Tổng quan về thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh lý cơ xương khớp ngày càng phổ biến, gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống và công việc của người bệnh. Nguyên nhân gây bệnh đa phần liên quan đến việc vận động cơ thể quá mức và hoạt động thể lực nặng. Cùng tìm hiểu về tình trạng thoát vị đĩa đệm thắt lưng qua bài viết sau đây. 

1. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì?

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm ở các vùng trên cột sống chệch ra khỏi vị trí bình thường. Tình trạng thoát vị có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau như cột sống cổ, lưng, thắt lưng, cùng cụt…. Tuy nhiên thoát vị đĩa đệm ở cột sông thắt lưng là hay gặp nhất.

Bệnh có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng thường gặp hơn cả là lứa tuổi lao động. Theo số liệu nghiên cứu trong và ngoài nước, tỷ lệ bệnh nhân mắc thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng thuộc lứa tuổi 20 – 49 chiếm tới 60 – 65% các ca bệnh. Đây là độ tuổi đang chính để lao động, làm việc. Vì thế nếu bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và hiệu quả lao động.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì?

Tình trạng nhân nhầy đĩa đệm trượt ra khỏi vị trí thường gặp nhất ở vị trí thắt lưng.

2. Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng

– Do tuổi tác: Theo thời gian, vòng sụn bên ngoài đĩa đệm bị xơ hóa, nhân nhầy trở nên khô hơn, mất tính đàn hồi, có thể thoát vị vào trong ống sống, chèn ép dây thần kinh.

– Chấn thương: Các chấn thương cột sống do tai nạn giao thông hoặc lao động nặng có thể tác động lực mạnh đột ngột, khiến đĩa đệm bị rách hoặc lệch khỏi vị trí.

– Các vấn đề bẩm sinh ở cột sống: Các hội chứng cột sống bẩm sinh như gù, vẹo cột sống, gai cột sống cũng như việc di truyền cột sống yếu từ bố mẹ có thể là nguyên nhân gây thoát vị ở cột sống thắt lưng.

– Thừa cân, béo phì: Cân nặng vượt mức có thể làm tăng sức đè nén lên các đĩa đệm, làm tăng nguy cơ mắc các loại thoát vị.

Ngoài ra, thường xuyên khuân vác nặng, ngồi sai tư thế trong nhiều giờ, tập thể dục thể thao không đúng cách đều có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho cột sống, dẫn đến thoát vị đĩa đệm.

3. Các triệu chứng của thoát vị cột sống thắt lưng

3.1 Đau vùng thắt lưng – Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng điển hình

Đau là triệu chứng xuất hiện ở hầu hết người bệnh có thoát vị đĩa đệm. Cơn đau do thoát vị cột sống thắt lưng có thể biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Có những trường hợp đau dữ dội kèm co cứng khối cơ cạnh cột sống, cũng có nhiều người đau chỉ âm ỉ nhưng tăng lên khi vận động mạnh, khi đổi tư thế.

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Đau lưng là một triệu chứng điển hình của loại thoát vị đĩa đệm này.

3.2 Đau lan chân kiểu rễ

Trường hợp khối thoát vị chèn ép rễ thần kinh thường sẽ kích thích các cơn đau dọc theo đường đi của dây thần kinh bị chèn ép. Tình trạng này thường gặp nhất ở khối thoát vị của đĩa đệm lưng L4-L5 và L5-S1. Cũng bởi vậy 3 rễ thần kinh thường bị chèn ép nhiều nhất là rễ thần kinh L4, L5 và S1. Triệu chứng đau kiểu rễ có thể chỉ biểu hiện ở một chân hoặc hai chân và thường đau từ lưng rồi theo rễ thần kinh qua mông xuống đùi, gối và cẳng chân.

3.3 Tê bì vùng chân

Cảm giác tê bì chân thường xen lẫn với tình trạng đau chân của người bệnh. Mức độ tê nhức tỉ lệ thuận với mức độ chèn ép của các dây thần kinh.

3.4 Teo cơ – Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nặng

Tình trạng teo cơ thương biểu hiện ở giai đoạn muộn của bệnh hoặc khi khối thoát vị lớn, vị trí chèn ép cao. Khi người bệnh có biểu hiện teo cơ do khối thoát vị chèn ép rễ thần kinh thì nên ưu tiên phẫu thuật.

3.5 Yếu chân

Khi rễ thần kinh bị chèn ép, tổn thương quá nhiều hoặc quá lâu sẽ gây giảm hoặc mất khả năng chi phối vận động của rễ thần kinh đó. Hậu quả là khối cơ do vùng rễ đó chi phối sẽ bị liệt. Thường gặp nhất là tình trạng người bệnh bị giảm hoặc mất khả năng gấp, duỗi cổ chân, hạn chế khả năng nâng đùi nếu thoát vị ở vị trí cao.

3.6 Rối loạn cơ tròn

Triệu chứng này rất ít gặp, thường chỉ xảy ra khi bệnh nhân bị khi khối thoát vị quá lớn hoặc vị trí thoát vị cao (như đốt L23, L34…).

Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng, thường gặp nhất là chèn ép dây thần kinh tọa và rễ thần kinh, gây nên cảm giác đau nhức, buốt vùng mông, sau đó lan dọc theo đùi xuống cẳng chân, ngón chân, mu bàn chân…

4. Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Khi thấy các triệu chứng đau nhức lưng, tê bì, yếu tay chân, bạn cần thăm khám chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh,. Cụ thể, trong quá trình khám thoát vị đĩa đệm, các bác sĩ sẽ tiến hành khai thác tiền sử bệnh, khám triệu chứng, áp dụng các bài kiểm tra thể chất đơn giản để khảo sát khả năng vận động nếu cần. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số phương pháp như đo điện cơ nhằm xác định vị trí những đoạn dây thần kinh bị chèn ép.

Trong quá trình thăm khám, nếu phát hiện ra những tổn thương sâu tại vùng đĩa đệm, một số phương pháp có thể được chẩn đoán như chụp X-quang, chụp cộng hưởng (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT). Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác độ điều trị phù hợp. Nếu đã điều trị hơn 4 tuần mà triệu chứng không thuyên giảm, người bệnh cần đi khám và thực hiện các chỉ định chuyên sâu.

Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm vùng cột sống thắt lưng.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể giúp chẩn đoán chính xác tình trạng thoát vị đĩa đệm.

5. Điều trị thoát vị ở lưng như thế nào?

Phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm hiện nay chủ yếu là nội khoa, bao gồm việc sử dụng thuốc giảm đau, chống co thắt cơ vân, chống viêm…. Các loại thuốc này ít nhiều sẽ có những tác dụng phụ đối với cơ thể như hen suyễn, dạ dày, tăng huyết áp, vì vậy bạn nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự mua thuốc để điều trị, hay tự ý thay đổi loại thuốc, liều dùng.

Ngoài ra, có thể dùng các phương pháp vật lý trị liệu như xoa bóp, dùng sóng radio cao tần, laser, bấm huyệt… để điều trị thoát vị đĩa đệm nói chung và thoát vị vùng thắt lưng nói riêng. Nếu bệnh nặng, điều trị nội khoa không đáp ứng thì các bác sĩ có thể xem xét điều trị ngoại khoa theo tình trạng sức khỏe bệnh nhân.

Chúng ta vừa tìm hiểu về bệnh thoát vị đĩa đệm vùng cột sống thắt lưng và những triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị bệnh. Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh này và nhận diện kịp thời, hạn chế những hậu quả đáng tiếc. Khi có các triệu chứng cảnh báo, hãy thăm khám chuyên khoa cơ xương khớp sớm để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital