Viêm gan là tình trạng nhu mô gan bị tổn thương làm suy giảm các chức năng của gan. Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng, trong đó virus viêm gan là nguyên nhân phổ biến hàng đầu. Viêm gan siêu vi cần được phát hiện và điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng suy gan, xơ gan và ung thư tế bào gan. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại virus viêm gan phổ biến, giai đoạn tiến triển, triệu chứng của bệnh cũng như cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh lý viêm gan virus thường gặp nhất
Gan là cơ quan nội tạng lớn trong cơ thể, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng. Cơ quan này có vai trò chuyển hóa các chất (protid, glucid, lipid), sản xuất và bài tiết mật, thải độc, tổng hợp protein, dự trữ các chất quan trọng (glucose, sắt,…).
Các loại virus gây viêm gan phổ biến gồm: virus viêm gan A (HAV), virus viêm gan B (HBV), viêm gan C (HCV), viêm gan D (HDV), viêm gan E (HEV), viêm gan G (HGV). Trong đó, HAV, HBV và HCV là thường gặp hơn cả. Bệnh viêm gan có thể gây ra khi nhiễm 1 loại virus, cũng có thể do đồng nhiễm 2 hoặc 3 loại virus khác nhau.
1.1. Viêm gan siêu vi A
Virus viêm gan A lây truyền qua đường ăn uống, được phát hiện từ năm 1973. Hình thức lây nhiễm chính của bệnh là do sử dụng thực phẩm hoặc nguồn nước bị ô nhiễm chứa HAV. Viêm gan A thường tiến triển lành tính, không chuyển sang mạn tính, có thể khỏi hoàn toàn nhưng người bệnh vẫn có thể tái nhiễm HAV.
Hiện nay đã có vaccine phòng ngừa virus viêm gan A. Tiêm vaccine, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh là giải pháp tốt nhất và kinh tế nhất để phòng bệnh.
1.2. Viêm gan virus B
Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng gan rất phổ biến trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. HBV có acid nhân là DNA, không phải nhân RNA như các virus viêm gan khác. Virus viêm gan B lây truyền qua nhiều con đường: đường từ mẹ sang con, đường máu và đường quan hệ tình dục. Hiện nay đã có vaccine tiêm phòng HBV, tất cả người dân cần tiêm phòng cáng sớm càng tốt.
Khoảng 10% số người bội nhiễm virus sẽ khởi phát thành viêm gan B cấp tính. Số còn lại tiến triển âm thầm, không có triệu chứng, là nguồn lây bệnh nguy hiểm cho cộng đồng. Viêm gan B cấp có thể tiến triển mạn tính, tuổi càng nhỏ thì tỷ lệ chuyển thành mạn tính càng cao. Tình trạng bệnh kéo dài có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xơ gan, suy gan và nặng nề nhất là ung thư gan.
1.3. Viêm gan virus C
Virus viêm gan C được phát hiện từ năm 1989, con đường lây truyền giống với HBV. Các nghiên cứu đã phát hiện ít nhất 6 kiểu gen HCV tính đến thời điểm hiện tại. Sự đa dạng về gen khiến virus có khả năng tránh được các đáp ứng miễn dịch của cơ thể người bệnh. Đây là lý do giải thích vì sao tỷ lệ nhiễm viêm gan C mạn tính cao, chiếm hơn 80% trên tổng số người nhiễm HCV.
Sau khi điều trị khỏi, người bệnh vẫn có nguy cơ tái nhiễm HCV do cơ thể không tạo được đáp ứng miễn dịch. Khoảng 50% – 70% trường hợp viêm gan C cấp chuyển thành mạn tính. Viêm gan C mạn là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Nguy cơ biến chứng đặc biệt tăng cao ở những người nhiễm đồng thời HCV và HBV. Hiện nay bệnh viêm gan C vẫn chưa có vaccine phòng ngừa. Cách phòng ngừa hiệu quả là tránh tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết cơ thể của người nhiễm bệnh.
1.4. Viêm gan siêu vi D
Được tìm thấy năm 1977, HDV là loại virus chưa hoàn chỉnh, chỉ có lõi là ARN. Virus này cần HBsAg (kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B) để tạo được lớp vỏ tế bào và trở nên hoàn chỉnh. Do đó, không có trường hợp nhiễm viêm gan D độc lập. HDV muốn gây bệnh cần đáp ứng một trong hai yếu tố sau:
– Đồng nhiễm với HBV: Người bệnh nhiễm HDV và HBV ở cùng một thời điểm.
– Bội nhiễm HBV: Người bệnh đang nhiễm HBV bị nhiễm thêm HDV.
Trường hợp đồng nhiễm HDV và HBV có nguy cơ cao dẫn đến viêm gan ác tính. Trong khi đó, bội nhiễm 2 loại virus này có nguy cơ tiến triển thành viêm gan mạn tính. Tiêm vaccine phòng viêm gan B cũng có tác dụng giúp phòng tránh viêm gan D.
1.5. Viêm gan virus E
Cũng giống với virus viêm gan A, HEV lây nhiễm qua đường ăn uống. Loại virus viêm gan này được phát hiện năm 1991. Thông thường, viêm gan E diễn biến lành tính và có thể khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên bệnh có nguy cơ cao trở thành ác tính ở phụ nữ có thai, đặc biệt là ba tháng cuối thai kỳ.
HEV chỉ có 1 type huyết thanh. Chính vì vậy sau khi khỏi bệnh, cơ thể tạo đáp ứng miễn dịch nên không có tình trạng tái nhiễm.
2. Các giai đoạn của viêm gan siêu vi và triệu chứng lâm sàng
Viêm gan virus thường diễn biến qua 4 giai đoạn gồm: Giai đoạn ủ bệnh, khởi phát, vàng da, giai đoạn thoái lui và hồi phục.
2.1. Giai đoạn ủ bệnh
Thời gian ủ bệnh sẽ khác nhau tùy vào từng loại virus cụ thể. Chẳng hạn thời gian ủ bệnh của viêm gan A là từ 1 – 6 tuần. Trong khi đó viêm gan B và C có thời kỳ ủ bệnh từ 1 – 6 tháng. Với viêm gan D và E, thời gian ủ bệnh là từ 1 – 3 tháng.
2.2. Giai đoạn khởi phát
Viêm gan virus có thể khởi phát đột ngột hoặc âm thầm. Virus hoạt động tấn công trực tiếp vào tế bào gan gây ra các tổn thương. Các triệu chứng ở giai đoạn này thường không đặc hiệu, có thể bao gồm:
– Chán ăn, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa (táo bón hoặc tiêu chảy);
– Đau cơ, đau khớp;
– Triệu chứng liên quan đến đường hô hấp trên: chảy mũi, viêm hầu họng,…
– Đau âm ỉ, liên tục vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị kèm sốt. Người bệnh có thể sốt cao nhưng thường không quá 39.5 độ. Khi sốt bắt đầu giảm, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
2.3. Giai đoạn vàng da do viêm gan siêu vi
Trường hợp viêm gan nhẹ và vừa sẽ cảm thấy khỏe lên khi bước vào giai đoạn này. Ngược lại, người bệnh nặng sẽ tiến triển nặng dần lên ở giai đoạn vàng da. Lúc này người bệnh sẽ có triệu chứng chán ăn, suy nhược, phân bạc màu, gan to, lách có thể to, ngứa da nhiều do lắng đọng bilirubin trong da,…
Bên cạnh triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy:
– AST và ALT tăng cao;
– Tăng bilirubin toàn phần (chủ yếu tăng bilirubin trực tiếp);
– Thời gian Prothrombin (đánh giá chức năng đông máu) kéo dài;
– Bạch cầu đa nhân có thể bình thường hoặc giảm, tăng cao trong trường hợp bội nhiễm.
Giai đoạn vàng da cần phân biệt với bệnh nhiễm virus khác (như CMV, herpes simplex) cũng như các bệnh lý có gây vàng da.
2.4. Giai đoạn hồi phục
Giai đoạn này thường bắt đầu khi bệnh nhân có cơn đa niệu. Cùng với đó, các triệu chứng lâm sàng của bệnh sẽ giảm dần.
3. Nguyên tắc điều trị viêm gan virus
Bác sĩ sẽ chỉ định hướng điều trị khác nhau tùy thuộc vào từng loại virus và tình trạng cụ thể của người bệnh. Các phác đồ điều trị có thể sử dụng các biện pháp khác nhau để loại bỏ virus. Tuy nhiên phác đồ nhìn chung cần đáp ứng được các nguyên tắc sau đây:
– Người bệnh có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh hoạt động mạnh trong quá trình điều trị.
– Chế độ ăn uống lành mạnh, giảm dầu mỡ, nên bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả tươi.
– Tránh các chất kích thích, đồ uống có cồn, các hóa chất gây độc cho gan.
– Cẩn trọng khi sử dụng các loại thuốc, dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
– Việc điều trị được áp dụng đối với những người bệnh có triệu chứng.
5. Phòng bệnh viêm gan siêu vi
Các biện pháp phòng tránh viêm gan virus phụ thuộc vào đường lây nhiễm của virus. Cụ thể:
– Viêm gan A và E truyền qua đường ăn uống, do đó bạn cần: đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, rửa tay sạch bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tiêm vaccine viêm gan A cũng là cách phòng tránh HAV hiệu quả.
– Viêm gan B và C lây truyền chủ yếu qua đường máu (từ mẹ sang con, truyền máu, quan hệ tình dục không an toàn, dùng chung kim tiêm và các dụng cụ dính máu,…). Bạn cần tiêm phòng viêm gan B càng sớm càng tốt để phòng ngừa HBV, hạn chế tình trạng nhiễm đồng thời HBV và HCV. Bên cạnh đó, bạn cần băng kín vết thương hở, tránh tiếp xúc với máu và dịch tiết của người bệnh, quan hệ tình dục có sử dụng biện pháp bảo vệ,…
– Viêm gan D có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng cách tiêm vaccine chủng ngừa viêm gan B.
Viêm gan siêu vi gây tổn thương nhu mô gan và khiến các chức năng của gan bị suy giảm. Hãy xây dựng lối sống sinh hoạt – ăn uống lành mạnh, đặc biệt chủ động thăm khám gan mật để kiểm soát các bệnh lý về gan trong đó có viêm gan do virus.