Viêm gan B cấp tính phát sinh đột ngột ở người nhiễm virus viêm gan B (HBV) và thường trong một khoảng thời gian ngắn. Viêm gan B cấp có chữa được không và chữa như thế nào được rất nhiều người quan tâm. Hãy tìm hiểu kỹ hơn về việc điều trị viêm gan B cấp trong bài dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Viêm gan B cấp tính là gì?
Viêm gan B cấp là giai đoạn đầu của viêm gan siêu vi B, phát sinh đột ngột và thời gian mắc bệnh thường ngắn. Viêm gan B cấp tính có thể phát sinh trong vòng 6 tháng đầu kể từ khi người bệnh nhiễm virus.
Các triệu chứng của bệnh thường mờ nhạt và rất khó nhận biết. Thậm chí có trường hợp người bệnh viêm gan B cấp không hề xuất hiện triệu chứng. Người bệnh có thể nhận thấy một số biểu hiện thoáng qua như: mệt mỏi, chán ăn, nôn mửa, đau nhức ở gan và xương khớp,…
Thông thường, viêm gan B cấp chỉ diễn ra trong khoảng thời gian khá ngắn. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ nhỏ trường hợp kéo dài nhiều tháng hoặc hàng năm, tiến triển thành viêm gan B mạn, suy gan,… Cụ thể:
– Từ 80 – 90% trẻ sơ sinh nhiễm virus viêm gan B sẽ tiến triển thành viêm gan B mạn tính.
– Từ 30 – 50% trẻ em bị lây nhiễm HBV trước năm 6 tuổi sẽ nhiễm trùng mạn tính.
– Số người trưởng thành khỏe mạnh nhiễm HBV trở thành viêm gan B mạn là khoảng 10%.
– Khoảng 20 – 30% trường hợp viêm gan B mạn ở người trưởng thành sẽ tiến triển xơ gan, ung thư gan.
2. Chẩn đoán viêm gan B cấp
Khoảng 4 – 24 tuần trước khởi bệnh, người bệnh viêm gan B cấp có tiền sử truyền máu hoặc các chế phẩm của máu, tiêm chích, quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn.
Đa số các trường hợp không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng. Người bệnh ở thể điển hình có thể gặp các triệu chứng như: mệt mỏi, chán ăn, sốt (khi chưa vàng da), buồn nôn, nôn, vàng da, vàng mắt, đau tức vùng gan, nước tiểu sẫm màu,… Viêm gan B cấp có thể tiến triển nặng sang giai đoạn suy gan cấp, gây bệnh não gan, tỷ lệ tử vong cao.
Về triệu chứng cận lâm sàng, người bệnh viêm gan B cấp có chỉ số AST, ALT tăng (thường trên 5 lần giới hạn trên của mức bình thường). Đồng thời, bilirubin có thể tăng; Anti-HBc IgM và HBsAg dương tính.
Bên cạnh đó, cũng cần thực hiện chẩn đoán phân biệt viêm gan B cấp với các bệnh lý khác như:
– Viêm gan cấp do vi rút khác (virus viêm gan A, C, D, E, CMV, EBV, Dengue,…).
– Viêm gan do các nguyên nhân khác (viêm gan tự miễn; bệnh Wilson; viêm gan do rượu, do nhiễm độc thuốc, hóa chất;…).
– Đợt bùng phát của viêm gan siêu vi B mạn tính.
– Một số bệnh có triệu chứng vàng da như: các bệnh nhiễm khuẩn (bệnh nhiễm Leptospira, sốt rét…); tắc mật sau gan (u đầu tụy, u đường mật, sỏi đường mật,…).
3. Cách điều trị viêm gan B cấp
3.1. Viêm gan B cấp có chữa được không?
Viêm gan B cấp tính là bệnh có thể chữa trị được. Hơn 95% trường hợp mắc bệnh sẽ tự hồi phục và không cần điều trị với thuốc kháng virus. Hầu hết các trường hợp chỉ cần ăn uống – nghỉ ngơi hợp lý và thực hiện các biện pháp điều trị hỗ trợ theo tư vấn của bác sĩ.
Gan có thể hồi phục nếu viêm gan B cấp được phát hiện và điều trị trong vòng 6 tháng sau khi nhiễm virus. Tuy nhiên, nếu bệnh kéo dài hơn 6 tháng và tiến triển thành viêm gan B mạn, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn. Ở giai đoạn mạn tính, HBV không được loại bỏ hoàn toàn, người bệnh phải sống chung với virus suốt đời.
3.2. Điều trị hỗ trợ viêm gan B cấp
Việc điều trị đối với bệnh lý này chủ yếu là điều trị hỗ trợ:
– Thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý, tránh gắng sức hoặc làm việc nặng trong giai đoạn có biểu hiện lâm sàng.
– Không uống rượu bia, giảm bớt chất béo trong chế độ ăn. Với trường hợp bị nôn nhiều hoặc không ăn uống được, bác sĩ sẽ chỉ định nuôi dưỡng tạm thời qua đường tĩnh mạch.
– Các thuốc chuyển hóa qua gan cần được hạn chế sử dụng.
– Nếu bệnh diễn tiến nặng, người bệnh cần được điều trị hồi sức nội khoa tích cực. Đảm bảo hô hấp và tuần hoàn được duy trì ổn định. Tiêm bắp 10mg vitamin K1/ngày hoặc pha loãng tiêm mạch chậm trong 3 ngày khi tỷ lệ prothrombin giảm xuống dưới 60%. Đánh giá các bất thường cụ thể trên lâm sàng để điều chỉnh các rối loạn đông máu, lọc huyết tương, chống phù não,…
3.3. Thuốc kháng virus ảnh hưởng đến việc viêm gan B cấp có chữa được không
Bên cạnh điều trị hỗ trợ, bác sĩ có thể chỉ định thuốc entecavir hoặc tenofovir (tenofovir disoproxil fumarate – TDF, tenofovir alafenamide – TAF) cho đến khi mất HBsAg trong các trường hợp sau:
– Viêm gan B tối cấp.
– Viêm gan B cấp tính kèm theo ít nhất 2 trong 3 tiêu chí sau: Thứ nhất, bệnh não gan. Thứ 2, bilirubin toàn phần huyết thanh lớn hơn 3 mg/dL, hoặc bilirubin trực tiếp lớn hơn 1,5 mg/dL. Thứ ba, INR (International normalized ratio) lớn hơn 1,5.
– Viêm gan B cấp tính kéo dài trên 4 tuần với bilirubin có xu hướng tăng.
4. Theo dõi điều trị viêm gan B cấp
Về lâm sàng, người bệnh cần theo dõi các triệu chứng: rối loạn tiêu hóa, xuất huyết, vàng da, vàng mắt, phù, cổ trướng, rối loạn tri giác,…
Về cận lâm sàng, người bệnh viêm gan B cấp cần theo dõi:
– Chỉ số AST và ALT định kỳ 1 – 2 tuần cho đến khi ALT nhỏ hơn 2 lần ULN. Sau đó, tiếp tục kiểm tra mỗi 4 – 12 tuần, trong ít nhất 24 tuần.
– Chỉ số INR, bilirubin (toàn phần và trực tiếp) mỗi 1 – 2 tuần cho đến khi về trị số bình thường.
– Xét nghiệm HBsAg và anti-HBs vào tuần thứ 12 và tuần thứ 24.
– Viêm gan B cấp hồi phục nếu mất HBsAg sau 6 tháng, lúc này người bệnh cần tiêm phòng nếu anti-HBs thấp hơn 10 IU/L.
– Sau 6 tháng nếu HBsAg
– Xét nghiệm HBsAg vẫn dương tính sau 6 tháng cho biết bệnh đã chuyển sang giai đoạn mạn.
Câu hỏi “viêm gan B cấp có chữa được không” đã được giải đáp trong bài viết. Đồng thời, bạn đọc cũng nắm được cách chẩn đoán và điều trị viêm gan B cấp. Người bệnh cần được điều trị sớm để tránh các biến chứng có thể xảy ra. Tuân thủ phác đồ điều trị, kết hợp chế độ ăn uống – sinh hoạt hợp lý, bệnh viêm gan B cấp hoàn toàn có thể bị đẩy lùi.