Viêm gan virus là gì và các loại viêm gan virus

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Viêm gan virus là một bệnh lý về gan thường gặp do virus viêm gan A, B, C, D và E gây nên. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những thông tin liên quan đến căn bệnh này trong bài viết dưới đây.

1. Viêm gan virus là gì?

Viêm gan virus là tình trạng gan bị tổn thương và viêm do virus viêm gan gây nên. 5 loại virus A, B, C, D, E là những nguyên nhân gây viêm gan phổ biến nhất. Ngoài ra, gan có thể bị viêm do rượu, sử dụng thuốc hay do các bệnh tự miễn.

2. Các giai đoạn viêm gan do virus

Viêm gan thể điển hình trải qua 4 thời kỳ: thời kỳ ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và hồi phục.

Thời kỳ ủ bệnh kéo dài trong vài tuần đến vài tháng, các triệu chứng không xuất hiện hoặc xuất hiện không rõ ràng.

Thời kỳ khởi phát hay còn được gọi là thời kỳ tiền vàng da. Người bệnh có sốt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn và đau bụng vùng hạ sườn phải. Bệnh nhân sẽ hết sốt khi xuất hiện triệu chứng vàng mắt.

Thời kỳ toàn phát là thời kỳ vàng da. Ở bệnh nhân xuất hiện tình trạng vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng sẫm, gan to nhẹ. Thông thường thời kỳ này kéo dài trong khoảng 1 tháng.

Sau đó, các triệu chứng mất dần và bệnh nhân bước sang thời kỳ hồi phục. Ở thời kỳ này, hiện tượng vàng da, vàng mắt giảm. Bệnh nhân lấy lại được khẩu vị. Nước tiểu hết sẫm màu, trong và số lượng nhiều.

Thời kỳ toàn phát là thời kỳ vàng da

Thời kỳ toàn phát là thời kỳ vàng da

3. Phân loại

3.1. Viêm gan virus A (Viêm gan A)

Viêm gan A có một con đường lây nhiễm chính là đường tiêu hóa. Cơ thể bệnh nhân có thể đào thải hết virus sau vài tuần mà không cần chữa trị. Khi nhiễm bệnh, bệnh nhân cần nhất là được nghỉ ngơi và có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Ở Việt Nam hiện nay có 2 loại vắc-xin viêm gan A đó là Avaxim và Twinrix.

3.2. Viêm gan virus B (Viêm gan B)

Cứ 5 người Việt Nam thì có 1 người mắc viêm gan B. Viêm gan B có thể lây qua 3 con đường chính: đường máu, đường từ mẹ sang con và đường tình dục. Người mắc viêm gan B có nguy cơ bị ung thư gan cao gấp 20 lần so với người không nhiễm virus. Hiện đã có vắc-xin phòng viêm gan B.

3.3. Viêm gan virus C (Viêm gan C)

Viêm gan C lây lan chủ yếu qua đường máu như dùng chung bơm kim tiêm, qua việc xỏ lỗ tai, xăm hay châm cứu bằng những dụng cụ chưa được vô trùng hay tiệt trùng… Viêm gan C là một bệnh khá thầm lặng. Hơn 60% bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng.

3.4. Viêm gan virus D (Viêm gan D)

Virus viêm gan D thường tồn tại cùng virus viêm gan B theo kiểu đồng nhiễm hay bội nhiễm. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể mắc viêm gan D khi đang mắc viêm gan D hoặc đã mắc bệnh trước đó. Tỉ lệ tử vong ở những trường hợp này là khoảng 20%. Đặc biệt, những người lành mang virus viêm gan B khi nhiễm thêm viêm gan D có thể làm viêm gan B bùng phát mạnh mẽ hơn. Cũng giống như viêm gan B, viêm gan D có thể lây qua 3 con đường chính: đường máu, đường từ mẹ sang con và đường tình dục. Hiện nay chưa có vắc-xin đặc hiệu phòng viêm gan D nên cách phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin phòng viêm gan B.

3.5. Viêm gan virus E (Viêm gan E)

Viêm gan E hầu như chỉ lây lan qua đường tiêu hóa. Tỉ lệ mắc căn bệnh này đặc biệt cao ở những khu vực môi trường bị ô nhiễm và có điều kiện vệ sinh kém. Xác suất gây bệnh của virus viêm gan E rất thấp, dưới 10%. So với các bệnh lý kể trên, triệu chứng viêm gan E được coi là ít nghiêm trọng nhất. Bệnh nhân hầu như không cần chữa trị. Tuy nhiên, viêm gan E có thể diễn tiến nghiêm trọng nếu mắc phải ở phụ nữ mang thai.

4. Triệu chứng

Bệnh nhân thường có những triệu chứng như:

– Sốt nhẹ

– Mệt mỏi

– Chán ăn

– Ăn không ngon

– Đau bụng (vùng hạ sườn phải)

– Buồn nôn

– Nôn

– Nước tiểu vàng sẫm, ít

– Ngứa da

– Vàng mắt, vàng da

– Hay bị bầm tím, chảy máu

– Dấu hiệu về thần kinh chia thành 3 độ:

Độ 1: Thay đổi về tính cách.

Độ 2: Hay quên, trí nhớ suy giảm.

Độ 3: Hôn mê hoặc bị kích động, giãy giụa.

Đau hạ sườn phải là một triệu chứng thường gặp ở bệnh viêm gan virus

Đau hạ sườn phải là một triệu chứng thường gặp ở bệnh viêm gan virus

5. Các phương pháp chẩn đoán

Viêm gan virus có thể được chẩn đoán thông qua:

– Các triệu chứng lâm sàng: đau hạ sườn phải, nước tiểu vàng sẫm, vàng da, vàng tròng trắng ở mắt…

Xét nghiệm máu: công thức máu, men gan ALT, AST, bilirubin máu, prothrombin máu, chức năng đông máu.

– Xét nghiệm huyết thanh: tìm kháng thể và PCR.

– Siêu âm gan

– Chụp CT

Chụp MRI

– Sinh thiết gan

6. Điều trị

Viêm gan A, B, D và E không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bác sĩ thường chỉ định thuốc điều trị triệu chứng và thông qua chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng. Riêng bệnh nhân mắc viêm gan C được điều trị bằng các thuốc điều trị đặc hiệu.

Các thuốc điều trị không đặc hiệu đối với căn bệnh này là:

– Các dung dịch tiêm truyền đẳng trương: Ringer Lactate, Glucose 5%…

– Vitamin nhóm B bao gồm B1, B6 và B12.

– Thuốc bổ gan: Silymarin, Arginin, L-ornithin-L-aspartat…

– Thuốc lợi mật: Sorbitol, magie sulfat…

Lưu ý: Những loại thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo. Để được điều trị bệnh hiệu quả người bệnh cần đến các cơ sở chuyên khoa gan mật để thăm khám. Dựa vào kết quả cụ thể bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị bệnh phù hợp. Người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc tránh hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, bệnh nhân còn cần một chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Ở giai đoạn cấp, bệnh nhân không nên sử dụng các chế phẩm corticoid, estrogen và sử dụng rượu bia.

Hiện nay chỉ có vắc-xin đặc hiệu giúp phòng ngừa viêm gan A và B. Tuy nhiên, viêm gan D có thể được phòng tránh thông qua việc tiêm vắc-xin viêm gan B. Hiện chưa có vắc-xin viêm gan C và E lưu hành trên thị trường.

Tiêm phòng vaccine có thể loại trừ nguy cơ nhiễm bệnh

Tiêm phòng vaccine có thể loại trừ nguy cơ nhiễm bệnh

Viêm gan virus là một bệnh truyền nhiễm thường gặp nhưng có thể biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi nhận thấy bất kì dấu hiệu nào liên quan đến bệnh, bệnh nhân nên đến những cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị. Đặc biệt, đối với các bệnh viêm gan A, B và D, mọi người có thể tiêm phòng vaccine để loại trừ nguy cơ nhiễm bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

Tin tức mới
Connect Zalo TCI Hospital