Phẫu thuật u tuyến yên là phương pháp phổ biến để điều trị u tuyến yên, song cũng thường đi kèm với các rủi ro nghiêm trọng. Do đó “u tuyến yên có nên mổ không” vẫn là thắc mắc của nhiều người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp.
Menu xem nhanh:
1. Về u tuyến yên và phẫu thuật u tuyến yên
U tuyến yên (Adenoma) là một trong bốn loại u não thường gặp. Khối u là sự tăng trưởng của các tế bào thùy trước tuyến yên. Phần lớn các khối u tuyến yên là lành tính, phát triển chậm. Tuy nhiên, bệnh vẫn gây ra các rối loạn trong sản xuất hormone, dẫn đến các vấn đề về chức năng nội tiết của cơ thể. Trường hợp khối u lớn có thể chèn ép ảnh hưởng đến thị lực và các mô não xung quanh.
Điều trị u tuyến yên bằng phẫu thuật giúp loại bỏ khối u, tránh ảnh hưởng đến các vùng lân cận của não bộ và phục hồi chức năng tuyến này. Tùy vào tình trạng khối u (vị trí, kích thước, loại hormone sản xuất, ảnh hưởng của khối u đến cơ thể) mà bác sĩ sẽ chỉ định hình thức phẫu thuật phù hợp. Hiện nay, loại bỏ u tuyến yên có thể được thực hiện thông qua mổ nội soi đường xương bướm (dưới mũi), mổ nội soi qua sọ hoặc mở hộp sọ.
2. Người bệnh mắc u tuyến yên có nên mổ không?
2.1 U tuyến yên có nên mổ không – Lợi ích của phẫu thuật
Loại bỏ hoàn toàn khối u
Khi khối u gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và không thể được kiểm soát bằng điều trị nội khoa, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật với mục đích loại bỏ hoàn toàn khối u gây bệnh.
Giảm kích thước khối u và kiểm soát triệu chứng
Trường hợp khối u tuyến yên là lành tính, phẫu thuật có thể chỉ loại bỏ một phần khối u, giúp giảm kích thước và kiểm soát triệu chứng. Cách làm này chú trọng loại bỏ càng nhiều khối u càng tốt, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn. Phẫu thuật loại bỏ một phần u tuyến yên có thể được thực hiện bằng cách loại bỏ một phần của tuyến yên thông qua các phương pháp mổ nội soi.
Ngăn sản xuất hormone bất thường
Đối với khối u tuyến yên làm tăng tiết hormone quá mức, phẫu thuật còn giúp kiểm soát sản xuất hormone bất thường như: prolactin, cortisol hoặc hormone tăng trưởng GH.
Bảo toàn chức năng tuyến yên
Bên cạnh loại bỏ khối u, điều trị bằng phẫu thuật trong một số trường hợp còn nhằm mục tiêu đảm bảo tuyến yên có khả năng sản xuất các hormone cần thiết sau phẫu thuật, duy trì, phục hồi năng tổng thể của tuyến yên.
Cần lưu ý, mục tiêu phẫu thuật và kết quả đạt được còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh. Điều này sẽ được đánh giá chính xác bởi bác sĩ khi người bệnh thăm khám chuyên khoa.
2.2 U tuyến yên có nên mổ không – Những rủi ro thường gặp
Tương tự các cuộc phẫu thuật khác, phẫu thuật u tuyến yên cũng không loại trừ nguy cơ xảy ra rủi ro sau điều trị. Tuy nhiên, dựa trên các đánh giá về tình trạng bệnh lý, bác sĩ sẽ quyết định đâu là phương pháp tối ưu để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân.
Dưới đây là một số nguy cơ liên quan đến phẫu thuật u tuyến yên người bệnh có thể gặp phải:
Nguy cơ nhiễm trùng
Nhiễm trùng vết mổ và bên trong cơ thể là một trong những rủi ro thường gặp trong thời gian hậu phẫu. Để giảm nguy cơ nhiễm trùng, người bệnh cần duy trì vệ sinh và theo dõi tình trạng sau mổ sát sao.
Sưng và đau sau phẫu thuật
Tương tự, sưng đau tại vùng cắt da (vết mổ) có thể xảy ra. Đây thường là vấn đề tạm thời, tùy nhiên nếu quá mức chịu đựng, người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê đơn giảm đau.
Thay đổi chức năng tuyến yên
Quá trình phẫu thuật loại bỏ u tuyến yên có thể gây ra những tổn thương nhất định đến tuyến yên, dẫn đến những thay đổi chức năng tuyến nội tiết này. Đây cũng là lý do ngoài mục tiêu loại bỏ khối u, các bác sĩ luôn cố gắng bảo toàn, duy trì chức năng của tuyến yên trong phạm vi có thể.
Rủi ro tổn thương các mô, cơ quan lân cận
Tuyến yên là một phần của não bộ nơi có hệ thống dây thần kinh và mạch máu vô cùng phức tạp. Do đó, phẫu thuật u tuyến yên vô hình chung có thể ảnh hưởng đến các cơ quan này. Các bác sĩ cần dự đoán và cân nhắc các yếu tố nguy cơ để đảm bảo quá trình phẫu thuật diễn ra an toàn.
Dị ứng với chất gây tê, gây mê
Một số người bệnh mắc u tuyến yên có thể bị dị ứng với hóa chất gây tê, gây mê được sử dụng trước và trong quá trình phẫu thuật.
Rối loạn nội tiết sau mổ u tuyến yên
Mổ u tuyến yên trong một số trường hợp có thể gây rối loạn nội tiết như thay đổi về cân nặng, tăng khả năng hấp thụ và dự trữ chất béo hoặc liên quan đến sản xuất quá ít hoặc quá nhiều hormone.
Nguy cơ tử vong
Đây là rủi ro hiếm gặp tuy nhiên vẫn có thể xảy ra, đặc biệt với các trường hợp khối u có tính chất phức tạp, biến chứng.
3. Phẫu thuật u tuyến yên diễn ra như thế nào?
Trước hết, cần đảm bảo chỉ định phẫu thuật u tuyến yên được đưa ra là phương án khả thi nhất để đảm bảo sức khỏe của người bệnh. Đánh giá này được bác sĩ dựa trên kết quả chụp cộng hưởng từ MRI tuyến yên.
Trước khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm máu, X-quang ngực và điện tâm đồ (ECG) một lần nữa để đảm bảo đủ điều kiện gây mê.
Có nhiều cách khác nhau để thực hiện phẫu thuật u tuyến yên, trong đó 3 phương pháp phổ biến bao gồm: phẫu thuật nội soi qua đường bướm (xuyên qua mũi), phẫu thuật nội soi xuyên sọ, phẫu thuật mở hộp sọ. Tùy vào tình trạng khối u mà bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh lựa chọn phương pháp phù hợp.
Phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê toàn thân và thường diễn ra trong khoảng từ 1-2h.
Nói tóm lại “U tuyến yên có nên mổ không” chỉ nên được quyết định sau khi người bệnh có sự thảo luận chi tiết với bác sĩ dựa trên những đánh giá toàn diện về sức khỏe và nguyện vọng của bệnh nhân. Liên hệ Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc để được tư vấn sớm nhất.