Polyp túi mật đa phần là lành tính, tuy nhiên một tỷ lệ nhỏ có nguy cơ phát triển thành ung thư. Ngay khi phát hiện các triệu chứng polyp túi mật, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm polyp túi mật
Polyp túi mật là tổn thương trên bề mặt niêm mạc túi mật có dạng u hoặc giả u. Đây là tổ chức xuất phát từ thành túi mật và lồi vào trong lòng túi mật. Bệnh lý này khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi và giới tính, phổ biến nhất là ở người trưởng thành từ 30 – 50 tuổi.
Trong cộng đồng có khoảng 0,3% – 9% dân số mắc polyp túi mật, phần lớn ở dạng lành tính. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ nhỏ polyp túi mật tiến triển ác tính và đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Do đó, người bệnh cần thăm khám thường xuyên để theo dõi diễn tiến của polyp.
HIện nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định nguyên nhân chính xác gây polyp túi mật. Một số yếu tố được cho là nguy cơ hình thành polyp túi mật gồm: suy giảm chức năng gan; béo phì; nhiễm virus viêm gan; nồng độ đường máu, mỡ máu cao; thói quen ăn uống không điều độ;…
2. Phân loại polyp túi mật
Polyp túi mật bao gồm các thể dưới đây:
– Polyp thể cholesterol: Là dạng phổ biến nhất của polyp túi mật, là đa polyp có đường kính nhỏ hơn 10mm. Polyp được hình thành do sự lắng đọng cholesterol trên thành túi mật. Thể polyp nào có thể phát hiện dễ dàng qua siêu âm.
– Polyp túi mật thể viêm: Bản chất của dạng polyp này là mô xơ sẹo hình thành từ các tổn thương viêm mạn tính trên thành túi mật. Chúng thường có chân rộng, đường kính dưới 10mm và không gây ung thư.
– Polyp thể u tuyến: Đây là một dạng tổn thương tiền ung thư, có cuống hoặc không cuống, kích thước khoảng 5 – 20mm. Polyp túi mật thể u tuyến xuất hiện đơn lẻ, liên quan đến sỏi túi mật hoặc bệnh lý viêm túi mật mạn tính.
– Polyp thể phì đại cơ tuyến: Thường nằm ở đáy túi mật, xuất hiện đơn lẻ và có thể phát triển thành ung thư. Tỷ lệ mắc polyp phì đại cơ tuyến tăng dần theo tuổi tác.
3. Dấu hiệu nhận biết polyp túi mật
3.1. Triệu chứng polyp túi mật
Phần lớn người mắc polyp túi mật không có biểu hiện rõ nét. Hầu hết trường hợp chỉ tình cờ phát hiện bệnh trong quá trình khám sức khỏe định kỳ. Một số triệu chứng cảnh báo polyp bao gồm:
– Nôn và buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu.
– Đau tức nhẹ khi ấn vào vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải, cơn đau thường xuất hiện sau khi ăn.
– Rối loạn bài tiết, dịch mật bài xuất tại lòng túi mật, kèm theo đó là sỏi túi mật hoặc viêm túi mật.
3.2. Triệu chứng polyp túi mật nguy hiểm
Dù polyp túi mật đa phần là lành tính, nhưng một số dạng polyp vẫn có khả năng ung thư hóa. Dưới đây là các triệu chứng nguy hiểm của bệnh, người bệnh cần đặc biệt cảnh giác:
– Polyp có kích thước lớn hơn 10mm, đặc biệt polyp từ 18mm trở lên có nguy cơ ác tính rất cao.
– Kích thước polyp tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.
– Người bệnh mắc polyp túi mật có độ tuổi từ 50 trở lên.
– Polyp không có cuống có nguy cơ ung thư cao hơn polyp có cuống.
– Polyp túi mật xuất hiện kèm sỏi túi mật.
– Người bệnh mắc viêm túi mật mạn tính: Trường hợp này cần phẫu thuật polyp càng sớm càng tốt bất kể kích thước, hình dạng của polyp.
4. Chẩn đoán polyp túi mật
Polyp túi mật không có biểu hiện lâm sàng thật sự rõ nét. Do đó, để chẩn đoán bệnh lý này, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp sau:
– Xét nghiệm sinh hóa đánh giá chức năng gan mật, chẩn đoán virus viêm gan (đặc biệt là viêm gan B, C), miễn dịch u (CEA, CA 19-9),…
– Siêu âm ổ bụng, siêu âm gan mật: Giúp phát hiện vị trí polyp túi mật, hình dạng, kích thước để theo dõi tiến triển của polyp. Trên siêu âm, hình ảnh polyp thường tăng âm, không có bóng cản. Hạn chế của siêu âm là không phân biệt được polyp lành tính hay ác tính. Chính vì vậy, người bệnh cần thực hiện thêm các kỹ thuật bên dưới.
– Nội soi mật tụy ngược dòng (Endoscopic Retrograde Cholangiopancreatography – ERCP).
– Chụp đường mật qua đường uống có cản quang.
– Chụp cắt lớp vi tính phát hiện được polyp túi mật ác tính với hình ảnh khối tăng tỷ trọng lồi ra trong lòng túi mật.
– Chụp cộng hưởng từ MRI có thể xác định polyp ác tính qua hình ảnh khối tăng tín hiệu ở thì T2.
5. Hướng điều trị polyp túi mật
Hiện nay có hai phương pháp chính điều trị polyp túi mật là theo dõi định kỳ hoặc mổ polyp túi mật. Túi mật cũng như hệ thống đường dẫn mật có vai trò điều hòa bài tiết mật để tiêu hóa thức ăn. Cơ quan này không thể tùy tiện cắt bỏ nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Số liệu thống kê cho thấy hơn 90% polyp túi mật là lành tính nên người bệnh không cần thực hiện phẫu thuật. Polyp có kích thước nhỏ hơn 1cm hoặc trường hợp nghi ngờ polyp cần theo dõi và kiểm tra định kỳ 3 – 6 tháng.
Polyp từ 1cm trở lên, đặc biệt là lớn hơn 1.5cm, sẽ có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Để ngăn chặn sự phát triển của ung thư trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ túi mật.
Kỹ thuật phẫu thuật cắt túi mật nội soi là phương pháp được ưu tiên sử dụng. Đây là phương pháp được đánh giá là an toàn, giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Cắt túi mật nội soi ít ảnh hưởng đến cơ thể người bệnh, giảm cảm giác đau và rút ngắn thời gian hồi phục.
Song song với việc theo dõi hoặc phẫu thuật, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh về chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học để hỗ trợ tối đa hiệu quả điều trị.
Như vậy, các triệu chứng polyp túi mật đã được nêu rõ trong bài viết trên đây. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo bệnh, hãy thăm khám với bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị phù hợp.