Xơ gan mất bù (hay xơ gan cổ trướng) là trường hợp khẩn cấp cần điều trị y tế để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và được nhận biết qua các triệu chứng cụ thể.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là xơ gan mất bù?
1.1. Hiểu đúng về giai đoạn xơ gan mất bù
Xơ gan mất bù là tình trạng bệnh xơ gan chuyển sang giai đoạn cuối. Ở giai đoạn này, các tế bào mô gan đã xơ hóa gần như hoàn toàn, chức năng gan suy giảm một cách nghiêm trọng. Tế bào gan bình thường không thể bù lại được các tế bào gan bị xơ hóa, vì vậy mới gọi là tình trạng mất bù.
Nếu như giai đoạn xơ gan còn bù (giai đoạn đầu của xơ gan) không nhận thấy triệu chứng nào vì các cơ quan vẫn hoạt động ổn định, thì ở giai đoạn mất bù, khả năng hồi phục và thải độc của gan không còn nữa. Chức năng gan lúc này đã suy giảm nghiêm trọng nên rất dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Khi bệnh đã tiến triển thành xơ gan cổ trướng, người bệnh cần được điều trị và chăm sóc tích cực ngay. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh có thể đe dọa đến tính mạng, tỷ lệ tử vong lên đến 20-50% tùy vào biến chứng. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm đóng vai trò vô cùng quan trọng.
1.2. Các dấu hiệu đặc trưng của xơ gan mất bù
Các biểu hiện của xơ gan cổ trướng thường rõ ràng khi tình trạng bệnh biến chuyển nghiêm trọng. Trong giai đoạn cuối, tế bào gan đã tổn thương nặng nề, không thể hồi phục được nữa. Cũng có thể bệnh đã chuyển thành ung thư gan.
Ở giai đoạn này, sức khỏe người bệnh giảm sút nghiêm trọng, cơ thể yếu ớt, mệt mỏi và đi kèm một số triệu chứng như:
– Cơ thể tích trữ nước gây phù, chướng bụng, căng bụng, bụng to.
– Sụt cân trong thời gian ngắn dù ăn uống đầy đủ.
– Chân bị phù, mềm, ấn vào xuất hiện các vết lõm.
– Đại tiện ra phân đen, cổ trướng tái phát nhanh.
– Da từ vàng nhẹ chuyển sang vàng đậm, ban đầu vàng mắt sau đó vàng da toàn thân.
– Gan không lọc được amoniac khiến não nhiễm độc, làm người bệnh hôn mê, lúc tỉnh, lúc mê.
– Suy thận, sao mạch nổi trên da, môi, lưỡi, niêm mạc nhợt nhạt.
– Nôn, tiêu chảy liên tục.
– Thiếu máu, bầm huyết dưới da do bị viêm phúc mạc.
Khi gan không còn chức năng thải độc sẽ gây ra biến chứng suy thận. Đó là do thận phải làm việc liên tục, quá tải dẫn đến suy giảm chức năng. Bệnh nhân ở giai đoạn xơ gan mất bù cũng dễ chuyển sang ung thư, gây tử vong trong thời gian ngắn.
2. Chẩn đoán và điều trị xơ gan giai đoạn mất bù
2.1. Chẩn đoán xơ gan giai đoạn mất bù như thế nào?
Thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán xơ gan cổ trướng khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng bao gồm vàng da, rối loạn tâm thần. Bác sĩ sẽ kiểm tra một số thông tin như sau:
– Triệu chứng đang gặp phải
– Tiểu sử mắc bệnh gan trước đó: của bản thân người bệnh và gia đình.
– Các triệu chứng nghiêm trọng (nếu có) như nhiễm trùng, sốt, khó tiểu tiện, khó thở, ho nhiều, đau và sưng khớp, …
– Thói quen đại tiện: đại tiện ra phân đen, đau khi đại tiện.
– Tần suất uống rượu bia, đồ uống có cồn.
– Các loại thuốc bệnh nhân xơ gan đang dùng.
Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được chỉ định thực hiện thêm một số phương pháp chẩn đoán để có kết quả chính xác nhất:
– Siêu âm, chụp CT, chụp MRI cũng được áp dụng trong chẩn đoán xơ gan cổ trướng.
2.2. Các biến chứng nguy hiểm của xơ gan giai đoạn mất bù
Xơ gan cổ trướng là trường hợp cần cấp cứu nhanh chóng, chăm sóc tích cực. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời và phù hợp có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong, bao gồm:
– Xuất huyết vì vỡ giãn tĩnh mạch: thực quản, dạ dày hoặc tá tràng. Cũng có trường hợp vỡ do búi giãn ở ruột non hoặc đại trực tràng.
– Cổ trướng.
– Viêm phúc mạc tự phát do vi khuẩn gây nên.
– Bệnh não gan.
2.3. Điều trị xơ gan giai đoạn mất bù
Điều trị bằng thuốc
Các loại thuốc được chỉ định điều trị xơ gan cổ trướng thường là:
– Thuốc rối loạn đông máu
– Thuốc tăng đào thải của mật
– Thuốc Albumin human nếu nồng độ albumin trong máu giảm thấp hơn 25g/l
– Truyền dung dịch axit amin phân nhánh.
– Tiêm hoặc uống các vitamin nhóm B
– Các loại thuốc lợi tiểu: sử dụng trong trường hợp bị phù nề hoặc cổ trướng.
– Thuốc dự phòng triệu chứng xuất huyết tiêu hóa.
Điều trị cổ trướng
– Trong ăn uống giảm lượng muối xuống dưới 2g/ngày
– Giảm lượng nước uống (<1 lít nước/ngày)
– Theo dõi cân nặng, nước tiểu, điện giải đồ, tần suất 3-7 ngày/ lần
– Những bệnh nhân xơ gan cổ trướng nhẹ và vừa có thể kê thuốc lợi tiểu. Nếu tình trạng bệnh nặng hơn, sẽ chỉ định dùng thuốc lợi tiểu kết hợp chọc hút dịch cổ trướng, để tránh biến chứng suy gan.
– Trong trường hợp bệnh nghiêm trọng, các phương pháp điều trị trên không đem lại hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định chọc dịch nhiều lần kết hợp truyền albumin lợi tiểu.
Việc điều trị xơ gan cổ trướng sẽ mất nhiều thời gian, tiền bạc, do đó người bệnh cần chuẩn bị tâm lý, luôn lạc quan và thoải mái. Đặc biệt phải luôn tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ đề ra để đem lại hiệu quả tốt, giảm quá trình tiến triển của bệnh và ngăn ngừa biến chứng.
Để ngăn ngừa bệnh xơ gan cổ trướng, người bệnh nên hạn chế uống bia rượu. Cần cung cấp đủ dinh dưỡng, vitamin cho cơ thể và tăng cường vận động mỗi ngày. Bên cạnh đó, bạn nên thăm khám gan mật thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm nếu có bất ổn. Khi đã mắc bệnh lý gan nào đó, bạn cần điều trị triệt để, tái khám đúng lịch hẹn để ngăn bệnh tiến triển âm thầm.