Để điều trị bệnh ung thư gan theo phác đồ trúng đích nhất, người bệnh cần hướng đến hai yếu tố quan trọng: chăm sóc cơ thể và tuân thủ điều trị. Điều này đòi hỏi người bệnh phải có lối sống khoa học và lành mạnh.
Menu xem nhanh:
1. Ung thư gan và những thông tin quan trọng cần biết
1.1 Khái niệm và phân loại ung thư gan
Gan là cơ quan thực hiện những chức năng quan trọng trong cơ thể con người: loại bỏ độc tố và những chất gây hại. Đồng thời, gan cũng tiết ra mật để tiêu hóa chất béo, vitamin và chất dinh dưỡng; là nơi lưu trữ glucose và dưỡng chất để đảm bảo sự sống trong cơ thể khi không có đủ thức ăn hay đồ uống.
Ung thư gan xảy ra khi các khối u ác tính phát sinh ở gan và phá hủy tế bào gan khiến hoạt động của gan bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Căn bệnh này được phân thành hai dạng cụ thể như sau:
– Ung thư gan nguyên phát: Ung thư hình thành từ tế bào gan
– Ung thư gan thứ phát: Ung thư tại các cơ quan khác di căn đến gan như ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư phổi…
Trong đó ung thư gan nguyên phát được chia thành: ung thư biểu mô tế bào gan, ung thư đường mật, u mạch máu ác tính, u nguyên bào gan.
1.2 Biểu hiện phổ biến và dễ nhận biết của bệnh ung thư gan
Đa số mọi người đều ít xuất hiện những dấu hiệu và triệu chứng ở giai đoạn đầu của bệnh bởi ung thư gan có những dấu hiệu rõ ràng khi đã tiến triển đến giai đoạn muộn.
Biểu hiện của bệnh ung thư gan ở mỗi người là khác nhau tuy nhiên sẽ có những dấu hiệu điển hình như sau:
– Giảm cân đột ngột và nhiều cân trong thời gian ngắn mà không rõ nguyên nhân
– Ăn uống không ngon miệng
– Cảm giác nặng nề, đau, căng tức hoặc sờ được khối vùng hạ sườn phải
– Buồn nôn và nôn
– Mệt mỏi, cơ thể yếu, không làm được việc nặng
– Bụng chướng
– Vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, phân màu nhạt
– Sốt cao, ớn lạnh.
1.3 Nguyên nhân gây ung thư gan
Ung thư gan có thể xuất hiện khi DNA tế bào thay đổi và đột biến dẫn tới hình thành khối u. Đôi khi cũng xảy ra đối với các tình trạng bệnh lý mạn tính như viêm gan, xơ gan…
Những bệnh nhân có nguy cơ bệnh cao bao gồm:
– Nhiễm HBV hoặc HCV mạn tính
– Xơ gan
– Một số bệnh gan di truyền
– Bệnh đái tháo đường
– Bệnh gan nhiễm mỡ mà xuất phát từ nguyên nhân bia rượu
– Tiếp xúc với aflatoxin
– Uống rượu quá mức.
2. Phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư gan
2.1 Chẩn đoán để điều trị bệnh ung thư gan như thế nào?
Chẩn đoán ung thư gan bắt đầu với việc thăm khám với bác sĩ chuyên khoa và chẩn đoán tình trạng bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm và chụp chiếu để chẩn đoán tình trạng bệnh bao gồm:
– Xét nghiệm chức năng gan
– Xét nghiệm các chỉ điểm của khối u gan trong máu
– Siêu âm ổ bụng, chụp CT hoặc chụp MRI gan mật
– Một số trường hợp có thể được chỉ định sinh thiết gan để chẩn đoán
Đa số các trường hợp bệnh đều có thể chẩn đoán và xác định thông qua hình ảnh trên CT hoặc trên MRI, tăng chỉ điểm ung thư gan trong máu, có nhiễm hay không nhiễm viêm gan B, C mà không cần tiến hành làm sinh thiết.
Sau khi chẩn đoán và xác định tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành phân tích và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp nhất, dựa trên các yếu tố:
– Số lượng, vị trí cùng với kích thước của khối u
– Tình trạng chức năng gan
– Có tình trạng xơ gan không
– Khối u có di căn đến hạch bạch huyết hay các cơ quan không.
2.2 Các phương pháp điển hình trong điều trị bệnh lý ung thư gan
Hiện nay, những phương pháp điều trị bệnh ung thư gan phổ biến bao gồm:
– Phẫu thuật: Cắt phần gan ung thư để bỏ khối u, thường áp dụng khi ung thư mới chỉ giới hạn ở gan.
– Ghép gan: Thay thế một phần hoặc toàn bộ gan bị ung thư bằng phần gan khỏe mạnh từ người hiến tặng.
– Tiêm ethanol vào khối u: Bác sĩ tiêm cồn tuyệt đối vào khối u(kích thước dưới 3cm) để tiêu diệt tế bào ác tính.
– Đốt sóng cao tần khối u: Đưa kim dẫn sóng cao tần vào khối u dưới sự hướng dẫn của siêu âm để đốt khối u(trường hợp khối u dưới 3cm)
– Nút mạch hóa chất: Bác sĩ đưa ống thông qua động mạch đùi đến động mạch nuôi khối u, bơm hóa chất vào khối u khiến chúng bị tiêu diệt do thiếu máu cung cấp đến.
– Nút mạch phóng xạ: Bơm các hạt vi cầu phóng xạ Y-90 vào động mạch khối u gan khiến các vi mạch bị tắc dẫn tới khối u bị tiêu diệt.
– Xạ trị ngoài: Dùng chùm tia bức xạ năng lượng cao chiếu vào khối u để tiêu diệt tế bào ung thư.
– Hóa trị hoặc thuốc điều trị đích/ thuốc tăng hệ miễn dịch: Khi khối u lớn và đã di căn xa thì khối u có thể tái phát sau khi điều trị với các phương pháp khác. Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị toàn thân với hóa chất truyền qua tĩnh mạch, thuốc miễn dịch truyền qua tĩnh mạch hoặc thuốc điều trị đích đường uống hay truyền.
– Chăm sóc giảm nhẹ: Sử dụng những biện pháp can thiệp y học để giảm biến chứng bệnh, hạn chế đau đớn và nâng cao thể trạng.
2.3 Các phương pháp phòng ngừa bệnh ung thư gan
Khó có thể ngăn chặn tuyệt đối ung thư gan nhưng nếu có thể tuân thủ các biện pháp dưới đây có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh:
– Tiêm vắc xin viêm gan virus, viêm gan B
– Thực hiện các phương pháp phòng tránh bệnh viêm gan C từ sớm
– Phòng ngừa từ sớm bệnh xơ gan
– Khám và sàng lọc ung thư định kỳ, kiểm tra sức khỏe gan
– Chế độ dinh dưỡng khoa học và chế độ tập luyện hiệu quả.
Riêng về vấn đề dinh dưỡng, người bệnh ung thư gan cần lưu ý một số điều sau:
– Ăn những thực phẩm tươi, không ăn đồ chế biến sẵn
– Tăng những món ăn và đồ uống chứa gừng
– Chia chững bữa ăn chính trong ngày thành nhiều bữa nhỏ
– Khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và đa dạng phù hợp khẩu vị người bệnh
– Chế biến thực phẩm lành mạnh, hạn chế chiên xào, dầu mỡ…
– Hạn chế sử dụng chất kích thích và uống nhiều rượu bia.