Nhờ vào sự phát triển của y học, thay vì phải tiêm hai loại vắc xin khác biệt thì giờ đây vắc xin viêm gan AB cho bé đã được kết hợp trong một loại duy nhất là vắc xin Twinrix để đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu phòng bệnh. Vậy khi tiến hành tiêm vắc xin Twinrix cần tuân theo phác đồ như thế nào và có những lưu ý cụ thể gì?
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về vắc xin viêm gan AB cho bé
1.1. Tìm hiểu chung về bệnh lý viêm gan AB
Viêm gan A
Viêm gan siêu vi A là bệnh nhiễm trùng gan cấp tính do vius HAV gây ra, khiến các tế bào biểu mô gan tổn thương, ảnh hưởng đến hoạt động chức năng gan. Bệnh cực kỳ dễ lây nhiễm, bất kỳ ai chưa thực hiện tiêm phòng đều có thể nhiễm bệnh, đặc biệt là trẻ trong khoảng 5 – 14 tuổi.
Dấu hiệu và triệu chứng viêm gan A thường xuất hiện đột ngột sau khi trẻ nhiễm virus từ 2 – 4 tuần, bao gồm:
– Mệt mỏi.
– Sốt nhẹ.
– Vàng da, mắt.
– Nước tiểu vàng đậm.
– Phân nhạt màu.
– Đau cơ, khớp.
Không phải tất cả trường hợp mắc viêm gan A đều xuất hiện những triệu chứng trên. Ngoài ra, triệu chứng bệnh ở người lớn rõ ràng hơn trẻ em. Chỉ khoảng 10% trẻ dưới 6 tuổi nhiễm bệnh có biểu hiện vàng da, trong khi đó tỷ lệ này ở người lớn là hơn 70%.
Cần lưu ý những triệu chứng bệnh thường biến mất sau vài tuần, tuy nhiên không loại trừ trường hợp nhiễm trùng trở nặng dẫn đến biến chứng.
Viêm gan B
Viêm gan siêu vi B là bệnh nhiễm trùng gan cấp tính do vius HBV gây ra, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra tổn thương gan nghiêm trọng, kéo theo các biến chứng nguy hiểm đe dọa sức khỏe. Bệnh được phân thành viêm gan B cấp tính và mạn tính, trong đó:
– Viêm gan B cấp tính là tình trạng nhiễm trùng ngắn hạn, kéo dài trong vòng 6 tháng từ khi trẻ tiếp xúc với virus HBV. Bệnh đa phần không xuất hiện triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, tuy nhiên không loại trừ trường hợp trở nặng yêu cầu nhập viện điều trị.
– Viêm gan B mạn tính là tình trạng nhiễm trùng kéo dài từ 6 tháng đổ lên, virus HBV không bị loại bỏ và tồn tại âm thầm trong cơ thể trẻ. Theo thời gian, bệnh có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như suy gan, xơ gan thậm chí ung thư.
Khả năng bệnh chuyển thành mạn tính phụ thuộc vào độ tuổi người bệnh, trong đó tuổi càng nhỏ thì khả năng mạn tính càng cao. Theo WHO, có 80 – 90% trẻ sơ sinh nhiễm bệnh trong những năm đầu đời, 30 – 50% trẻ nhiễm bệnh trước 6 tuổi phát triển thành mạn tính.
Hầu hết trẻ dưới 5 tuổi mắc viêm gan B cấp tính đều không có triệu chứng rõ ràng. Khoảng 30 – 50% người bệnh là trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên và người trưởng thành có các dấu hiệu:
– Sốt.
– Mệt mỏi.
– Chán ăn.
– Đau bụng.
– Nước tiểu vàng đậm.
– Phân nhạt màu.
– Đau cơ, khớp.
– Vàng da.
1.2. Tìm hiểu chung về vắc xin viêm gan AB cho bé
Vắc xin Twinrix sản xuất tại Bỉ và là loại duy nhất trên thế giới hiện nay có thể phòng viêm gan AB trong cùng một mũi tiêm. Trong vắc xin không chứa virus sống nên không thể làm người được tiêm bị viêm gan, tuy nhiên cơ thể trẻ sẽ nhận diện các thành phần trong vắc xin như một yếu tố lạ, từ đó kích hoạt cơ chế sản sinh kháng thể chống lại virus gây bệnh. Quá trình này có sự hiện diện của các đại thực bào, tế bào lympho ghi nhớ miễn dịch và các globulin miễn dịch đặc hiệu IgG, IgA, IgM. Nhờ việc này, ở những lần tiếp xúc sau, cơ thể đã có sẵn hệ thống miễn dịch chủ động để chống lại virus gây bệnh.
2. Phác đồ tiêm và lưu ý khi sử dụng vắc xin Twinrix
2.1. Phác đồ tiêm
Mỗi liều vắc xin Twinrix 1ml được sử dụng cho cả trẻ em trên 1 tuổi, thanh thiếu niên và người lớn. Tùy theo đối tượng cụ thể sẽ áp dụng lịch tiêm như sau:
Trẻ từ 1-15 tuổi
– Mũi 1: Mũi đầu.
– Mũi 2: Sau mũi đầu 6 – 12 tháng.
Đối với trẻ từ 1 – 15 tuổi, chỉ cần tiêm hai mũi là có thể bảo vệ khỏi viêm gan AB. Với mũi 1, có thể xảy ra trường hợp trẻ đáp ứng vắc xin ngay và trẻ chưa, tuy nhiên sau mũi 2 chắc chắn trẻ sẽ được bảo vệ hoàn toàn.
Trẻ từ 16 tuổi
– Mũi 1: Mũi đầu.
– Mũi 2: Sau mũi đầu 1 tháng.
– Mũi 3: Sau mũi 2 khoảng 5 tháng.
2.2. Lưu ý khi tiêm vắc xin viêm gan AB cho bé
Một số điểm cần lưu ý khi thực hiện tiêm vắc xin Twinrix bao gồm:
– Trước khi tiêm cần xét nghiệm 2 chỉ số HBsAg và AntiHBs.
– Vắc xin Twinrix cần tiêm cách vắc xin 6in1/5in1 khoảng 1 tháng vì có cùng thành phần viêm gan B.
– Đường tiêm của vắc xin Twinrix là tiêm bắp.
– Chống chỉ định tiêm Twinrix với người nhạy cảm bất kỳ thành phần nào trong vắc xin hoặc có biểu hiệu mẫn cảm với vắc xin đơn lẻ phòng viêm gan AB.
Bên cạnh đó bố mẹ cần lưu tâm một số tác dụng phụ không mong muốn của vắc xin:
– Tác dụng phụ phổ biến nhất là đau và đỏ tại chỗ tiêm (hơn 10% trường hợp).
– Tác dụng phụ thường gặp là sưng chỗ tiêm, sốt nhẹ, cảm giác khó chịu, nhức đầu, buồn ngủ, chán ăn, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, cảm thấy mệt mỏi (1 – 10% trường hợp).
– Tác dụng phụ không phổ biến là phát ban (0.1 – 1% trường hợp).
– Tác dụng phụ hiếm gặp là xuất hiện hạch bạch huyết vùng cổ, nách, bẹn bị sưng, nổi mề đay, chóng mặt (0.01 – 0.1% trường hợp).
– Tác dụng phụ cực kỳ hiếm gặp là mất độ nhạy cảm xúc giác, tê tay chân, huyết áp thấp, ngứa, phát ban, đau cơ, đau khớp và các dấu hiệu tương tự cúm như sốt cao, sổ mũi, đau họng, ho và ớn lạnh toàn thân. (dưới 0.01% trường hợp).
Nhìn chung, bố mẹ có thể yên tâm khi cho trẻ thực hiện tiêm phòng vắc xin Twinrix, tuy nhiên hãy theo dõi tình trạng của trẻ trước và sau khi tiêm để kịp thời phát hiện nếu xuất hiện bất kỳ phản ứng phụ nào và chăm sóc, xử lý.
Trên đây là những thông tin chi tiết gửi tới bạn về vắc xin Twinrix phòng viêm gan AB cho trẻ cũng như phác đồ tiêm cho từng độ tuổi và lưu ý tiêm. Hi vọng bài viết đã giải đáp được thắc mắc của bạn và trong trường hợp bạn có câu hỏi liên quan, hãy liên hệ với Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được giải đáp nhé.