Lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng chủ yếu đến phổi và có thể dẫn tới gây tử vong. Theo nghiên cứu từ các chuyên gia y tế, biện pháp tốt nhất để phòng chống bệnh là tiêm vắc xin. Tiêm phòng lao thường được áp dụng với trẻ sơ sinh ngay trong tháng đầu sau sinh. Vậy khi tiêm phòng lao cho trẻ cha mẹ cần lưu ý những gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây về một số lưu ý khi tiêm vắc xin phòng bệnh lao cho trẻ sơ sinh nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tầm quan trọng của việc tiêm phòng lao phổi cho trẻ sơ sinh
Bệnh lao do trực khuẩn lao có tên là Mycobacterium Tuberculosis (MTB) gây nên. Đây là loại trực khuẩn có thể lây truyền qua không khí, tức là khi hít chung bầu không khí với người mắc bệnh lao thì nguy cơ mắc lao rất cao.
Khi bị nhiễm vi khuẩn lao, người bệnh dễ dẫn tới các biến chứng về phổi, và cũng có thể lây lan sang xương, hệ thần kinh, tim, màng não và các cơ quan khác.
Chính vì vậy, vắc xin lao được khuyến cáo tiêm cho trẻ vừa mới sinh ra, chưa tiếp xúc với trực khuẩn lao, ngay trong 24 giờ đầu tiên để tập dượt cho hệ miễn dịch nhanh chóng nhận diện, cô lập trực khuẩn lao tấn công hệ miễn dịch non nớt của trẻ.
2. Những thông tin cần biết về vắc xin phòng lao phổi BCG cho trẻ sơ sinh
2.1. Vắc xin phòng lao BCG là gì?
Vắc xin phòng lao BCG có chứa một dạng vi khuẩn gây bệnh lao đã được làm cho yếu đi, không gây bệnh cho người khỏe mạnh mà chỉ giúp cơ thể hình thành kháng thể trước căn bệnh này. Có thể hiểu đơn giản là khi đi vào cơ thể, vắc xin làm kích thích cơ chế hoạt động chủ động của hệ miễn dịch, giúp sản sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên BCG trong vắc xin phòng lao. Từ đó, việc tiêm phòng giúp trẻ hình thành kháng thể trước bệnh lao. Đây cũng được xem là giải pháp phòng ngừa tốt nhất.
Theo Thông tư số 38/2017/TT-BYT của Bộ Y tế Việt Nam về tiêm chủng thì vắc xin lao BCG là vắc xin bắt buộc phải tiêm phòng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
2.2. Chống chỉ định cần lưu ý khi tiêm vắc xin phòng lao phổi
Chỉ định hoãn tiêm cần lưu ý khi tiêm vắc xin phòng lao phổi BCG
Với những trường hợp sau, cha mẹ nên tạm thời hoãn tiêm cho đến khi trẻ khỏe mạnh hoặc đạt đủ điều kiện tiêm. Cụ thể:
– Trẻ đang mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính (viêm phổi, thương hàn, sởi,…) hoặc mới khỏi các bệnh nói trên, đang trong thời kỳ hồi sức.
– Trẻ đang bị sốt.
– Trẻ đang bị viêm da mủ hoặc bệnh lý chàm ngoài da.
– Đang hoặc vừa mới kết thúc đợt điều trị thuốc có chứa thành phần corticoid, globulin miễn dịch.
– Cân nặng dưới 2 kg.
– Trẻ có tuổi thai dưới 34 tuần cần tạm hoãn tiêm vắc xin BCG. Chỉ thực hiện tiêm chủng lao khi trẻ đủ 34 tuần tuổi (tính cả tuổi thai).
Chống chỉ định cần lưu ý khi tiêm vắc xin phòng lao phổi BCG
– Không tiêm vắc xin lao BCG cho trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV mà mẹ không được điều trị dự phòng tốt dẫn đến lây truyền từ mẹ sang con.
– Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn/chỉ dẫn của nhà sản xuất vắc xin.
2.3. Lịch tiêm cần lưu ý khi tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh
Đối với thời điểm tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh, các bác sĩ khuyến cáo nên cho trẻ tiêm ngay tháng đầu sau sinh và tốt nhất nên hoàn thành trước 28 ngày tuổi. Cụ thể:
– Với những trẻ có đủ sức khỏe tốt, phát triển ổn định, không phải chăm sóc đặc biệt sẽ được tiêm phòng lao ngay ngày đầu tiên sau sinh.
– Với những trẻ sinh non hoặc có bệnh lý cần chăm sóc đặc biệt, cần đợi cho đến khi trẻ có thể trạng ổn định mới nên tiêm phòng lao và phải tiến hành càng sớm càng tốt.
Nếu tiêm phòng muộn, nguy cơ mắc bệnh lao ở trẻ sơ sinh sẽ tăng lên. Thậm chí có thể mắc bệnh ngay trong những ngày đầu sau sinh bởi vì lúc này hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện không có đủ khả năng để bảo vệ trước sự tấn công của vi khuẩn lao.
3. Một số lưu ý khi tiêm vắc xin phòng bệnh lao phổi
3.1. Lưu ý trước khi tiêm vắc xin
– Cha mẹ cần lưu ý trước khi đưa trẻ đi tiêm phòng, cha mẹ không nên cho trẻ ăn, bú quá no. Tuy nhiên cũng không nên để trẻ đói vì như vậy dễ gặp tình trạng hạ đường huyết sau tiêm.
– Cho trẻ mặc trang phục thoải mái, gọn gàng để bác sĩ dễ thao tác trong quá trình khám và tiêm. Không nên để trẻ mặc quần áo quá bó, quá chật, ủ ấm quá nhiều.
– Cần chủ động thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của con mình như: tình trạng bệnh (nếu có), có sốt hay không, sinh non, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước. Ngoài ra, cha mẹ nên hỏi bác sĩ kỹ càng về loại vắc xin trẻ được tiêm.
3.2. Lưu ý sau khi tiêm vắc xin
– Trẻ sơ sinh sau khi tiêm cần lưu lại cơ sở tiêm phòng khoảng 30 phút để theo dõi các phản ứng của cơ thể, kịp thời xử lý các bất thường và tránh các tình huống nguy hiểm cho trẻ.
– Trong 4 ngày đầu sau tiêm, cha mẹ cũng cần theo dõi sức khỏe của con để sớm phát hiện các bất thường (nếu có) như: vết tiêm bị nhiễm trùng, nổi ban; tình trạng sốt, sưng đau, khóc, quấy, bú kém,… để đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất thăm khám và điều trị kịp thời.
– Cho trẻ ăn/bú bình thường sau tiêm.
– Khi trẻ sốt có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Trên đây là những lưu ý khi tiêm phòng vắc xin lao phổi cho trẻ sơ sinh dành cho cha mẹ. Cha mẹ nên cẩn trọng để đảm bảo quá trình tiêm chủng cho con trở nên an toàn nhất. Nếu còn những thắc mắc về vấn đề tiêm phòng lao cho trẻ, cha mẹ có thể liên hệ ngay với chúng tôi để được trợ giúp nhé!