Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) là một vấn đề tiêu hóa phổ biến, xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Điều này không chỉ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu mà còn có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không có biện pháp điều trị kịp thời. Một trong những biến chứng của trào ngược dạ dày là viêm họng. Viêm họng do trào ngược có thể bị nhầm lẫn với viêm họng do nhiễm khuẩn hoặc virus, làm cho việc chẩn đoán và điều trị trở nên khó khăn. Bài viết này sẽ phân tích cơ chế trào ngược gây viêm họng, cách chẩn đoán và các phương pháp điều trị viêm họng do trào ngược.
Menu xem nhanh:
1. Cơ chế trào ngược gây viêm họng
1.1 Trào ngược dạ dày – thực quản có đặc điểm gì?
Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) là hiện tượng dịch vị từ dạ dày trào ngược lên, gây kích thích và tổn thương niêm mạc thực quản. Bình thường, có một cơ vòng thực quản dưới (LES) ngăn không cho axit dạ dày trào ngược lên. Tuy nhiên, khi cơ vòng này bị yếu đi hoặc rối loạn hoạt động không hiệu quả, axit dạ dày có thể trào ngược lên thực quản và thậm chí tới vùng hầu họng, gây ra viêm họng.
1.2 Cơ chế trào ngược gây viêm họng là gì?
Viêm họng do trào ngược dạ dày – thực quản xảy ra khi axit và enzym tiêu hóa từ dạ dày trào ngược lên đến họng, gây kích ứng và viêm nhiễm. Axit dạ dày có tính ăn mòn cao, khi tiếp xúc với niêm mạc họng sẽ gây ra các phản ứng viêm, làm cho niêm mạc sưng tấy, đỏ rát và dễ bị tổn thương. Ngoài ra, việc trào ngược có thể kích hoạt phản xạ ho, làm tăng áp lực trong đường hô hấp và gây ra tình trạng viêm nhiễm lan rộng.
1.3 Trào ngược gây viêm họng – Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố góp phần vào việc phát triển viêm họng do trào ngược bao gồm thói quen ăn uống không lành mạnh, hút thuốc, béo phì, căng thẳng và các bệnh lý khác như thoát vị hoành hay rối loạn nhu động thực quản. Những yếu tố này làm tăng nguy cơ trào ngược axit và từ đó dẫn đến viêm họng.
2. Chẩn đoán tình trạng viêm họng do trào ngược
2.1 Triệu chứng lâm sàng
Viêm họng do trào ngược thường biểu hiện qua các triệu chứng:
– Đau rát họng
– Khó nuốt
– Cảm giác vướng ở cổ
– Ho khan
– Khàn giọng
Tuy nhiên, vì những triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với viêm họng do các nguyên nhân khác, nên việc chẩn đoán thường dựa vào kết hợp các triệu chứng và các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cụ thể.
2.2 Chẩn đoán cận lâm sàng
Các phương pháp chẩn đoán viêm họng có phải do trào ngược hay không gồm:
Nội soi họng – thực quản
Nội soi thực quản là phương pháp thường được sử dụng để quan sát trực tiếp niêm mạc thực quản và hầu họng. Qua đó, bác sĩ có thể phát hiện các tổn thương niêm mạc do axit trào ngược gây ra nếu có.
Đo pH thực quản 24 giờ
Đây là phương pháp đo, theo dõi lượng axit trong thực quản trong vòng 24 giờ, kèm theo ghi chép các hoạt động, thời gian và triệu chứng lúc cơn trào ngược diễn ra, từ đó giúp xác định tần suất và mức độ trào ngược axit. Bệnh nhân sẽ được đưa một ống nhỏ qua mũi xuống thực quản. Ống này kết nối với một thiết bị đeo bên ngoài để đo lường và phân tích.
Đo áp lực thực quản độ phân giải cao
Tình trạng viêm họng có thể gây nuốt khó, nuốt vướng, ho… Trong một số trường hợp, đo áp lực thực quản độ phân giải cao (HRM) có thể được kết hợp để chẩn đoán các bệnh lý thực quản liên quan đến rối loạn nuốt, phân biệt bệnh GERD với các bệnh lý có triệu chứng tương tự GERD, kiểm tra các rối loạn cơ thực quản, đặc biệt là cơ thắt thực quản dưới – một trong những nguyên nhân gây trào ngược.
Xét nghiệm H. pylori
H. pylori là một loại vi khuẩn có thể gây viêm loét dạ dày và làm tăng nguy cơ trào ngược. Xét nghiệm H. pylori này giúp xác định sự hiện diện của vi khuẩn này trong dạ dày hay không.
Ngoài ra, cần phân biệt viêm họng do trào ngược với viêm họng do các nguyên nhân khác như nhiễm khuẩn (viêm họng do liên cầu khuẩn, virus), dị ứng, hoặc kích ứng bởi các yếu tố môi trường. Việc phân biệt này dựa trên triệu chứng, tiền sử bệnh và các kết quả xét nghiệm.
Tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, bệnh nhân có triệu chứng viêm họng nghi ngờ do trào ngược sẽ được khám với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, được chỉ định các phương pháp chẩn đoán phù hợp với đặc điểm bệnh lý. Với hệ thống thiết bị được đầu tư đồng bộ, như máy đo pH thực quản 24 giờ và máy đo HRM thực quản nhập khẩu từ Mỹ, hệ thống máy nội soi với nhiều công nghệ ưu việt, hệ thống xét nghiệm tự động bằng robot hiện đại, bệnh nhân sẽ luôn nhận được kết quả nhanh chóng và chính xác.
3. Điều trị viêm họng do trào ngược bằng cách nào?
3.1 Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống là bước đầu tiên và quan trọng trong việc điều trị viêm họng do trào ngược. Các biện pháp bao gồm:
– Chế độ ăn uống: Tránh các thực phẩm gây kích thích như thức ăn cay, chua, đồ chiên xào, chocolate, cà phê, rượu, và đồ uống có gas. Nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, không ăn quá no, và tránh nằm ngay sau khi ăn.
– Giảm cân: Đối với người thừa cân, giảm cân có thể giúp giảm áp lực lên dạ dày và từ đó giảm nguy cơ trào ngược.
– Tránh hút thuốc: Hút thuốc làm yếu cơ vòng thực quản dưới, tăng nguy cơ trào ngược axit.
– Nâng cao đầu khi ngủ: Nâng đầu giường cao khoảng 15-20 cm có thể giúp ngăn ngừa axit trào ngược lên họng khi nằm.
3.2 Sử dụng thuốc
– Thuốc kháng axit: Thuốc kháng axit giúp trung hòa axit dạ dày, giảm triệu chứng trào ngược và viêm họng.
– Thuốc ức chế bơm proton (PPI): PPI là nhóm thuốc giảm sản xuất axit dạ dày, từ đó giảm tình trạng trào ngược. Các thuốc như omeprazole, esomeprazole thường được sử dụng trong điều trị GERD.
– Thuốc kháng H2: Tương tự như PPI, thuốc kháng H2 như ranitidine, famotidine cũng giúp giảm sản xuất axit, nhưng thường ít mạnh hơn và được dùng trong trường hợp nhẹ.
– Thuốc Prokinetic: Nhóm thuốc này giúp tăng cường nhu động thực quản và dạ dày, giúp thức ăn di chuyển nhanh hơn, giảm nguy cơ trào ngược.
3.3 Phẫu thuật
Trong trường hợp điều trị bằng thuốc không hiệu quả hoặc có biến chứng nghiêm trọng, phẫu thuật có thể được xem xét để tăng cường cơ vòng thực quản dưới, ngăn ngừa axit trào ngược.
Ngoài ra sử dụng mật ong, gừng,… cũng có thể hỗ trợ giảm viêm họng.
Việc phòng ngừa viêm họng do trào ngược chủ yếu dựa vào việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ và duy trì lối sống lành mạnh. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm: duy trì cân nặng, hạn chế chất kích thích, ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên.
Như vậy, viêm họng do trào ngược là một tình trạng phổ biến nhưng dễ bị nhầm lẫn với các loại viêm họng khác. Người bệnh cần hiểu rõ cơ chế, triệu chứng, và phương pháp chẩn đoán sẽ giúp điều trị hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị là chìa khóa trong việc kiểm soát viêm họng do trào ngược, giúp người bệnh có cuộc sống thoải mái và khỏe mạnh hơn.