Viêm họng cấp tính là một bệnh lý tai mũi họng thường gặp, đặc biệt trong mùa lạnh và những thời điểm chuyển mùa. Nhiều người chủ quan cho rằng đây chỉ là bệnh nhẹ, tự khỏi và không cần điều trị. Tuy nhiên, thực tế viêm họng cấp nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng, trong đó có những vấn đề có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Cùng TCI tìm hiểu những thông tin quan trọng về căn bệnh này, để từ đó nâng cao vấn đề nhận biết và phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan viêm họng cấp
1.1. Viêm họng cấp tính là gì?
Viêm họng cấp tính là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại vùng niêm mạc họng, hầu hết do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Đây là một trong những bệnh lý hô hấp phổ biến, chiếm khoảng 15-30% các bệnh lý về tai mũi họng. Bệnh thường xuất hiện đột ngột và có các triệu chứng điển hình như đau rát họng, khó nuốt, ho và sốt.

Viêm họng là một trong những bệnh lý tai mũi họng rất phổ biến trong đời sống
Tùy theo tác nhân gây bệnh, viêm họng cấp được chia thành hai loại chính:
– Viêm họng do virus (chiếm tỷ lệ lớn trong các trường hợp bệnh)
– Viêm họng do vi khuẩn (phổ biến nhất là liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A Streptococcus pyogenes, chiếm khoảng 15-30% các trường hợp). Sự phân biệt này rất quan trọng vì phương pháp điều trị cho mỗi loại khác nhau.
Ngoài ra, các yếu tố như thay đổi thời tiết, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, hoặc hút thuốc lá cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
1.2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ dễ gây viêm họng cấp tính
Có nhiều yếu tố có thể dẫn đến tình trạng viêm họng cấp tính, bao gồm:
– Tác nhân vi sinh vật: Virus là nguyên nhân hàng đầu gây viêm họng cấp , bao gồm virus cúm, adenovirus, coronavirus, rhinovirus và virus Epstein-Barr. Vi khuẩn thường gặp là liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (Streptococcus pyogenes).
– Yếu tố môi trường: Thời tiết thay đổi đột ngột, không khí ô nhiễm, khói thuốc lá, khói bụi công nghiệp và hóa chất kích thích có thể làm tổn thương niêm mạc họng, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus xâm nhập.
– Yếu tố cá nhân: Hệ miễn dịch suy giảm, mệt mỏi kéo dài, stress, thiếu ngủ làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể, tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus gây bệnh.
2. Triệu chứng và biến chứng của viêm họng cấp tính
2.1. Các triệu chứng thường gặp
Khi mắc viêm họng cấp tính, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng sau:
– Đau rát họng, cảm giác khô, ngứa họng
– Khó nuốt, nuốt đau
– Ho khan hoặc có đờm
– Sốt nhẹ đến cao (38-40°C)
– Mệt mỏi
– Đau đầu, đau nhức cơ thể
– Hạch cổ sưng to, đau khi sờ nắn
– Niêm mạc họng đỏ, có thể xuất hiện tình trạng sưng viêm amidan
Trong trường hợp viêm họng do virus, các triệu chứng thường nhẹ hơn và kèm theo các biểu hiện như chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi. Đối với viêm họng do vi khuẩn, triệu chứng của người bệnh thường nặng hơn với sốt cao đột ngột, đau họng dữ dội, xuất hiện các đốm mủ trắng trên amidan và không có các triệu chứng về mũi.
2.2. Biến chứng nguy hiểm của viêm họng cấp tính
Nhiều người chủ quan, cho rằng viêm họng cấp là bệnh lý nhẹ, tự khỏi và thực tế, viêm họng cấp có thể tự khỏi sau vài ngày nếu được chăm sóc đúng cách, nhưng không phải lúc nào bệnh cũng diễn tiến thuận lợi. Một số trường hợp, đặc biệt khi không được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, gây tổn hại lâu dài cho sức khỏe.

Viêm họng cấp tính có thể để lại nhiều vấn đề nếu không được điều trị phù hợp
2.2.1. Biến chứng tại chỗ
Khi bệnh không được kiểm soát, tình trạng viêm có thể lan rộng ra các khu vực lân cận, gây ra những tổn thương nghiêm trọng.
– Áp-xe quanh amidan: Đây là biến chứng thường gặp của viêm họng cấp do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A. Khi này, có mủ tích tụ ở khu vực amidan và thành họng, kèm cảm giác đau dữ dội, khó khăn khi nuốt, nói giọng mũi, hơi thở hôi và có thể gây khó thở, cùng nguy cơ tiềm ẩn đến đến tính mạng khi không được xử lý kịp thời.
– Viêm thanh quản cấp: Viêm nhiễm lan rộng xuống thanh quản, gây khàn tiếng, mất tiếng và khó thở – đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em do đường thở hẹp hơn người lớn.
– Viêm tai giữa cấp tính: Vi khuẩn từ họng có thể xâm nhập vào tai giữa qua vòi nhĩ, gây viêm tai giữa với triệu chứng đau tai dữ dội, sốt cao, ù tai và giảm thính lực.
2.2.2. Biến chứng toàn thân
Những biến chứng xa của bệnh là điều khiến các bác sĩ tại TCI luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều trị sớm. Viêm họng do liên cầu khuẩn nếu không được xử lý đúng cách có thể gây:
– Sốt thấp khớp cấp: Biến chứng nghiêm trọng do phản ứng tự miễn sau nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, gây tổn thương tại tim (viêm cơ tim, viêm nội tâm mạc, viêm màng ngoài tim), khớp và hệ thần kinh trung ương. Biến chứng này có thể để lại di chứng nặng nề về tim mạch.
– Viêm cầu thận cấp hậu liên cầu: Xảy ra 1-2 tuần sau nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, gây tổn thương thận với các triệu chứng phù nề, tăng huyết áp, tiểu máu và protein niệu và nguy cơ suy thận khi không điều trị kịp thời.
– Nhiễm trùng huyết: Trong trường hợp nặng, vi khuẩn từ họng có thể xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng huyết với biểu hiện sốt cao dao động, rét run, mạch nhanh, nhịp thở nhanh, huyết áp tụt và rối loạn ý thức. Đây là biến chứng đe dọa tính mạng, cần cấp cứu ngay lập tức.
3. Chẩn đoán và điều trị
3.1. Chẩn đoán viêm họng cấp tính
Để chẩn đoán chính xác viêm họng cấp và phân biệt nguyên nhân do virus hay vi khuẩn, bác sĩ có thể thực hiện khám hoặc kết hợp nhiều hình thức để xác định đúng bệnh cũng như nguyên nhân gây bệnh:
– Khai thác bệnh sử
– Kiểm tra, nội soi khu vực họng để đánh giá tổn thương
– Khám lâm sàng
– Xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên liên cầu khuẩn (Rapid Strep Test)
– Nuôi cấy dịch họng để xác định loại vi khuẩn và độ nhạy với kháng sinh
– Xét nghiệm công thức máu để đánh giá tình trạng viêm nhiễm
Các xét nghiệm này giúp xác định chính xác tác nhân gây bệnh, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, tránh lạm dụng thuốc không cần thiết.

Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định những cận lâm sàng, lâm sàng phù hợp để phát hiện và điều trị bệnh
3.2. Phương pháp điều trị
Điều trị viêm họng cấp tính cần phải dựa trên nguyên nhân gây bệnh:
– Viêm họng do virus: Chủ yếu điều trị triệu chứng, bao gồm nghỉ ngơi, uống nhiều nước, súc họng bằng nước muối sinh lý, dùng thuốc giảm đau họng, hạ sốt. Không cần thiết và không nên sử dụng kháng sinh trong trường hợp này.
– Viêm họng do vi khuẩn: Cần điều trị bằng kháng sinh phù hợp, thường là penicillin hoặc amoxicillin trong 10 ngày đối với viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A. Việc tuân thủ đủ liều và đủ thời gian điều trị rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng như sốt thấp khớp và viêm cầu thận.
– Điều trị hỗ trợ: Bên cạnh điều trị đặc hiệu, cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ như nghỉ ngơi, uống nhiều nước, súc họng bằng nước muối sinh lý, sử dụng thuốc giảm đau họng dạng ngậm, giữ ấm cơ thể, tránh các thức ăn cứng, cay nóng kích thích họng theo những hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
4. Phòng ngừa viêm họng cấp tính
Để phòng ngừa và giảm nguy cơ mắc bệnh viêm họng cấp, chúng ta nên xây dựng thói quen khoa học và thực hiện các biện pháp sau:
– Tăng cường sức đề kháng bằng chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, tập luyện thể dục đều đặn
– Giữ ấm cổ, đặc biệt trong thời tiết lạnh và chuyển mùa
– Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh cũng như sau khi tiếp xúc tại các địa điểm công cộng
– Tránh tiếp xúc gần với người đang bị viêm họng, cúm, cảm lạnh
– Không hút thuốc lá và chủ động tách mình khỏi môi trường có khói thuốc
– Uống đủ nước, tránh môi trường khô, nhiều bụi bẩn
– Tiêm phòng hằng năm, đặc biệt là các loại vắc-xin phòng cúm và các vắc-xin khác theo khuyến cáo
Có thể nói, viêm họng cấp tính tuy là bệnh lý thường gặp nhưng không nên xem nhẹ. Nhiều trường hợp viêm họng cấp tính, đặc biệt do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe lâu dài. Chính vì thế, khi có các triệu chứng của viêm họng cấp kéo dài trên 3-5 ngày, sốt cao, đau họng dữ dội, khó nuốt, khó thở hoặc xuất hiện các nốt mủ trắng trên amidan, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị phù hợp, kịp thời, ngăn ngừa đúng cách các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.