Viêm bờ mi là một trong những bệnh lý về mắt khá thường gặp. Không chỉ gây ra cảm giác khó chịu, viêm còn ảnh hưởng tới tầm nhìn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho mắt. Vậy viêm bờ mi có lây không và điều trị như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về viêm bờ mi
1.1 Viêm bờ mi là gì?
Viêm ở bờ mi là hiện tượng xuất hiện triệu chứng viêm ở mi mắt. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là do các tuyến nhờn bị tắc. Lâu dần khiến mắt bị kích thích, ngứa ngáy và sưng đỏ lên. Tình trạng này kéo dài có thể tiến triển thành mãn tính và khó khăn hơn trong việc điều trị.
Về lâm sàng, viêm có nhiều hình thái khác nhau như:
– Viêm đỏ bờ mi: Bờ mi đỏ lên, có ít tiết tố và có vảy. Đây là hình thái ở mức độ nhẹ, thường chỉ gây ra cảm giác vướng.
– Viêm bờ mi rụng vảy: Bờ mi đỏ và đóng nhiều vảy. Tiết tố bám dính ở bờ mi nhưng không gây loét.
– Viêm loét bờ mi: Đây là hình thái ở mức độ nặng và thường kéo dài dai dẳng. Bờ tự do của mi bị sưng đỏ, phù và xuất hiện vết loét. Nhiều tiết tố và có kèm theo tình trạng rụng lông mi.
1.2 Nguyên nhân
Về cấp tính:
– Do nhiễm khuẩn (thường là Staphylococcal)
– Do virus (VD: Varicella zoster, Herpes simplex virus)
– Do dị ứng (dị ứng phấn trang điểm, khói, bụi, gió, hóa chất, sử dụng nguồn nước bẩn,…)
Về mạn tính:
– Do rối loạn chức năng tuyến tuyến bã nhờn Melbonian
– Do viêm kết mạc khô/khô mắt
– Do bệnh lậu
– …..
Nhìn chung, viêm có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Đặc biệt, người hay khô mắt, da nhờn, nhiều gàu sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bên cạnh đó, những trường hợp trứng cá đỏ, mụn cũng có thể ảnh hưởng đến mi mắt và gây viêm.
1.3 Triệu chứng
Vậy, bờ mi khi bị viêm thường gây ra các triệu chứng gì?
Về cấp tính:
– Xuất hiện mủ nhỏ (có thể vỡ và tạo thành ổ loét)
– Mắt và mi dính vào nhau
– Gây sẹo bờ mi
– Xuất hiện lông xiêu (lông mi mọc ngược)
– Bờ mi sưng, tấy, đỏ, bám tiết tố
– Nước mắt chảy nhiều
– Chảy mủ vàng, dịch màu xanh
– Thị lực bị ảnh hưởng
– Mắt nhạy cảm với ánh sáng
– Một số trường hợp viêm do virus có thể xuất hiện hạch bạch huyết
– …..
Về mạn tính:
– Dịch đặc màu vàng chảy ra khi ấn vào lỗ tuyến bã nhờn Melbonian
– Dễ dàng bóc lớp vảy mỡ
– Mí mắt cộm, căng, mỏi như có tật
– Khô mắt, nhìn lâu bị mờ
– …..
2. Viêm ở bờ mi có lây không?
Viêm ở bờ mi là bệnh lý có khả năng lây lan từ người sang người. Thông thường, con đường truyền bệnh phổ biến nhất là do tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh. Có thể là do sử dụng chung vật dụng cá nhân: Khăn mặt, vật dụng trang điểm,…
Tuy nhiên, nếu bạn nhiễm bệnh lậu, Chlamydia hoặc các vi khuẩn khác trong lúc mang thai thì rất có khả năng sẽ truyền bệnh đau mắt đỏ sang cho con sau sinh. Trong trường hợp này, cần phải báo ngay với bác sĩ nhãn khoa. Bởi nếu để nhiễm trùng rất có thể sẽ đe dọa đến thị lực lâu dài của trẻ.
Trong mọi trường hợp viêm, việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp mắt nhanh khỏi. Từ đó người bệnh cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Đồng thời, mỗi người cũng nên có những biện pháp chủ động phòng ngừa. Tránh để bệnh tái phát hoặc diễn biến nặng, ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Vậy, khi nào thì cần liên hệ bác sĩ khẩn cấp? Đi khám ngay nếu mắt có các dấu hiệu sau đây:
– Chảy nhiều dịch có màu xanh lá cây hoặc vàng ở mắt, mi mắt dính vào nhau khi ngủ dậy
– Đau mắt dữ dội khi nhìn ánh sáng chói
– Nhìn mờ, thị lực bị suy giảm đáng kể
– Sốt cao, ớn lạnh
3. Chẩn đoán và điều trị
Để chẩn đoán bệnh, trước tiên các bác sĩ sẽ kiểm tra mí mắt và lông mi của người bệnh. Các trường hợp phức tạp hơn sẽ cần kiểm tra thị lực bằng kính hiển vi khe đèn hoặc đo nhãn áp.
Khi đã xác định được tình trạng viêm, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Một số phương pháp điều trị thường được áp dụng có thể kể đến như:
– Chườm khăn ấm:
Đây là phương pháp khá đơn giản và dễ thực hiện. Chỉ cần dùng một chiếc khăn mềm, sạch, thấm nước ấm và vắt khô. Sau đó nhắm mắt rồi vắt khăn lên mí mắt trong khoảng 1 phút. Lặp đi lặp lại khoảng 3 lần mỗi ngày.
Độ ấm từ khăn sẽ giúp làm sạch các tuyến nhờn, bong vảy tại vị trí viêm, sưng. Nhờ đó mắt nhanh khỏi hơn, tránh nguy cơ phát triển thành chắp mắt.
– Làm sạch tế bào chết mí mắt:
Phương pháp dùng một miếng gạc/khăn nhỏ ngâm trong nước ấm và lau nhẹ bờ mi. Phương pháp này giúp làm sạch các tế bào chết ở mi mắt. Cải thiện tình trạng viêm cho mắt.
– Dùng thuốc mỡ kháng sinh:
Để bệnh nhanh khỏi hơn, bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc mỡ kháng sinh. Khi sử dụng thuốc, người bệnh không nên lạm dụng mà cần tuân theo đúng chỉ định. Đồng thời, trước khi bôi thuốc lên mi mắt cần rửa tay sạch sẽ. Tránh tạo điều kiện đưa thêm vi khuẩn vào vị trí viêm.
– Sử dụng thuốc nhỏ mắt:
Với những trường hợp khô hoặc viêm mắt sẽ cần dùng thêm thuốc nhỏ mắt để cải thiện.
– Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp:
Việc thiếu dưỡng chất cũng có thể là lý do khiến tình trạng viêm trở nên nặng hơn. Vì vậy, bạn nên xây dựng cho bản thân một chế độ ăn uống hợp lý. Bổ sung và duy trì sự cân bằng của axit béo omega để tuyến nhờn làm việc hiệu quả.
– Giữ gìn vệ sinh mắt:
Giữ vệ sinh cho mắt và lông mi là yếu tố tiên quyết để tình trạng viêm nhanh khỏi hơn. Đồng thời cũng giúp phòng tránh và không tái lại bệnh. Ngoài ra, hãy luôn rửa tay sạch sẽ và hạn chế đưa tay lên mắt nhé!
Bên cạnh những phương pháp trên, bạn có thể mát-xa nhẹ nhàng để mắt cảm thấy thoải mái hơn. Hạn chế để mắt tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng màn hình điện tử. Cố gắng ngủ đủ giấc để mắt luôn được sáng và khỏe mạnh.
Như vậy, trên đây là những chia sẻ về bệnh viêm ở bờ mi mà chúng tôi muốn gửi đến bạn. Thông qua đó, có thể khẳng định viêm bờ mi là bệnh lý có thể lây lan được. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy luôn có các biện pháp chủ động phòng tránh để tránh mắc bệnh nhé!