Thoát vị là bệnh thường gặp trong khoảng 5% dân số thế giới. Trong đó thoát vị bẹn chiếm khoảng 80% trong tổng số các loại thoát vị. Bệnh chủ yếu ở nam giới với mọi lứa tuổi: bẩm sinh, trẻ em, người lao động nặng hoặc người già có thành bụng yếu.
Thoát vị bẹn là tình trạng bệnh lý khi có các tạng trong ổ bụng như mạc nối, ruột… bị chui xuống bìu qua ống bẹn – nơi có ống dẫn tinh chạy qua.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân nào gây thoát vị bẹn
Có 2 nguyên nhân gây thoát vị bẹn:
- Bẩm sinh: Do còn tồn tại ống phúc tinh mạc, hay gặp ở trẻ em
- Thoát vị mắc phải: Do cân cơ thành bụng quá nhẽo, yếu, cộng thêm tác động tăng áp lực đột ngột ổ bụng. Bệnh hay gặp ở người trưởng thành, ít gặp ở người già.
2. Ai có nguy cơ bị thoát vị bẹn?
Thoát vị xảy ra khi các tạng trong cơ thể ra khỏi vị trí bình thường. Bệnh thường gặp ở nam giới và tỷ lệ thuận với độ tuổi. Khoảng 5% dân số hoặc hơn bị thoát vị thành bụng nói chung, trong đó 75% là thoát vị bẹn.
Những người có áp lực ổ bụng cao, thành bụng yếu, bí tiểu do bệnh phì đại tuyến tiền liệt (u xơ tiền liệt tuyến), táo bón thường xuyên, ho mãn tính, béo phì…cũng dễ bị thoát vị bẹn.
3. Biểu hiện bệnh là gì?
Khi bị thoát vị bẹn, người bệnh sẽ thấy xuất hiện khối phồng vùng bẹn, thường bị bên phải nhiều hơn bên trái. Khối này mềm, thường không đau, rõ hơn khi đứng, to lên khi rặn, ho, hắt hơi, khóc… (khi có sự tăng áp lực trong ổ bụng).
Triệu chứng của thoát vị bẹn là đau đớn, khó chịu và xuất hiện một khối u phồng ở vùng bẹn. Trong một số trường hợp, thoát vị bẹn có thể gây ra biến chứng cấp tính nguy hiểm cho bệnh nhân, thậm chí có thể xảy ra hiện tượng xoắn vặn và gây nghẹt.
4. Làm thế nào để chẩn đoán đúng bệnh?
Ngoài dựa vào các triệu chứng ở trên, để chẩn đoán thoát vị bẹn người bệnh có thể được chỉ định làm các xét nghiệm, kiểm tra cần thiết như siêu âm, nội soi ổ bụng. Những trường hợp khó cần phân biệt với một số bệnh sau:
– Tràn dịch màng tinh hoàn: Da bìu căng, không sờ được mào tinh hoàn, không bấm được màng tinh hoàn, soi đèn pin ánh sáng xuyên qua khối dịch màu hồng nhạt xung quanh, giữa tối.
– Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Sờ bìu có cảm giác như sờ vào búi giun dưới tay. Dồn khối phồng lên hết, bịt lỗ bẹn nông, cho bệnh nhân đứng dậy thả tay thấy khối phồng xuất hiện từ dưới lên (nếu từ trên xuống là trong thoát vị bẹn).
– Tinh hoàn lạc chỗ: Không sờ thấy tinh hoàn cùng bên, ranh giới rõ, mật độ chắc ấn đau tức.
Để chẩn đoán chính xác bệnh thoát vị bẹn, người bệnh cần tìm đến các cơ sở y tế, bệnh viện để được tư vấn chữa trị phù hợp.
5. Điều trị thoát vị bẹn như thế nào?
Có hai phương pháp được áp dụng để điều trị thoát vị bẹn là đeo băng và phẫu thuật.
Đeo băng
– Phương pháp tạm thời không cho tạng sa xuống thêm và chờ phẫu thuật. Đối với trẻ nhỏ đôi khi đeo băng làm khối thoát vị không sa xuống tạo điều kiện cho ống phúc tinh mạc bị bịt lại, cân cơ phát triển có thể khỏi.
– Đối với những trường hợp có chống chỉ định phẫu thuật (quá già yếu, suy tim mạch..) thì đeo băng liên tục để tránh thoát vị không lớn hơn và tránh nghẹt.
Phẫu thuật
Mổ thoát vị bẹn là phương pháp triệt để nhằm tìm khâu cổ túi – cắt túi thoát vị và tái tạo thành bụng.
Dù điều trị bằng phương pháp nào cũng cần có sự chỉ định cụ thể của bác sĩ. Căn cứ vào tình trạng và mức độ bệnh cụ thể, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ hợp lý.