Triệu chứng gan nhiễm mỡ ở từng giai đoạn 

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ trong gan vượt 5 – 10% trọng lượng của gan, làm ảnh hưởng tới chức năng gan, có thể gây xơ gan, viêm gan, ung thư gan. Nhận biết triệu chứng bệnh là vô cùng quan trọng. Vậy triệu chứng gan nhiễm mỡ ở từng giai đoạn như thế nào? Cách sống chung an toàn với bệnh gan nhiễm mỡ ra sao?

1. Gan nhiễm mỡ 

Chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, mệt mỏi... là những triệu chứng gan nhiễm mỡ thường gặp

Chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, mệt mỏi… là những triệu chứng gan nhiễm mỡ thường gặp

Lượng mỡ trong gan ở người bình thường chỉ chiếm 2 – 4% trọng lượng gan, thì mọi hoạt động của gan vẫn diễn ra bình thường. Gan là tạng lớn thứ 2 trong cơ thể, xử lý tất cả những thức ăn, nước uống chúng ta nạp vào. Gan lọc ra những chất độc trong, đào thải ra ngoài, đưa dinh dưỡng nuôi cơ thể. Khi lượng mỡ trong gan quá nhiều, chức năng gan sẽ bị ảnh hưởng. Gan có thể tự phục hồi bằng cách tạo ra các tế bào mới, thay thế các tế bào bị tổn thương. Tuy nhiên, khi cơ thể liên tục nạp vào chất độc hại, thời gian hồi phục của gan không đủ, các tế bào liên tục bị tổn thương thì sẽ hình thành sẹo, gây xơ hóa gan, gây nên bệnh ở gan.

2. Triệu chứng điển hình của gan nhiễm mỡ như thế nào?

2.1 Triệu chứng gan nhiễm mỡ ở giai đoạn 1

Ở giai đoạn đầu, gan nhiễm mỡ không có triệu chứng nào rõ ràng. Bệnh nhân chỉ thấy bụng hơi khó chịu, ấm ách. Khi đi khám, bác sĩ sẽ kiểm tra thấy gan hơi to hơn bình thường một chút. Khi lượng mỡ trong gan tích tụ nhiều hơn, sẽ gây nên một số triệu chứng như:

– Chán ăn, ăn không ngon

– Sụt cân không chủ đích

– Mệt mỏi, hơi vàng da nhẹ

Lúc này, lượng mỡ trong gan chiếm khoảng 5 – 10% trọng lượng gan. Giai đoạn này là giai đoạn nhẹ, lành tính, không ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan, người bệnh không có triệu chứng nào điển hình.

2.2 Triệu chứng gan nhiễm mỡ ở giai đoạn 2

Giai đoạn này, lượng mỡ trong gan đã chiếm từ 10 – 20% tổng trọng lượng gan. Lượng mỡ đã xuất hiện trên nhu mô gan, cơ hoành. Người bệnh bắt đầu có những triệu chứng rõ nét hơn:

– Chán ăn, ăn không ngon

– Đầy bụng, khó tiêu

– Buồn nôn, nôn

– Cảm thấy cơ thể mệt mỏi thường xuyên, suy nhược cơ thể

Triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với những bệnh khác, người bệnh chủ quan với bệnh, không thay đổi thói quen ăn uống, rất dễ khiến bệnh tình phát triển nặng thêm.

2.3 Gan nhiễm mỡ giai đoạn 3

Lúc này, tình trạng mỡ trong gan chiếm khoảng 30% trọng lượng gan. Nhu mô mỡ lây lan tăng lên nhanh chóng và rõ rệt. Giai đoạn 3 biểu hiện đặc trưng bởi các đặc điểm:

– Bệnh nhân đau đau tức hạ sườn bên phải

– Vàng da, củng mạc mắt vàng

– Mạch máu nổi lên trên da

– Cơ thể mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon miệng, sụt cân nhanh chóng

– Nam giới phát triển tuyến vú, rối loạn cương dương, teo tinh hoàn. Còn phụ nữ có hiện tượng mãn kinh sớm, giảm ham muốn, rối loạn kinh nguyệt, rong kinh.

Đây là giai đoạn này là giai đoạn nguy hiểm nhất của gan nhiễm mỡ. Gan bị tấn công mạnh, chức năng gan suy giảm, biến chứng thành xơ gan, ung thư gan diễn biến nhanh chóng.

Triệu chứng gan nhiễm mỡ ở giai đoạn 3 trở nên rầm rộ

Dấu hiệu bệnh gan nhiễm mỡ ở giai đoạn 3 trở nên rầm rộ

3. Nguyên nhân gan nhiễm mỡ

Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến gan nhiễm mỡ là do rượu. Ngoài ra, còn số một số trường hợp có thể do:

– Mỡ máu cao, Cholesterol, triglycerid tăng cao (do chế độ ăn uống thiếu khoa học, nhiều dầu mỡ…)

– Béo phì, cân nặng quá khổ, lượng thức ăn nạp vào quá nhiều

– Tiểu đường (người bệnh bị rối loạn chuyển hóa, có liên quan mật thiết đến gan nhiễm mỡ)

– Biến đổi gen di truyền (một số người cơ thể sản sinh quá nhiều mỡ, khiến lượng mỡ chuyển hóa không kịp, tích trữ trong tế bào gan)

– Giảm cân nhanh, suy dinh dưỡng (một số chế độ giảm cân nhanh có thể làm tình trạng chức năng gan suy giảm)

– Tác dụng phụ của thuốc như: Aspirin, Acetaminophen, Tetracycline, Steroids, Tamoxifen… Khi người bệnh sử dụng quá nhiều có thể gây rối loạn chuyển hóa, gan nhiễm mỡ.

– Mang thai (Sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai cũng có thể dẫn tới tình trạng gan nhiễm mỡ)

– Hội chứng rối loạn chuyển hóa

Khi có triệu chứng gan nhiễm mỡ hãy đến thăm khám để được bác sĩ tư vấn kịp thời

Khi có dấu hiệu gan nhiễm mỡ, hãy đến thăm khám để được bác sĩ tư vấn kịp thời

4. Sống chung an toàn với bệnh gan nhiễm mỡ 

Nếu bạn không may bị gan nhiễm mỡ, thì đừng quá lo lắng hãy làm theo những hướng dẫn dưới đây. Chỉ số gan nhiễm mỡ sẽ giảm theo thời gian lúc nào không hay biết.

4.1 Chế độ dinh dưỡng

Hạn chế ăn đồ ăn có nhiều dầu mỡ, đặc biệt là mỡ động vật. Hãy hạn chế tối đa lượng những món chiên rán, thay mỡ động vật bằng dầu thực vật. Hãy ăn đồ luộc hấp nhiều hơn đồ chiên xào. Uống đủ nước để giúp gan thận hoạt động tốt hơn. Duy trì lượng đạm trong ngày ổn định, không tăng quá nhiều trong một ngày. Tăng cường đạm từ thực vật hoặc đạm từ thịt trắng (cá, trứng, thịt gà …) tốt hơn là từ thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn…).

4.2 Tránh xa đồ uống có cồn

Rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, hít bóng cười… đều là những chất gây độc cho gan thận. Sử dụng liên tục sẽ gây tổn thương cho tế bào gan thận, tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ.

4.3 Kiểm soát bệnh nền

Đối với những bệnh nhân bị bệnh nền tiểu đường, mỡ máu cao thì việc kiểm soát chỉ số này trong ngưỡng an toàn là cực kỳ quan trọng. Rối loạn chuyển hóa insulin và rối loạn lipid máu liên quan mật thiết đến gan nhiễm mỡ.

4.4 Duy trì cân nặng ngưỡng an toàn

Duy trì BMI của cơ thể trong ngưỡng từ 18,5 đến 23 giúp người bệnh giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ. Giảm cân lành mạnh bằng luyện tập và ăn uống giúp người bệnh giảm mỡ máu an toàn, giảm lượng mỡ trong gan mà không làm suy giảm chức năng gan.

4.5 Tập thể dục điều độ

Tập thể dục hằng ngày giúp cơ thể linh hoạt, xương khớp dẻo dai, tăng đàn hồi thành mạch. Đặc biệt, giúp đốt cháy năng lượng dư thừa tích trữ ở gan, giúp chuyển hóa mỡ thành năng lượng, giảm tình trạng gan nhiễm mỡ.

Gan nhiễm mỡ có thể hồi phục, nếu tổn thương ít và không liên tục. Tuy nhiên, khi người dân chủ quan, ăn đồ chiên xào, uống rượu, chất kích thích nhiều, có thể dẫn tới gan nhiễm mỡ độ 2, độ 3 nhanh chóng. Vì thế, đừng bỏ qua thăm khám định kỳ, để bảo vệ sức khỏe của bạn một cách chủ động.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital