo sau của bác sĩ:
– Uống nhiều nước ấm. Nước ấm có thể làm dịu niêm mạc họng và làm loãng đờm.
– Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Tránh tiêu thụ thực phẩm được chế biến với các gia vị cay, nóng…
– Hạn chế uống rượu, bia, hút thuốc lá…đến mức tối đa.
– Súc họng bằng nước muối ấm.
– Sử dụng máy tạo ẩm để làm dịu niêm mạc họng, từ đó giảm ho.
5. Đây là cách dự phòng viêm họng hạt?
– Điều trị các bệnh lý liên quan, như viêm họng cấp, viêm Amidan mạn tính, viêm xoang mạn tính, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản…
– Vệ sinh răng miệng cẩn thận: Đánh răng 2 – 3 lần/ ngày và súc họng bằng nước muối sinh lý 0.9% để hạn chế tích tụ vi khuẩn, làm tăng nguy cơ vi khuẩn tấn công họng.
– Tránh tiếp xúc với các tác nhân tiêu cực từ môi trường như khói, bụi, hóa chất, phấn hoa… bằng cách vệ sinh sạch sẽ không gian sống và làm việc của bản thân cũng như sử dụng khẩu trang khi ra ngoài.
– Bỏ rượu, bia, thuốc lá…
– Tiêm vắc xin đầy đủ để dự phòng các bệnh lý truyền nhiễm cấp tính có thể gây ra các triệu chứng viêm đường hô hấp.
Phía trên là thông tin cơ bản về viêm họng hạt. Hy vọng rằng với chúng, bạn sẽ bảo vệ bản thân an toàn trước dạng viêm họng rất phổ biến này.