Tìm hiểu về tình trạng tê tay sau tiêm vacxin

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Tình trạng tê tay sau tiêm vacxin là phản ứng phụ bình thường và thường chỉ giới hạn xung quanh vết tiêm. Tình trạng sẽ xuất hiện trong 24 giờ sau tiêm và kéo dài từ 1 – 2 ngày. Thông thường các mũi tiêm bắp sẽ có xu hướng gây đau nhức và tê tay hơn các loại vacxin tiêm dưới da. 

1. Những phản ứng thường gặp sau tiêm và nguyên nhân dẫn đến chúng

1.1. Những phản ứng sau tiêm

Phản ứng sau tiêm là hiện tượng bất thường về sức khỏe bao gồm các biểu hiện tại vị trí tiêm hoặc toàn thân xảy ra sau tiêm ngừa. Những hiện tượng này không nhất thiết phải có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng vacxin. Hầu hết những phản ứng phụ đều ở mức độ nhẹ, một số ít ở mức vừa và rất hiếm có trường hợp mức độ nặng.

Cụ thể, phản ứng sau tiêm được chia theo mức độ nặng nhẹ như sau:

– Phản ứng thông thường: Nhẹ và có thể tự khỏi, thường bao gồm các biểu hiện như ngứa, sưng đỏ và đau tại chỗ tiêm, sốt dưới 39 độ kèm khó chịu, mệt mỏi, chán ăn.

Tai biến nặng sau tiêm: Những sự cố bất lợi có thể đe dọa tính mạng đối tượng tiêm như khó thở, tím tái, sốt cao, co giật, sốc phản vệ, sốc nhiễm độc hoặc để lại di chứng sức khỏe.

Nếu nhận thấy cơ thể có phản ứng bất thường sau tiêm, bạn cần đi khám bác sĩ sớm nhất có thể. Phản ứng mức vừa hoặc nặng cần nhập viện theo dõi và điều trị để đề phòng rủi ro, đảm bảo không gây ảnh hưởng sức khỏe trong tương lai.

tê tay sau tiêm vacxin

Một số phản ứng nhẹ thường gặp sau tiêm gồm ngứa, sưng đỏ và đau tại chỗ tiêm.

1.2. Nguyên nhân

Phản ứng sau tiêm là phản ứng của cá nhân đối với đặc tính vốn có của vacxin, ngay cả khi loại vacxin này đã được chuẩn bị, bảo quản và tiêm đúng cách. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến phản ứng phụ sau tiêm chủng:

– Do vacxin

Phản ứng phụ xảy ra liên quan đến thành phần có trong vacxin, đa phần là phản ứng nhẹ và tự khỏi. Phản ứng nặng liên quan đến vacxin khá hiếm gặp.

– Do sai sót trong quy trình tiêm ngừa

Phản ứng xảy ra do sai sót trong quá trình thực hiện tiêm chủng (bảo quản, chuẩn bị, pha hồi chỉnh, kỹ thuật tiêm, sai vacxin). Những phản ứng này đều có thể được phòng tránh bằng cách thực hiện đúng quy định trong vận chuyển, bảo quản vacxin và thực hành tiêm theo quy trình chuẩn.

– Do tâm lý

Phản ứng của cơ thể do sự lo sợ quá mức với tiêm chủng, ví dụ như ngất xỉu, nhức đầu, chóng mặt, tê tay chân, nôn, la hét và thở ngắn.

– Do trùng hợp bệnh nền

Phản ứng phụ xảy ra do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý có sẵn trong cơ thể.

Ngoài ra phản ứng phụ có thể xảy ra do một vài nguyên nhân khác không được xác định.

Nhìn chung, lợi ích của tiêm chủng là rất lớn, giúp dự phòng cho hàng triệu người khỏi bệnh tật và tử vong. Trong khi đó nguy cơ tai biến sau tiêm là rất thấp và thường do những nguyên nhân có thể phòng tránh. Do đó, bạn hãy cân nhắc thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch tại các phòng tiêm uy tín để đảm bảo an toàn cho bản thân.

đau tay, tê, sưng sau tiêm

Cân nhắc thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch tại các phòng tiêm uy tín để đảm bảo an toàn cho bản thân.

2. Tê tay sau tiêm vacxin: Nên và không nên làm gì khi gặp phải

Sau khi tiêm phòng bị tê đau tay là một trong những phản ứng phụ phổ biến sau tiêm khiến các hoạt động ở tay trở nên khó khăn hơn.

Để lý giải cho tình trạng trên, các chuyên gia y tế cho biết sau khi vacxin được tiêm vào cơ thể thì hệ miễn dịch sẽ tự động phát ra tín hiệu cảnh báo về “kẻ xâm nhập”. Đáp lại tín hiệu này, các tế bào bạch cầu sẽ tiến đến vị trí được cảnh báo và tiến hành bịt chặt vị trí tiêm phòng gây nên các triệu chứng như tê, đau nhức, ớn lạnh,… Những tác dụng phụ này là hoàn toàn bình thường và thể hiện việc hệ miễn dịch đang hoạt động tốt, đáp ứng miễn dịch để bảo vệ cơ thể tránh khỏi virus thật trong tương lai. Song song với lợi ích phòng bệnh, quá trình này cũng thúc đẩy phản ứng viêm và có thể vết tiêm tại tay sẽ bị sưng đau.

Các chuyên gia cũng cho biết tình trạng đau nhức tay còn tùy thuộc vào loại vacxin được sử dụng và đường tiêm. Thông thường các mũi tiêm bắp sẽ có xu hướng gây đau nhức và tê tay hơn các loại vacxin tiêm dưới da. Ngoài ra không phải ai cũng bị tê đau tay sau tiêm nhưng một số lại có phản ứng mạnh mẽ.

Nhìn chung, tình trạng tê tay sau tiêm vacxin là phản ứng phụ bình thường và thường chỉ giới hạn xung quanh vết tiêm. Tình trạng sẽ xuất hiện trong 24 giờ sau tiêm và kéo dài từ 1 – 2 ngày. Thời gian dài ngắn phụ thuộc vào loại vacxin và cơ địa từng người, ví dụ vacxin ngừa zona Shingrix có xu hướng gây đau tê bắp tay mạnh và lâu hơn những loại khác.

2.1. Nên làm gì để giảm tê tay sau tiêm vacxin?

Để giảm tê đau sau tiêm, bạn có thể áp dụng những biện pháp sau:

– Cử động tay nhẹ nhàng: Việc vận động cánh tay giúp lưu thông máu, giảm căng cứng cơ, giảm viêm cục bộ và giảm đau nhanh chóng. Không có nghiên cứu nào về mức độ vận động, nhưng các chuyên gia khuyến khích bạn cử động nhẹ nhàng và duỗi tay mỗi tiếng trong khoảng 6 giờ sau tiêm.

– Chườm ấm, chườm lạnh: Bạn nên chườm lạnh khoảng 20 phút để giảm sưng tấy, tuy nhiên không nên dùng đá lạnh chườm trực tiếp vì dễ khiến mạch máu tại chỗ chườm co lại, cản trở sự truyền nhiệt của cơ thể. Bạn có thể chườm lạnh vài ngày để giảm sưng đau rồi chuyển sang chườm ấm để giảm viêm.

– Dùng thuốc giảm đau: Nếu cơn đau không quá nặng, bạn không nên uống thuốc để tránh làm giảm hiệu quả vacxin. Tuy nhiên khi cần thiết, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để uống thuốc giảm đau. Một số loại thuốc được khuyến cáo là acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), ibuprofen và paracetamol.

– Sinh hoạt hợp lý: Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cần thiết và nghỉ ngơi thư giãn, tránh tì vào vết tiêm và mặc quần áo thoải mái.

– Theo dõi sức khỏe: Trong 7 ngày đầu sau tiêm, bạn nên tự theo dõi sức khỏe của mình. Nếu tình trạng tê đau và sưng tấy ở tay không thuyên giảm và đi kèm với các triệu chứng nguy hiểm hơn (nổi ban, khó thở, tiêu chảy, tăng huyết áp,…) hãy đi khám để được bác sĩ kiểm tra.

sưng tay, tê đau sau tiêm phải làm sao

Chườm lạnh, chườm ấm là một trong những biện pháp hiệu quả để giảm tình trạng tê đau, sưng viêm ở tay sau tiêm.

2.2. Những việc nên tránh nếu gặp tình trạng tê tay sau tiêm vacxin

Ngoài những biện pháp giúp giảm tê tay sau tiêm vacxin, bạn cũng cần chú ý hạn chế một số hoạt động sau để tình trạng đau nhức không tiến triển xấu:

– Không tác động mạnh lên vết tiêm: Hạn chế xoa bóp, chà xát mạnh lên vết tiêm để tránh tình trạng tê đau, viêm lan rộng gây tụ máu hoặc tệ hơn là nhiễm trùng. Ngoài ra không nên hoạt động cánh tay quá sức như nâng tạ, bê vác đồ,… ngay sau khi tiêm phòng.

– Không dùng chất kích thích: Hạn chế sử dụng bia rượu, thuốc lá,… bởi chất kích thích có thể khiến cơn đau ở tay nghiêm trọng hơn.

Tuy tác dụng phụ tê đau sau tiêm vacxin ở cánh tay không quá nghiêm trọng nhưng tình trạng này lại gây ra nhiều khó chịu cho người tiêm. Để nhanh chóng giảm bớt triệu chứng này, bạn có thể áp dụng những biện pháp bài viết đã đề cập ở trên.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital