Vắc xin viêm gan A Avaxim là một loại vắc xin virus bất hoạt, có tác dụng phòng ngừa viêm gan siêu vi A cho trẻ từ 12 tháng trở lên đến dưới 16 tuổi. Vắc xin được sản xuất bởi công ty Sanofi Pasteur và được lưu hành rộng rãi trên thị trường hiện nay.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu chung về bệnh viêm gan A và vắc xin Avaxim
1.1. Viêm gan A
Viêm gan siêu vi A là căn bệnh truyền nhiễm do virus và dễ dàng bùng phát thành dịch. Bệnh có xu hướng tăng dần theo tuổi, thường bắt gặp ở trẻ tiểu học và vị thành niên. Virus viêm gan A lây lan nhanh qua đường ăn uống, bao gồm:
– Uống nước bẩn.
– Ăn đồ được xử lý bởi người nhiễm virus.
– Ăn thực phẩm sống trong nguồn nước ô nhiễm.
– Tiếp xúc gần với người nhiễm virus.
Lưu ý bệnh không lây qua hắt hơi hoặc ho và thời gian ủ bệnh kéo dài từ 15 – 50 ngày. Trong khoảng thời gian này, các triệu chứng sẽ dần xuất hiện bao gồm:
– Vàng da.
– Vàng mắt.
– Nước tiểu vàng đậm.
– Chán ăn.
– Chướng bụng.
– Buồn nôn.
– Nôn.
– Ngứa da.
– Đau khớp.
– Sốt kèm tiêu chảy.
– Mệt mỏi.
Trong một vài trường hợp, bệnh lý viêm gan A có thể gây mất chức năng gan đột ngột và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm ở người mắc bệnh gan mạn tính, người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu.
1.2. Vắc xin Avaxim
Vắc xin Avaxim được nghiên cứu, sản xuất bởi công ty Sanofi Pasteur (Pháp) là một loại vắc xin virus bất hoạt, có tác dụng tạo miễn dịch chủ động phòng ngừa viêm gan siêu vi A cho trẻ từ 12 tháng trở lên đến dưới 16 tuổi. Vắc xin dạng hỗn dịch tiêm được bảo quản trong nhiệt độ 2 – 8 độ C, không để đông và tránh ánh sáng.
Trẻ em sử dụng vắc xin Avaxim 80U với thành phần:
– 80 đơn vị kháng nguyên virus viêm gan siêu vi A bất hoạt.
– Hydroxide nhôm hấp phụ tương đương 0.15mg nhôm.
Người lớn sử dụng vắc xin Avaxim 160U với thành phần:
– 160 đơn vị kháng nguyên virus viêm gan siêu vi A bất hoạt.
– Hydroxide nhôm hấp phụ tương đương 0.3mg nhôm.
Ngoài ra vắc xin còn chứa các thành phần khác như phenoxyethanol, formaldehyde và môi trường Hanks 199.
2. Đối tượng, phác đồ tiêm và lưu ý khi sử dụng vắc xin viêm gan A Avaxim
2.1. Chỉ định sử dụng vắc xin viêm gan A Avaxim
Đối tượng
Vắc xin Avaxim được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em từ 12 tháng trở lên và dưới 16 tuổi. Bên cạnh đó vắc xin được khuyến khích sử dụng cho các đối tượng có nguy cơ cao như:
– Người du lịch tại khu vực có dịch viêm gan A.
– Người có nguy cơ lây nhiễm cao như bảo mẫu, nhân viên môi trường, người làm công việc liên quan đến chế biến, cung cấp thực phẩm, người thường xuyên phải truyền máu, người có quan hệ tình dục đồng giới,…
Phác đồ tiêm
Trẻ em từ 1 – 15 tuổi: Phác đồ tiêm 2 mũi cơ bản Avaxim 80U, mũi 2 cách mũi đầu 6 – 12 tháng.
Người từ 16 tuổi trở lên: Phác đồ tiêm 2 mũi cơ bản Avaxim 160U, mũi 2 cách mũi đầu 6 – 12 tháng.
Hướng dẫn tiêm
Vắc xin Avaxim tiêm bắp, khu vực cơ delta trên cánh tay, không tiêm vào mạch máu hoặc tiêm trong da.
Không trộn lẫn Avaxim và các loại vắc xin khác trong cùng một bơm tiêm.
Cần theo dõi và chuẩn bị sẵn thuốc cấp cứu đề phòng tình trạng xuất hiện phản ứng phản vệ sau tiêm.
2.2. Chống chỉ định sử dụng vắc xin viêm gan A Avaxim
Chống chỉ định tiêm vắc xin Avaxim với các đối tượng:
– Người dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong vắc xin, neomycin, polysorbate hoặc đã từng xuất hiện mẩn sau khi tiêm Avaxim.
– Người đang bị sốt.
– Người mắc bệnh cấp tính, mạn tính trong thời kỳ phát triển.
Thận trọng khi sử dụng vắc xin với các đối tượng:
– Người suy giảm miễn dịch.
– Người bị giảm tiểu cầu hoặc có nguy cơ xuất huyết có thể thực hiện tiêm dưới da để tránh nguy cơ chảy máu không ngừng.
– Người có phản ứng với Formaldehyde.
– Phụ nữ có thai nên cân nhắc kỹ lợi ích và nguy cơ trước khi tiêm vắc xin Avaxim.
Ngoài ra có thể sử dụng vắc xin Avaxim trong thời gian cho con bú và Avaxim ít có khả năng ảnh hưởng đến khả năng vận hành máy móc hoặc điều khiển phương tiện giao thông.
2.3. Lưu ý
Một số lưu ý khi sử dụng vắc xin Avaxim gồm:
– Tác dụng phòng bệnh của vắc xin có thể yếu đi nếu tiêm trong thời kỳ ủ bệnh.
– Quá trình đáp ứng miễn dịch có thể giảm nếu đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
– Vắc xin Avaxim có thể tiêm cùng lúc nhưng tại các vị trí khác nhau với vắc xin ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, Hib, thương hàn, vắc xin ngừa viêm gan B,…
– Có thể dùng globuline đồng thời với vắc xin Avaxim, tuy nhiên phải tiêm ở các vị trí khác nhau.
– Vắc xin Avaxim có thể được sử dụng cho mũi nhắc lại đối với các đối tượng đã từng tiêm ngừa viêm gan A với một loại vắc xin bất hoạt khác.
Bên cạnh đó một số phản ứng thường gặp sau tiêm bao gồm:
– Sưng đỏ, đau hoặc xuất hiện nốt cứng tại vị trí tiêm.
– Phản ứng toàn thân như nhức đầu, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, nôn ói, đau cơ hoặc các khớp, chán ăn, mất ngủ, suy nhược cơ thể và sốt nhẹ.
– Những triệu chứng ngoài da như nổi mề đay, phát ban ít xảy ra hơn.
Nhìn chung tất cả những phản ứng không mong muốn trên đều xảy ra ở mức vừa phải và thường tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên sau khi tiêm phòng tại các cơ sở tiêm, bạn cần ở lại theo dõi tối thiểu 30 phút, sau đó theo dõi tại nhà từ 24 – 48 tiếng. Nếu nhận thấy sự xuất hiện của những biểu hiện bất thường như sốt cao liên tục, tinh thần không tỉnh táo hoặc các phản ứng dị ứng nặng như khó thở, thở nhanh, tím tái, khò khè, nổi nhiều mề đay, khàn giọng, chóng mặt, da tái xanh, mạch đập nhanh, mệt mỏi, nôn ói,… thì cần qua ngay cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị kịp thời tránh tình trạng sốc phản vệ, dù tỉ lệ này rất hiếm.
Trên đây là những thông tin chung về vắc xin viêm gan siêu vi A Avaxim cũng như đối tượng khuyến cáo, phác đồ tiêm tương ứng và những lưu ý trước, trong, sau quá trình tiêm chủng. Hi vọng bài viết đã giải đáp được thắc mắc của bạn và hãy liên hệ Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI nếu bạn có câu hỏi khác về lĩnh vực sức khỏe nhé.