U mỡ vàng ở mắt: Nhận biết và điều trị

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Khởi phát do rối loạn chuyển hóa lipid, u mỡ vàng ở mắt không nguy hiểm nhưng gây mất thẩm mỹ trầm trọng. Chính vì vậy, 100% bệnh nhân u mỡ vàng đều mong muốn nhanh chóng giải quyết dứt điểm chúng. Trong bài viết này, Thu Cúc TCI xin chia sẻ với bạn mọi thông tin cơ bản về u mỡ vàng, để từ đó bạn có thể nhận biết và điều trị hiệu quả bệnh lý này.

1. Khái niệm bệnh lý u mỡ vàng

U mỡ vàng là những u nhỏ hoặc những mảng thâm nhiễm màu vàng. U mỡ vàng có thể mọc ở mọi vị trí trên mí mắt nhưng xuất hiện chủ yếu ở mí trên khóe mắt trong. Hình thái của chúng tương đối đa dạng. Trong một số trường hợp, chúng mềm và mịn. Trong một số trường hợp khác, chúng lại cứng và sần sùi (do chứa canxi).

U mỡ vàng là những u nhỏ hoặc những mảng thâm nhiễm màu vàng

U mỡ vàng xuất hiện chủ yếu ở mí trên khóe mắt trong

2. Nguyên nhân và cơ chế khởi phát bệnh lý u mỡ vàng ở mắt

Là hệ quả của tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid, u mỡ vàng thường phát sinh ở bệnh nhân tăng mỡ máu type II và IV. Cụ thể, cơ chế sinh u mỡ vàng được xác định như sau:

Lipid được vận chuyển trong máu dưới dạng các lipoprotein. Lipoprotein được phân loại thành: Lipoprotein trọng lượng rất thấp (VLDL), lipoprotein trọng lượng thấp (LDL), lipoprotein trọng lượng cao (HDL). Trong đó, HDL chịu trách nhiệm chống lắng đọng lipid tại mô. Thế nên, khi HDL thấp, LDL cao, tại mô sẽ diễn ra hiện tượng lắng đọng lipid, dẫn đến hiện tượng lượng lipid lắng đọng này bị thực bào thành bọt bào bởi các đại thực bào. Nhiều bọt bào ứ đọng trong mô sẽ tạo ra u mỡ vàng.

Ngoài nguyên nhân chính là rối loạn chuyển hóa lipid, u mỡ vàng cũng có thể xuất hiện ở những người mỡ máu bình thường nhưng HDL thấp. Trong trường hợp này, HDL thấp là do rối loạn chuyển hóa tại chỗ có phản ứng viêm và tăng tính thấm thành mạch tại chỗ.

Bên cạnh đó, những người xơ gan – mật nguyên phát, đái tháo đường, cao huyết áp, thừa cân, hút thuốc lá, ăn kiêng thiếu dinh dưỡng và ít vận động,… cũng có nguy cơ bị u mỡ vàng cao hơn những người còn lại.

3. Biến chứng bệnh lý u mỡ vàng

Như đã chia sẻ phía trên, u mỡ vàng không nguy hiểm: Chúng không đau, ít ảnh hưởng đến thị lực. Sụp mí là biến chứng tồi tệ nhất của chúng. Tuy nhiên, bệnh nhân sụp mí vì u mỡ vàng cũng rất hiểm. Mặc dù vậy, nhiều nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng, u mỡ vàng là một yếu tố tiên lượng thiếu máu cơ tim, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim,…. độc lập với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như nồng độ cholesterol, triglycerid huyết tương.

Người tăng huyết áp có nguy cơ bị u mỡ vàng ở mắt cao hơn

Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ của bệnh lý u mỡ vàng

4. Điều trị bệnh lý u mỡ vàng

U mỡ vàng có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp. Hiện nay, 2 phương pháp điều trị u mỡ vàng được chỉ định nhiều nhất là bóc vỏ bằng hóa chất và cắt bỏ bằng phẫu thuật.

4.1. Điều trị u mỡ vàng ở mắt bằng hóa chất

Bóc vỏ u mỡ vàng bằng hóa chất là phương pháp an toàn, được ưu tiên chỉ định cho hầu hết các trường hợp và có thể được thực hiện tại nhà bởi bệnh nhân. Phương pháp này được tiến hành như sau: Áp một mảnh giấy tẩm hóa chất lên u mỡ vàng, giữ nguyên cho đến khi nó khô. Trong khoảng nửa giờ sau khi áp hóa chất, u mỡ vàng sẽ chuyển sang màu trắng; sau đó chuyển sang màu đỏ và bắt đầu bong. Trong quá trình này, bệnh nhân tuyệt đối không chạm cũng như chủ động bóc u mỡ vàng.

4.2. Điều trị u mỡ vàng ở mắt bằng phẫu thuật laser

Ngoài bóc vỏ bằng hóa chất, cắt bỏ u mỡ vàng bằng laser cũng là phương pháp được tin tưởng lựa chọn phổ biến hiện nay. Phương pháp này có thời gian thực hiện ngắn, chỉ 15 – 20 phút; ít gây đau, ít gây chảy máu trong và sau phẫu thuật, ít gây biến chứng và không để lại sẹo. Theo đó, phẫu thuật cắt bỏ u mỡ vàng bằng laser được tiến hành như sau: Đầu tiên, bệnh nhân được gây tê tại chỗ. Sau đó, laser cài đặt sẵn sẽ bắt đầu xử lý u mỡ vàng, chậm rãi, từ lớp ngoài đến lớp trong, cho đến khi toàn bộ u mỡ vàng bị cắt bỏ. Khi laser làm nhiệm vụ của mình, bệnh nhân được đeo kính bảo vệ để đảm bảo mắt không bị tác động tiêu cực bởi laser.

5. Phòng ngừa bệnh lý u mỡ vàng

Theo chuyên gia nhãn khoa, u mỡ vàng hoàn toàn có thể tái phát. Để hạn chế tối đa nguy cơ đó, cũng là để hạn chế tối đa nguy cơ mắc u mỡ vàng ngay từ đầu, bạn phải:

– Ăn uống lành mạnh: Tăng cường dung nạp thực phẩm dồi dào chất xơ hòa tan có khả năng giảm cholesterol như các loại đậu, yến mạch, gạo lứt, cam, quýt, bưởi,…. Bên cạnh đó, hạn chế dung nạp thực phẩm dồi dào chất béo bão hòa như thịt bò, thịt lợn, dừa, dầu cọ,… Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng quế, hạt cỏ cà ri, hành tím, tỏi, dầu thầu dầu,… – đây đều là những thực phẩm đã được chứng minh là có thể ngăn ngừa u mỡ vàng tương đối hiệu quả.

Ăn gạo lứt để hạn chế u mỡ vàng tái phát

Có thể phòng ngừa u mỡ vàng tái phát bằng cách tăng cường ăn gạo lứt

– Vận động điều độ: Mỗi ngày ít nhất 30 phút, bạn nên tập thể dục. Một số bộ môn bạn có thể tham khảo là: Chạy bộ, đạp xe, bơi, chơi thể thao,…

– Thăm khám sức khỏe định kỳ với chuyên gia: Để nắm rõ chỉ số lipid máu của bản thân và kịp thời kiểm soát nếu chỉ số này đang ở mức báo động, đe dọa khởi phát u mỡ vàng. Không những thế, thăm khám sức khỏe định kỳ với chuyên gia cũng là cách toàn diện nhất để bảo vệ bản thân trước những bệnh lý nguy hiểm hơn nhiều so với u mỡ vàng.

Như vậy, bài viết này đã chia sẻ với bạn các thông tin về khái niệm, nguyên nhân, cơ chế, biến chứng, điều trị và phòng ngừa bệnh lý u mỡ vàng ở mắt. Hy vọng rằng với chúng, bạn sẽ có cho mình một đôi mắt luôn khỏe và đẹp. Để biết thêm thông tin chi tiết, liên hệ Thu Cúc TCI, bạn nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital