Tìm hiểu: Viêm tụy cấp tăng triglyceride 

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Tăng triglyceride máu có thể là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh lý nghiêm trọng, trong đó viêm tụy cấp tăng triglyceride gặp phải khá nhiều. Đây là bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ hoại tử và có tỷ lệ tử vong cao. 

1. Triglyceride là gì?

Triglyceride là một dạng chất béo trung tính đóng vai trò dự trữ và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Triglyceride gồm 3 loại axit béo là chất béo không bão hòa, chất béo bão hòa và đường đơn glucose. Triglyceride có thể được cung cấp bởi 2 nguồn khác nhau là nguồn ngoại sinh do hấp thụ từ thực phẩm ăn vào hằng ngày và nguồn nội sinh do các tế bào ở gan tổng hợp và dự trữ.

Nồng độ triglyceride ở mức bình thường sẽ có chỉ số dưới 150 mg/dL (tương ứng 1,7 mmol/L). Từ 150 mg/dL được coi là cao và trên 500 mg/dL (tương ứng trên 6 mmol/L) được coi là rất cao. Khi triglyceride tăng cao đơn độc hoặc kết hợp tăng với cholesterol có thể làm tăng nguy cơ bệnh lý về tim mạch, đột quỵ và đặc biệt là gây ra viêm tụy cấp. Một trong những biện pháp hiệu quả giúp ổn định chỉ số triglyceride là điều chỉnh chế độ ăn lành mạnh và tập luyện thể dục thể thao đều đặn.

Triglyceride là gì?

Triglyceride là chỉ số cho biết về tình trạng mỡ máu trong cơ thể.

2. Tìm hiểu cơ chế sinh bệnh và triệu chứng viêm tụy cấp do tăng Triglyceride

2.1. Cơ chế gây viêm tụy cấp khi Triglyceride tăng cao

Bệnh viêm tụy cấp xảy ra khi nồng độ triglyceride tăng cao vượt quá 1000mg/dL, hoạt động theo 2 cơ chế chính như sau:

– Do có sự tăng nồng độ chylomicrons trong máu: Chylomicrons là chất được tạo thành sau 1-2 giờ đầu khi ăn, tăng cao nhất sau khoảng 4-5 giờ và sẽ được dọn sạch trong vòng 8 giờ. Nhưng khi nồng độ tăng triglyceride vượt quá cao thì chylomicrons sẽ xuất hiện thường xuyên ở các mao mạch, kích thước lớn của chúng có thể gây tắc nghẽn mao mạch tụy, dẫn tới thiếu máu gây hoại tử và gây toan hóa máu. Trong môi trường acid, các axit béo tự do gây hoạt hóa trypsinogen và dẫn đến quá trình tự hủy mô tụy. Hậu quả dẫn tới bệnh viêm tụy cấp.

– Quá trình phân hủy triglyceride thành các axit béo tự do: Khi nồng độ chylomicron tăng ở mức cao sẽ làm triglyceride tiếp xúc với men lipase của tụy tạo thành acid béo tự do với nồng độ cao. Điều này gây ra những tổn thương nhiễm độc ở tế bào tuyến tụy. Đồng thời làm tăng thêm các chất trung gian của phản ứng viêm và các gốc tự do với biểu hiện ra bên ngoài là các dấu hiệu của viêm tụy cấp.

2.2. Triệu chứng viêm tụy cấp do tăng chỉ số Triglyceride

Bệnh viêm tụy cấp tăng triglyceride sẽ có những triệu chứng trên lâm sàng ban đầu tương tự như viêm tụy cấp nói chung. Các biểu hiện chính gồm có:

– Đau bụng dữ dội

– Buồn nôn và nôn

– Sốt

– Khó thở, suy hô hấp

– Cảm thấy mệt mỏi, tụt huyết áp, da xanh tái

– Một số trường hợp nặng có thể gây phản ứng chậm chạp, mất dần ý thức.

Thông thường, phần lớn các trường hợp viêm tụy cấp tăng triglyceride gặp phải ở người trung niên và cao tuổi. Tuy nhiên, nếu bị mắc bệnh do rối loạn hoặc tăng lipid máu do có tính chất gia đình thì có thể phát hiện viêm tụy cấp ở cả người trẻ và người nhỏ tuổi.

Triệu chứng viêm tụy cấp tăng triglyceride

Đau bụng dữ dội là biểu hiện thường thấy ở người bệnh viêm tụy cấp.

3. Điều trị khi bị viêm tụy cấp do tăng triglyceride

Điều trị bệnh viêm tụy cấp tăng triglyceride cũng sẽ tương tự như điều trị viêm tụy cấp do các nguyên nhân khác gây nên. Quá trình điều trị sẽ bao gồm nhiều yêu cầu cần thực hiện song song như bù dịch, bù nước nước, giảm đau, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, dùng kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn, nâng đỡ dinh dưỡng, lọc máu, hồi sức tích cực với những trường hợp bệnh nhân viêm tụy nặng có suy tạng, phẫu thuật,…

Các trường hợp bệnh viêm tụy cấp do chỉ số triglyceride tăng cao vượt ngưỡng cho phép thì có thể sử dụng phương pháp thay huyết tương để loại bỏ lượng chylomicrons quá cao trong máu. Đây là biện pháp điều trị hữu hiệu, an toàn, ngăn cản quá trình viêm tại nhu mô tụy.

Đáng chú ý, sau khi đã điều trị ổn định viêm tụy cấp thì cần tìm ra nguyên nhân khiến cho chỉ số triglyceride tăng để loại bỏ yếu tố tái phát bệnh và dùng thuốc theo đúng chỉ định để nhanh chóng ổn định lại chỉ số và cơ thể được phục hồi nhanh chóng.

Điều trị viêm tụy cấp

Người bệnh thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định điều trị đúng cách.

4. Phương pháp kiểm soát chỉ số triglyceride ở ngưỡng bình thường

Để kiểm soát tốt chỉ số triglyceride, người bệnh cần thực hiện tốt lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, chăm chỉ tập luyện thể thao và thực hiện thăm khám kiểm tra định kỳ. Cụ thể:

4.1. Ăn uống lành mạnh

– Những thực phẩm nên ăn: tinh bột nguyên cám (yến mạch, gạo lứt, bánh mì đen,…); ăn nhiều chất xơ từ nguồn rau củ quả tươi; ăn thêm các loại hạt (óc chó, đậu phộng, hạt điều, hạnh nhân, hạt bí,…); khẩu phần ăn nên thiết kế ăn cá nhiều hơn thịt và nên dùng thịt nạc, thịt trắng thay cho thịt mỡ, thịt đỏ.

– Hạn chế ăn: các loại chất béo (da heo, da gà, thịt mỡ, đồ ăn chiên rán, nội tạng động vật,…); thức ăn chế biến sẵn (xúc xích, gà rán, cá viên chiên, nem nướng, thịt hộp,..); hạn chế uống rượu bia và hãy bỏ thuốc lá.

4.2. Tập thể dục điều độ

Tập thói quen vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, tập đều đặn liên tục 5 ngày trong tuần. Việc vận động sẽ giúp đào thải mỡ máu xấu ra khỏi cơ thể, tăng độ dẻo dai và săn chắc cho vùng cơ bắp nhờ đó giúp kiểm soát tốt chỉ số triglyceride luôn ở ngưỡng bình thường.

4.3. Xét nghiệm tầm soát chỉ số mỡ máu triglyceride theo định kỳ

Người bệnh thăm khám và làm các xét nghiệm chỉ số mỡ máu gồm có chỉ số cholesterol toàn phần, HDL-cholesterol, LDL-cholesterol và triglyceride. Dựa trên kết quả xét nghiệm này, bác sĩ sẽ nhận định về các mức độ mỡ máu và đánh giá nguy cơ bị rối loạn mỡ máu, tim mạch hoặc viêm tụy cấp hay không.

Theo các chuyên gia khuyến cáo, từ 40 tuổi bạn nên chủ động xét nghiệm triglycerid 2 lần/năm với người có sức khỏe bình thường không có bệnh nền và xét nghiệm 4 – 6 lần/năm với người có bệnh nền như tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường, gia đình có bệnh cholesterol cao, viêm tụy mạn tính, rối loạn mỡ máu,…

Người bệnh viêm tụy cấp tăng triglyceride cần thăm khám đúng lúc, chẩn đoán đúng bệnh và thực hiện điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ để kịp thời xử lý bệnh nhanh chóng, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm xảy tới.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital