Bệnh u vàng mi mắt và những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

U vàng mi mắt là một bệnh phổ biến, tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng lại là dấu hiệu của nhiều vấn đề khác. Bệnh này không ảnh hưởng đến thị lực của người mắc nhưng lại làm mất thẩm mỹ và trong một vài trường hợp u vàng lại là lời cảnh báo những dấu hiệu về các vấn đề nghiêm trọng có liên quan đến sức khỏe.

1. Những thông tin về bệnh u vàng

1.1. Bệnh u vàng mi mắt là gì?

Tình trạng u vàng mi  không phải hiếm gặp. Hiện tượng cholesterol lắng đọng dưới da chính là bệnh u vàng mắt (ban vàng mi mắt) có tên y học là Xanthelasma. U có màu vàng, bằng phẳng, ấn vào thấy mềm và không nhập vào với vùng da xung quanh. U thường xuất hiện ở mi mắt trên hoặc xung quanh mí mắt. U có thể phát triển rất chậm, theo thời gian không tăng nhiều kích thước và có tính di truyền. Ở một vài trường hợp, u vàng là dấu hiệu của lượng cholesterol máu cao, bao gồm cả nguy cơ gây xơ vữa động mạch.

u vàng mi mắt

Bệnh u vàng ở mắt không nguy hiểm cho mắt

Bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa lipid gây nên tình trạng u vàng ở mi mắt. U vàng là những khối thương tổn có kích thước nhỏ, còn ban vàng thường là những thâm nhiễm, không nổi cao lên trên bề mặt da.

1.2. Dấu hiệu của u vàng mi mắt

Khi một người mắc u vàng mi mắt sẽ quan sát thấy được những mảng da màu vàng nổi lên ở vùng mí mắt , xung quanh mắt đối xứng qua sống mũi cả ở mí trên và dưới.
Việc xuất hiện u vàng sẽ không làm ảnh hưởng gì đến mắt và các chức năng chớp mắt, nhắm mở của mắt. Tuy phát triển chậm nhưng không phải là không phát triển. Vì thế khi lan dần to ra theo thời gian, những u vàng này có thể gây mất thẩm mỹ cho người mắc. Nếu muốn cải thiện hoặc khỏi hẳn tình trạng này thì cần phải đi bác sĩ để xử lý và can thiệp kịp thời.

1.3. Nguyên nhân của bệnh

Lipit là một loại chất không tan được trong nước, ở trong máu chúng được vận chuyển và có tên gọi là lipoprotein. Chúng ta có thể hiểu đơn giản trong máu có lipoprotein trọng lượng cao, được gọi là HDL và trọng lượng thấp là LDL. Trong đó HDL để chống lại việc lắng đọng lipid tại các cơ quan trong cơ thể. Trong trường hợp LDL cao và HDL thấp thì lipid sẽ bị lắng đọng lại ở các mô. Ngay say đó sẽ hình thành nên một chuỗi các chuyển hóa của cơ thể và tạo ra các u vàng ở mắt.

Có nhiều nguyên nhân gây nên sự bất cân đối giữa LDL và HDL như tính chất di truyền, uống một số loại thuốc gây ra rối loạn mỡ trong máu, do sự rối loạn chuyển hóa…

Ngoài ra, có một số thống kê cho thấy bệnh u vàng mi mắt thường xảy ra khi người mắc có chỉ số về cholesterol cao, những bệnh liên quan đến gan mật.

2. Điều trị bệnh như thế nào?

2.1. Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ điều trị u vàng mắt?

Những dấu hiệu của bệnh cần phải đến bác sĩ

Như đã phân tích ở trên u vàng có liên quan khá mật thiết với tình trạng cholesterol xấu bị tăng lên của người bệnh. Vì thế khi đã xuất hiện u vàng ở mắt có nghĩa là lượng cholesterol đã bắt đầu tích tụ ở trong máu.

Nếu bỏ qua những lời cảnh bảo từ tình trạng u vàng, những mảng bám trên các mao mạch sẽ hình thành ngày một nhiều hơn và có thể dẫn đến xơ vữa động mạch hoặc nhiều những biến chứng rất nguy hiểm khác như bệnh tim hoặc có thể là đột quỵ.

u vàng mi mắt

U vàng mắt có thể là dấu hiệu của các bệnh liên quan tim mạch

Chính vì vậy những người bắt đầu bỗng nhiên xuất hiện tình trạng u vàng mi mắt nên nhanh chóng sớm đến bác sĩ để được làm các xét nghiệm kiểm tra tình trạng mỡ máu và các vấn đề khác. Đồng thời cũng nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa mắt để được kiểm tra tình trạng này.

2.2. Phương pháp điều trị bệnh

Có nhiều cách để điều trị tình trạng u vàng trên mi mắt nhưng thường được sử dụng phổ biến nhất là bóc bỏ bằng hóa chất và cắt bỏ bằng phẫu thuật.

– Phương pháp dùng hóa chất điều trị u vàng

Cách này sẽ được thực hiện tại nhà hoặc đến phòng khám để tiến hành như sau: Dùng miếng giấy có tẩm hóa chất chuyên trị đặc biệt áp vào da. Sau khi có hóa chất, vùng da được áp sẽ chuyển sang màu trắng trong khoảng 30 phút. Sau đó vùng da đó sẽ chuyển sang màu hơi đỏ và bắt đầu xuất hiện hiện tượng đóng vảy. Lưu ý khi thấm miếng giấy vào da là bệnh nhân cần giữ yên miếng giấy cho đến khi khô đi để không gây ra nguy hiểm cho mắt.

Sau khi vùng da đóng vảy, không được tự ý bóc lớp vảy đi mà cần đợi thời gian, khoảng tuần 1 tuần sau, lớp vảy đó sex tự tróc ra hết. Phần vảy bong ra sẽ bao gồm cả da và lớp u vàng.

Phương pháp dùng hóa chất này có thể loại bỏ được hoàn toàn u vàng và khá an toàn cho da.

– Phẫu thuật bằng dao mổ

Cách này sẽ sử dụng dao mổ để loại bỏ lớp u vàng trên mắt đi và khâu lại. Cách này có hiệu quả trong loại bỏ u vàng mi mắt nhưng cần gây tê và có thể để lại sẹo. Ngoài ra, việc phẫu thuật bằng dao mổ có thể có nguy cơ nhiễm trùng và để lại sẹo ở vùng quanh mắt khá giống nếp nhăn, rất mất thẩm mỹ.

– Phẫu thuật bằng laser để loại bỏ u vàng

Dùng laser để loại bỏ u vàng là phương pháp khá tối ưu khi không để lại sẹo mắt, rất ít nguy cơ nhiễm trùng, ít gây ra chảy máu trong và sau khi phẫu thuật. Phương pháp này còn có tính chính xác cao và không gây sẹo sau khi phẫu thuật. Hiện nay, đây là phương pháp được đánh giá cao nhất và được nhiều bác sĩ khuyên dùng nhất.

Các bác sĩ chuyên khoa hiện nay cũng được đào tạo khá kỹ lưỡng trong việc sử dụng laser để loại bỏ u vàng. Máy laser sẽ được thiết lập sao cho chỉ loại bỏ phần ngoài cùng của da mà không đi sâu vào lớp bên trong da. Trong lúc phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ. Quá trình phẫu thuật diễn ra chậm rãi cho đến khi khối u được loại bỏ hoàn toàn. Vì tia laser không đi qua sâu vào trong da nên sẽ không để lại nhiều tổn thương, không để lại sẹo sau này. Trong thời gian phẫu thuật, bệnh nhân cũng được đeo kính để tránh tổn thương đến mắt.

u vàng mi mắt

Phẫu thuật là một trong các phương pháp giải quyết u vàng

– Phương pháp giúp đóng băng các mảng bám cholesterol

Sử dụng liệu pháp đông lạnh để đóng băng các mảng bám cholesterol và làm cho sắc tố ra ở khu vực có u vàng giảm đi.

Sau những biện pháp điều trị u vàng trên, bệnh nhân vẫn nên đi khám tổng thể các bệnh có liên quan đến lipid trong máu để xác định khả năng bị những bệnh khác như tim mạch và có hướng điều trị kịp thời nếu chẳng may mắc bệnh.

– Cách phòng ngừa bệnh u vàng ở mi mắt

Không có cách để hoàn toàn ngăn chặn vấn đề này. Tuy nhiên vẫn có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh khi chú trọng giải quyết những nguyên nhân cốt lõi gây bệnh. Đó là:

+ Kiểm soát lượng đường và nồng độ lipid trong máu

+ Kiểm soát hàm lượng cholesterol trong mức độ cho phép

+ Thực hiện việc định kỳ 1 năm/ lần hoặc 6 tháng/lần để kiểm tra các vấn đề về sức khỏe.

Trên đây là những thông tin về căn bệnh u vàng mi mắt, mong rằng bài viết sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích giúp cho mọi người có thể yên tâm hơn và tìm ra cách điều trị bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital