Viêm gan cấp do rượu thường gặp ở những người thường xuyên uống rượu bia, xảy ra ở cả nam và nữ. Viêm gan do rượu có nguy hiểm không? Triệu chứng và cách phòng tránh như thế nào, chi tiết sẽ có ở bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Viêm gan cấp do rượu là như thế nào?
Có tới 48% trường hợp tử vong liên quan đến xơ gan, viêm gan do rượu. Uống nhiều rượu khiến tế bào gan liên tục thải độc, gan không lọc được hết độc tố, gây tổn thương ngược lại tế bào gan. Mặc dù, gan có cơ chế tự phục hồi, tuy nhiên khi liên tục bị tấn công, thì khả năng phục hồi của gan càng ngày càng suy yếu. Sau một thời gian hình thành mô sẹo, xơ hóa gan. Xơ gan lâu ngày, làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa, gây nên hiện tượng xuất huyết tiêu hóa, loét dạ dày tá tràng, giãn thực quản, giãn tĩnh mạch… Bệnh nhân sẽ có triệu chứng nôn ra máu, đi ngoài phân đen… cần phải được cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ dễ dẫn tới tử vong do mất máu.
2. Dấu hiệu viêm gan cấp do rượu
Tùy từng mức độ tổn thương của gan sẽ có những triệu chứng khác nhau. Một số triệu chứng cảnh báo viêm gan cấp thường gặp:
– Đau bụng, đau hạ sườn phải, mệt mỏi, suy kiệt, sụt cân
– Hay có cảm giác buồn nôn, nôn, sốt cao
– Chán ăn, uống rượu thay cơm, vì rượu ức chế cảm giác thèm ăn
– Bụng cổ trướng, phình to, giãn tĩnh mạch ở bụng
– Vàng da, vàng mắt
Bệnh nhân có rối loạn chức năng của ty lạp thể, cảm ứng enzym vi thể làm thay đổi chuyển hóa thuốc peroxy hóa lipid làm tổn thương màng tế bào. Tình trạng tăng chuyển hóa là do acetaldehyde và cytokine (interleukin 1 và 6, và TNF, được giải phóng ra trong cơ thể do suy giảm chức năng thải chất độc của gan).
3. Chẩn đoán viêm gan do rượu
Nếu xuất hiện một vài những triệu chứng kể trên, hãy đi khám để được bác sĩ thăm khám sức khỏe càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ khai thác một số vấn đề để phục vụ cho chẩn đoán như:
– Bệnh sử đi kèm, triệu chứng trước khi vào viện bất thường, diễn biến bệnh ở nhà, chuyển tuyến, tiền sử gia đình
– Lượng tiêu thụ rượu mỗi ngày, thói quen ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân
– Thăm khám thực thể: Kiểm tra da, niêm mạc mắt, khám ổ bụng, nghe tim, phổi, tiếng thổi gan, sờ gan, lách.
– Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng: xét nghiệm máu (huyết học, hóa sinh) kiểm tra chức năng gan, chức năng thận, công thức máu, xét nghiệm chỉ số đông máu, điện giải đồ… Tùy theo bệnh cảnh của bệnh nhân để bác sĩ tiên lượng và cho chỉ định.
– Chẩn đoán hình ảnh cần hình ảnh siêu âm gan, đo độ đàn hồi gan, CT, MRI, sinh thiết… để kiểm tra mức độ tổn thương và hình ảnh chi tiết tổn thương gan.
– Ở bệnh nhân viêm gan cấp do rượu, thường chỉ số AST < 400 U/L, gấp 2 lần so với ALT. Bilirubin tăng, bạch cầu tăng.
– Chẩn đoán xác định viêm gan do rượu bằng sinh thiết gan: trong kết quả kiểm tra thấy tế bào gan phồng, thể trong do rượu (thể Mallory), thâm nhiễm PMN, tế bào gan hoại tử, xơ hóa quanh tĩnh mạch trung tâm.
– Tỉ lệ NADH/NAD tăng dẫn đến toan chuyển hóa, nhiễm toan ceton, tăng uric máu, hạ đường huyết, giảm magie máu, giảm phosphat máu.
4. Các yếu tố tiên lượng tình trạng nặng ở bệnh nhân
Bệnh nhân viêm gan do rượu nặng, có tiên lượng tử vong trong 30 ngày. Một số chỉ số xét nghiệm cảnh báo:
– PT > 5 x PT chứng
– Tỉ lệ bilirubin >137 μmol/L (Tương đương > 8 mg/ dL)
– Có hiện tượng giảm albumin máu, tăng ure huyết
– Chỉ số DF (discriminant function) = 4.6 × (PT bệnh – PT chứng)+ bilirubin huyết (mg/dL). DF ≥ 32 tiên lượng nặng.
– Cổ trướng, bệnh nhân xuất huyết giãn mạch, hội chứng bệnh lý não gan, hội chứng gan thận tiên lượng xấu.
5. Các biến chứng hay gặp ở bệnh nhân viêm gan do rượu
Bệnh viêm gan do rượu có thể gây ra những tổn thương lâu dài, không thể hồi phục, gây nên tình trạng:
5.1 Cổ trướng
Cổ trướng là tình trạng tụ dịch trong ổ bụng do suy giảm chức năng gan.
5.2 Giãn tĩnh mạch
Gan bị suy yếu, làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa, gây xơ hóa thành mạch, giãn tĩnh mạch thực quản, dạ dày. Dưới tác động của lực bơm máu của tinh, một số tĩnh mạch giãn có thể vỡ, gây nên tình trạng nôn ói ra máu đột ngột, đi ngoài phân đen.
5.3 Viêm gan cấp do rượu gây biến chứng xơ gan
Tế bào gan bị tổn thương, không hồi phục được hình thành các điểm xơ hóa gan.
5.4 Suy thận
Tế bào gan bị tổn thương không hồi phục do rượu, làm ảnh hưởng đến chức năng thận, gây nên hiện tượng suy thận.
5.5 Bệnh não gan
Rượu sau khi phân giải tạo nên những chất độc với não, gan. Khi cơ thể không thể lọc được hết chất độc này, chất độc sẽ di chuyển theo máu lên tế bào não, gây nhiễm độc tế bào thần kinh trung ương, Gây nên các hiện tượng: lơ mơ, mất phương hướng, mất ngủ,… ở người bệnh. Nhiều trường hợp, còn rơi vào tình trạng hôn mê, mất ý thức.
6. Điều trị viêm gan do rượu
Khi tế bào gan đã tổn thương nặng, thì nguyên tắc điều trị sẽ giảm sự tiến triển của bệnh, hạn chế tổn thương thêm ở những tế bào lành bên cạnh, giảm thiểu nguy cơ biến chứng và triệu chứng cho người bệnh. Mục tiêu điều trị bảo tồn gan, giúp gan có thời gian để hồi phục. Viêm gan do rượu không thể điều trị dứt điểm hoàn toàn, mà chỉ có thể làm thuyên giảm hoặc giảm triệu chứng của bệnh.
Tùy theo tình trạng bệnh nhân và bệnh cảnh lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định liều phù hợp cho bệnh nhân. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc ức chế virus viêm gan, giảm viêm, giảm đau, thuốc bổ gan. Bổ sung Vitamin và chất dinh dưỡng cho người bệnh. Trong trường hợp tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được chỉ định cấy ghép gan.
7. Tuyệt chiêu phòng ngừa viêm gan do rượu
Để giảm tình trạng viêm gan, chúng ta cần phải:
7.1 Viêm gan cấp do rượu
Rượu bia, thuốc lá, cà phê… là một trong những nguyên nhân khiến bệnh viêm gan ngày càng nặng nề. Nếu có thể hạn chế được, hãy hạn chế tối đa số lượng rượu trong ngày và giữa các ngày. Một bữa rượu thịt thịnh soạn, say khướt sau cả tháng cai nghiện cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm gan cấp. Đặc biệt là những người đang bị gan nhiễm mỡ, xơ gan, viêm gan virus…
7.2 Thay đổi thói quen, tránh lây nhiễm
Để phòng tránh viêm gan, hãy tuân thủ nguyên tắc không dùng chung đồ với người khác, bao gồm: bàn chải đánh răng, dao cạo râu, vật dụng chăm sóc cá nhân, dao cạo râu, bơm kim tiêm… có nguy cơ dính máu dịch không nên dùng chung. Sống chung thủy, hạn chế nhiều bạn tình, quan hệ tình dục an toàn.
7.3 Kiểm soát cân nặng
Kiểm soát BMI trong ngưỡng từ 18,5 – 23 để hạn chế nguy cơ mỡ máu.
7.4 Kiểm soát bệnh nền trong ngưỡng an toàn
Một số bệnh nền dễ gây viêm gan cấp như: gan nhiễm mỡ, mỡ máu, xơ gan, viêm gan, tiểu đường… kiểm soát bệnh lý theo chỉ định của bác sĩ giúp hạn chế nguy cơ tiến triển thành viêm gan cấp.
7.5 Ăn uống
Thay đổi thói quen, hạn chế tối đa đồ dầu mỡ, đồ ăn nhanh, ôi thiu, nấm mốc, nhiều đạm… Giúp giảm gánh nặng cho gan thận. Đặc biệt, không nên ăn quá nhiều đồ đạm vào buổi tối hoặc ăn quá nhiều vào một ngày sau nhiều ngày ăn thanh đạm. Đột ngột thay đổi chế độ ăn có thể gây quá tải cho gan thận, tăng nguy cơ viêm gan cấp hơn.
7.6 Đi khám định kỳ
Khám sức khỏe định là một vấn đề quan trọng. Bác sĩ sẽ giúp bạn kiểm tra được những vấn đề bạn không tự phát hiện được bằng mắt thường. Và từ đó có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích cho bạn trong những thời điểm quan trọng.
Viêm gan cấp là trường hợp nguy hiểm, cần được cấp cứu kịp thời. Để có thể hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng có thể xảy ra. Hạn chế uống rượu bia, duy trì lối sống lành mạnh và kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp bảo vệ sức khỏe của bạn một cách chủ động.