Là một trong những bệnh lý về đường ruột khá phổ biến ở Việt Nam với tỷ lệ mắc bệnh hội chứng ruột kích thích (IBS) chiếm từ 5-20% dân số. Tỉ lệ này thay đổi theo độ tuổi và từng vùng dân cư.
Menu xem nhanh:
Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích là bệnh rối loạn chức năng của ruột, không gây viêm loét tại ruột. IBS còn có tên gọi khác là bệnh đại tràng chức năng, viêm đại tràng co thắt….Bệnh thường biểu hiện bằng từng đợt, diễn tiến khác nhau nên còn gọi là viêm đại tràng mạn tính.
Đây là bệnh lành tính và ít nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.
Nguyên nhân nào gây ra hội chứng ruột kích thích?
Hiện nay chưa rõ nguyên nhân gây bệnh nhưng có nhiều yếu tố liên quan tới cơ chế sinh bệnh như:
– Rối loạn vận động của ruột: Tăng nhu động biểu hiện bằng việc đại tiện phân lỏng, giảm nhu động biểu hiện bằng táo bón.
– Rối loạn về cảm thụ của ống tiêu hóa: Ống tiêu hóa dễ bị kích thích vì giảm ngưỡng cảm thụ nội tạng, biểu hiện bằng đau bụng.
– Các yếu tố thần kinh trung ương; stress, rối loạn tinh thần, yếu tố tâm lý.
Ngoài ra còn các yếu tố khác như nhiễm khuẩn do thức ăn, hóa chất…
Biểu hiện cụ thể của bệnh là gì?
Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích thường thay đổi khác nhau ở mỗi người bệnh và thay đổi theo thời gian.
– Đau bụng: Đây là triệu chứng thường gặp khi bị hội chứng ruột kích thích. Vị trí đau thường thấy ở vùng hạ vị, hố chậu trái và cũng có thể đau ở bên phải hoặc thượng vị, đau chạy dọc theo khung đại tràng. Triệu chứng này giảm dần sau khi đi đại tiện.
– Thay đổi số lần đại tiện: Nhiều hơn 3 lần trong 1 ngày hoặc ít hơn 3 lần/ tuần. Lúc đại tiện không bình thường, phải rặn nhiều, cảm giác đi như chưa hết phân.
– Phân không bình thường: Phân lỏng hoặc táo bón xen kẽ và lặp lại nhiều lần. Phần có nhầy nhưng không có máu
Các triệu chứng trên thường kéo dài ít nhất 12 tuần hoặc 12 tháng (có thể không liên tục)
Hội chứng ruột kích thích có gây biến chứng?
Bệnh không gây ra biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm, hội chứng ruột kích thích sẽ gây trào ngược dạ dày thực quản, giảm ham muốn tình dục, gặp các vấn đề về tâm lý…
Điều trị hội chứng ruột kích thích như thế nào?
Hiện nay chưa có thuốc riêng biệt nào điều trị hết mọi triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Người bệnh cần tới các bệnh viện chuyên môn để bác sĩ trực tiếp thăm khám, xác định mức độ của bệnh. Từ đó có phác đồ điều trị phù hợp.
Người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng thuốc chống tiêu chảy, thuốc chống táo bón, thuốc chống co thắt gây đau và thuốc điều trị tác động trên thần kinh trung ương…
Cần lưu ý gì trong chế độ ăn uống của người bệnh?
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng đối với người bệnh hội chứng ruột kích thích. Người bệnh cần lưu ý nên:
– Ăn đúng giờ, không bỏ bữa, không ăn muộn vào ban đêm, uống nhiều nước.
– Tránh các thức ăn khó tiêu dễ sinh hơi như khoai, sắn, thực phẩm béo, chế biến sẵn, thức ăn cay nóng, đồ hải sản…
– Tránh các thực phẩm có nhiều axit như cà muối, dưa muối…
– Tránh các đồ uống có ga, chứa chất kích thích (rượu, bia, cà phê..)
Nếu cần được tư vấn, tìm hiểu thêm về hội chứng ruột kích thích, mời độc giả liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc theo số điện thoại 0936 388 288 hoặc 1900 558892 để được hỗ trợ tốt nhất.