Trong lao động, vui chơi, tập thể dục thể thao thường ngày đôi lúc không tránh khỏi những chấn thương như trẹo chân, sai khớp, gãy xương,… Để đảm bảo chấn thương không nặng thêm thì việc cấp cứu tại chỗ như băng bó, cầm máu, cố định, vận chuyển,… vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp bị trẹo chân, nhiều người đặt ra câu hỏi trẹo chân chườm nóng hay chườm lạnh và phân vân không biết đâu mới là giải pháp đúng? Để giải đáp thắc mắc này, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây:
Menu xem nhanh:
1. Trẹo chân chườm nóng hay chườm lạnh?
Chườm nóng và chườm lạnh là phương pháp điều trị vật lý sử dụng tác dụng của nhiệt hay còn gọi nhiệt trị liệu. Đối với chườm nóng, bạn có thể sử dụng muối hay các loại dược liệu rang nóng (hoặc nguồn nhiệt như đắp nước nóng hoặc ngâm nước nóng) để chườm lên vùng sưng đau. Đối với lạnh, bạn có thể dùng nước đá (đắp, chườm) hoặc nước lạnh (ngâm).
Chườm nóng hay đắp nóng được áp dụng trong trường hợp cứng khớp, đau dây thần kinh tọa, đau lưng, các dây thần kinh ngoại vi khác nhưng chống chỉ định trong trường hợp viêm cấp tính, chấn thương, vết thương bị nhiễm khuẩn, tắc động hay tĩnh mạch. Phương pháp này có tác dụng cải thiện tuần hoàn, giảm sung huyết các phần sâu, giãn cơ, giảm đau.
Chườm lạnh được áp dụng trong các trường hợp rối loạn hệ cơ xương chẳng hạn như bong gân, viêm khớp cấp, thoát vị đĩa đệm, viêm bao hoạt dịch cấp, đau lưng cấp, … Chống chỉ định trong xơ cứng động mạch, tăng huyết áp, các trường hợp liệt cứng…
Như vậy trẹo chân chườm nóng hay chườm lạnh? Trên thực tế, trẹo chân có nhiều khả năng dẫn đến bong gân, sai khớp, bầm dập cơ…. Vì thế bạn đừng quên chườm lạnh. Liệu pháp này sẽ giúp bạn giảm đau và phù nề do làm tăng ngưỡng kích thích của các sợi cơ, gây co mạch, giảm lượng máu lưu thông vùng tổn thương. Không nên chườm nóng trong trường hợp này vì rất dễ khiến mạch máu giãn nở, làm tăng nguy cơ sưng và chảy máu.
2. Trẹo chân chườm đá bao lâu?
Khi bị trẹo chân, tùy thuộc vào mức độ tổn thương mà trong 24-72 giờ đầu, vùng tổn thương cần yên tĩnh hoàn toàn để thực hiện các biện pháp như chườm lạnh, cố định cũng như nâng cao tư thế vùng tổn thương. Trong thời gian này, việc chườm lạnh cần được tiến hành thường xuyên. Mỗi đợt chườm lạnh kéo dài từ 15-20 phút, thời gian nghỉ giữa hai đợt khoảng từ 120-180 phút (riêng trong 24 giờ đầu cần tiến hành thường xuyên hơn, thời gian nghỉ giữa hai đợt từ 30-60 phút). Tùy vào mức độ chấn thương, chườm lạnh có thể được tiến hành đến ngày thứ 7 sau chấn thương với tần suất giảm dần.
Với những chấn thương nhẹ, phù nề, rớm máu ít, bạn chỉ cần áp dụng chườm lạnh trong 24-48 giờ đầu. Thời gian mỗi đợt chườm lạnh chỉ cần 10-15 phút phụ thuộc vào từng loại chấn thương và độ sâu của bộ phận tổn thương.
Cảm giác đặc trưng khi sử dụng phương pháp này đó là là vùng được chườm cảm thấy lạnh, đau buốt và sau đó là cảm giác tê dại.
Người bệnh cần tránh những chuyển động dẫn đến đau, vì thế đau có thể gây hiện tượng co thắt. Vùng tổn thương phải được thả lỏng tối đa để quá trình hồi phục được diễn ra dễ dàng.