Viêm kết mạc là một bệnh lý phổ biến về mắt. Bệnh không quá nghiêm trọng, sẽ khỏi chỉ sau 7 – 10 ngày nếu được điều trị đúng cách và kịp thời. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người chủ quan, để bệnh kéo dài lên đến 3 – 4 tuần và có nguy cơ trở thành viêm kết mạc mạn tính. Vậy, lý do khiến cho viêm kết mạc lâu ngày không khỏi là gì?
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu chung bệnh viêm kết mạc
Viêm kết mạc là tình trạng viêm nhiễm, xảy ra ở lớp kết mạc của mắt. Nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm kết mạc chính là vi khuẩn hoặc virus. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có nguy cơ gây bệnh là:
– Các loại hoá chất gây kích ứng cho mắt.
– Người bệnh chủ quan, áp dụng bừa bãi cách điều trị “mẹo”, lạc hậu…
– Người bệnh bị dị ứng…
Thực tế, điều trị bệnh viêm kết mạc rất đơn giản, chủ yếu chỉ cần sử dụng thuốc kháng sinh phù hợp theo chỉ định của bác sĩ. Đó thường là các loại thuốc có khả năng loại bỏ virus, vi khuẩn và các tác nhân gây hại cho mắt.
Một số sản phẩm được bác sĩ khuyên người bệnh có thể dùng bao gồm:
– Thuốc kháng sinh dạng nhỏ mắt, dạng bôi hoặc dạng uống;
– Thuốc kháng viêm dạng nhỏ mắt, dạng bôi hoặc dạng uống;
– Nước mắt nhân tạo.
2. Nguyên nhân khiến cho viêm kết mạc lâu ngày không khỏi
Như đã chia sẻ, bệnh viêm kết mạc thường chỉ diễn ra trong vòng 7 – 10 ngày là sẽ khỏi. Nhưng vẫn có rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng bệnh kéo dài, không những không khỏi mà còn chuyển biến nghiêm trọng hơn và trở thành mạn tính.
2.1. Viêm kết mạc lâu ngày không khỏi do virus
Có hai trường hợp viêm kết mạc thường gặp khi người bệnh bị các loại virus tấn công là viêm kết mạc u mềm lây lan và viêm kết mạc thể mi. Cả hai trường hợp này đều rất phổ biến ở trẻ em, gây ra những ảnh hưởng nhất định tới sinh hoạt.
– Viêm kết mạc u mềm lây lan: Bệnh sẽ khiến cho một hoặc cả hai mí mắt bị nhiễm trùng, xuất hiện các tổn thương dạng cục u lõm. có kích thước nhỏ, tròn, màu hơi trắng, nhợt nhạt. Khi mắt bị nhiễm trùng, người bệnh sẽ thấy cảm giác đau nhức, mắt đỏ và có nhiều gỉ hơn bình thường. Lưu ý, bệnh này không thể tự khỏi, người bệnh cần chú trọng việc giữ vệ sinh cho mắt, đặc biệt là mí mắt.
– Viêm kết mạc thể mi do virus HSV (Herpes Simplex Virus): Virus Herpes Simplex tấn công vào khu vực nào thì khu vực đó cũng sẽ xuất hiện những mụn rộp, mềm, màu trắng đục, ấn vào có cảm giác đau và như có nước. Để điều trị bệnh dứt điểm, hạn chế làm mụn nước vỡ, gây lây lan sang các vùng lân cận, người bệnh cần được nhỏ thuốc đặc trị.
2.2. Viêm kết mạc lâu ngày không khỏi do vi khuẩn
– Viêm kết mạc cấp tính:
Là hiện tượng vi khuẩn chỉ xâm nhập và gây các tác động đến một mắt. Hiện tượng này xảy ra đột ngột, làm cho lượng mủ và tình trạng sưng mí mắt diễn ra nặng hơn. Lúc này, người bệnh sẽ thấy đau rát, vướng víu, sau một đêm ngủ dậy, hai mí dính chặt vào nhau.
– Viêm kết mạc do cầu khuẩn:
Là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh, còn người lớn chủ yếu nhiễm bệnh bằng đường tình dục. Dấu hiệu của hiện tượng này là mí mắt bị sưng to, loét, có nhiều mủ.
– Viêm kết mạc mãn tính:
Hiện tượng này thường diễn ra ở phần rìa mí mắt, khiến người bệnh đau nhức. Khi đó, mắt người bệnh có màu đỏ nhạt, mí mắt có một ít mủ.
– Viêm kết mạc do nhiễm vi khuẩn Chlamydia:
Đây cũng là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, do sức đề kháng còn yếu nên vi khuẩn dễ tấn công. Ngoài ra, trẻ bị đau mắt hột hay trẻ tuổi vị thành niên quan hệ tình dục cũng sẽ có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn chlamydia gây viêm kết mạc.
2.3. Viêm kết mạc lâu khỏi do ảnh hưởng từ các bệnh lý khác
– Do dị ứng:
Khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, người bệnh có nguy cơ bị viêm kết mạc dị ứng (hay còn gọi là viêm kết giác mạc mùa xuân). Đến nay, các chuyên gia và các bác sĩ nhãn khoa cũng chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây viêm kết mạc dị ứng là gì nhưng chủ yếu là do các tác nhân gây dị ứng như bệnh hen suyễn, bệnh chàm…
Khi bị viêm, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa ngáy ở mắt, tần suất dày đặc, lặp đi lặp lại, khoé mắt chảy mủ đặc quánh, thị lực suy giảm, mờ đục, nhạy cảm hơn với ánh sáng. Để tránh những biến chứng không mong muốn đến thị lực, người bệnh nhất định cần tới gặp bác sĩ nhãn khoa để được thăm khám và có phương án điều trị kịp thời, cũng như có đơn thuốc phù hợp, hiệu quả.
– Do bệnh tiểu đường:
Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường thường bị suy giảm hệ miễn dịch, khiến cho các bệnh viêm nhiễm sẽ lâu khỏi, kéo dài hơn bình thường. Tham khảo ý kiến bác sĩ để biết được giải pháp phù hợp và hiệu quả.
3. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm kết mạc?
Như đã chia sẻ, bệnh viêm kết mạc không quá nguy hiểm nhưng có nguy cơ trở thành mạn tính, gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Để phòng tránh bệnh xuất hiện và lây lan cho người khác, chúng ta cần lưu ý giữ gìn vệ sinh cá nhân:
– Giữ gìn vệ sinh môi trường sống và các công đoạn vệ sinh cá nhân;
– Thường xuyên rửa tay với xà phòng, nhất là sau khi tiếp xúc với người bệnh;
– Dùng riêng các vật dụng cá nhân như khăn mặt, chậu rửa mặt, mỹ phẩm, đặc biệt là thuốc nhỏ mắt…
– Hạn chế tiếp xúc với những người mắc bệnh;
– Không dùng tay sờ trực tiếp vào mắt;
– Thường xuyên đeo kính khi đi ra ngoài và rửa mắt với nước muối sinh lý sau khi về nhà;
– Không được tự ý mua thuốc nhỏ hoặc tra thuốc nhỏ mắt của người khác, nhất là của những người đang mắc bệnh.
– Không tự ý áp dụng các phương pháp chữa trị truyền thống lạc hậu, thiếu cơ sở khoa học vì có thể sẽ khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn;
– Thường xuyên vệ sinh hoặc thay đổi khăn mặt, vỏ gối…
Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trên, bạn đọc đã hiểu hơn về nguyên nhân khiến bệnh viêm kết mạc kéo dài lâu ngày không khỏi, từ đó biết cách bảo vệ sức khỏe đôi mắt của mình!