Viêm bờ mi là tình trạng mí mắt bị viêm gây ngứa mắt, cộm mắt, đỏ xung quanh vùng mắt khiến người bệnh khó chịu và lo lắng. Liệu viêm bờ mi mắt có nguy hiểm không, có gây biến chứng không, điều trị và phòng ngừa bằng cách nào, tất cả các thắc mắc này đã được chúng tôi giải đáp chi tiết trong bài viết dưới, bạn hãy theo dõi nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh viêm bờ mi mắt
Viêm bờ mi mắt là tình trạng viêm biểu bì ở phần bờ tự do của mi mắt, khu vực phát triển lông mi bị sưng viêm và có thể lan ra toàn bộ mí mắt gây ngứa, bỏng rát, đỏ và phù bờ mi. Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị viêm bờ mi mắt dưới hoặc trên, tuy nhiên tình trạng này thường gặp hơn ở người trẻ tuổi.
Viêm bờ mi gồm có 2 dạng chính:
– Viêm bờ mi cấp tính: loét hoặc không loét
– Viêm bờ mi mãn tính: rối loạn tuyến meibomius, viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn.
1.1. Nguyên nhân gây viêm bờ mi
– Viêm bờ mi cấp tính:
Nguyên nhân chính gây viêm loét bờ mi cấp tính là do nhiễm khuẩn staphylococcal ở gốc lông mi, bên cạnh đó các nang lông mi và các tuyến meibomius có liên quan. Ngoài ra, viêm bờ mi cấp tính cũng có thể do virus herpes simplex hoặc varicella zoster. Bờ mi bị nhiễm trùng do vi khuẩn thường có nhiều dử với nhiều dịch tiết huyết thanh hơn.
Nguyên nhân gây viêm bờ mi không không loét cấp tính thường do phản ứng dị ứng theo mùa gây nổi ban ngứa.
– Viêm bờ mi mãn tính:
Viêm bờ mi mãn tính là tình trạng rối loạn chức năng tuyến meibomius, gây tắc nghẽn lỗ tuyến ở mí mắt. Ngoài ra còn do trứng cá đỏ, chắp, lẹo tái phát. Nhiều bệnh nhân bị viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn có viêm da tăng tiết bã nhờn mặt và da đầu hoặc mụn trứng cá đỏ.
Hầu hết các trường hợp bị rối loạn chức năng tuyến meibomius hoặc viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn xảy ra sự bốc hơi nước mắt và viêm kết giác mạc khô, hay khô mắt.
1.2. Triệu chứng của viêm bờ mi
Triệu chứng phổ biến là gây ngứa, bỏng rát mí mắt, kích ứng kết mạc, chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng và gây cộm mắt. Mỗi một dạng viêm bờ mi sẽ có triệu chứng cụ thể riêng.
– Viêm bờ mi cấp tính:
Triệu chứng viêm loét bờ mi cấp tính là hình thành các mụn mủ nhỏ được phát triển trong các nang lông mi và cuối cùng vỡ ra tạo thành ổ loét nông có bờ rõ. Xuất hiện màng tiết tố dính chặt ở mi, gây chảy máu khi bóc, màng tiết tố khô khiến mi mắt bị dính chặt lại. Viêm bờ mi loét tái phát còn có thể khiến bờ mi bị sẹo hoặc lông mi mọc ngược.
– Viêm bờ mi mãn tính:
Ở bệnh nhân có rối loạn chức năng tuyến meibomius thường có các lỗ tuyến giãn và đặc lại thành tiết tố có màu vàng, khi ấn vào sẽ thấy tiết tố đặc dạng sáp chảy ra. Viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn thường để lại lớp vảy mỡ dễ bóc trên bờ mi. Hầu hết các bệnh nhân có viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn và rối loạn chức năng tuyến meibomius thường có các triệu chứng của bệnh viêm kết giác mạc khô như cảm giác cộm ở mắt, có dị vật trong mắt, căng mỏi mắt và nhìn mờ nếu cố nhìn kéo dài.
2. Bệnh viêm bờ mi mắt có nguy hiểm không?
Nhiều người thắc mắc rằng viêm bờ mi mắt có nguy hiểm không? Trên thực thế, bệnh thường khiến mắt bị kích thích gây khó chịu và cản trở tầm nhìn nhưng ít khi ảnh hưởng đến thị lực, vì vậy viêm bờ mi là một bệnh lý không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, tình trạng viêm bờ mi kéo dài có thể gây ra các biến chứng như khô mắt, viêm kết mạc, viêm giác mạc và chắp lẹo mi. Từ những biến chứng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thị lực.
Do đó, người bệnh không nên chủ quan, khi gặp tình trạng lông mi bị rụng, lông mi mọc bất thường, sẹo mi, lẹo hoặc bất thường ở mắt nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để thăm khám để tiến hành điều trị sớm, sẽ kiểm soát tốt biến chứng nghiêm trọng cũng như lấy lại thẩm mỹ cho khuôn mặt.
3. Điều trị bệnh viêm bờ mi mắt bằng cách nào?
Tùy theo từng loại viêm sẽ có phương pháp điều trị cụ thể.
– Viêm bờ mi cấp tính:
Viêm loét bờ mi cấp tính thường được điều trị bằng thuốc mỡ kháng sinh trong 7 – 10 ngày . Viêm loét bờ mi cấp tính do virus sẽ điều trị bằng thuốc kháng virus toàn thân trong khoảng 7 ngày.
Đối với viêm bờ mi không loét cấp tính thì thường sử dụng biện pháp chườm ấm bờ mi để giảm triệu chứng và tăng tốc độ hồi phục, nếu sau 24 giờ chườm ấm tình trạng sưng chưa giảm thì sử dụng corticoid bôi tại chỗ trong vòng 7 ngày.
– Viêm bờ mi mạn tính:
Viêm bờ mi mạn tính thường được điều trị theo hướng viêm kết giác mạc khô. Sử dụng nước mắt nhân tạo, thuốc mỡ tra ban đêm và chặn đường thoát nước mắt sẽ mang lại hiệu quả điều trị ở hầu hết các bệnh nhân.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể kết hợp với chườm ấm mi mắt để làm tan tiết tố bám trên mi mắt, hoặc thực hiện massage mí mắt để đẩy các chất tiết ứ đọng và tăng cường lớp mỡ phủ trên bề mặt nhãn cầu.
Ngoài ra, người bệnh có thể làm sạch bờ mi 2 lần một ngày bằng tăm bông được tẩm với hỗn hợp dung dịch dầu gội dành cho trẻ em và nước ấm theo tỉ lệ 2 – 3 giọt dầu gội với ½ chén nước ấm. Nếu sau vài tuần điều trị bệnh không cải thiện có thể sử dụng thêm thuốc mỡ kháng sinh tại chỗ.
Viêm bờ mi mắt có thể biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe thị lực. Vì vậy người bệnh không nên chủ quan mà không chữa, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt thăm khám và điều trị sớm để bảo vệ đôi mắt, tránh gây khó khăn cho việc điều trị về sau.