Khám sức khỏe cho nhân viên mang lại lợi ích lớn cho bản thân người lao động và cả doanh nghiệp. Qua hoạt động này, nhân viên sẽ phát hiện sớm các bất thường về sức khỏe để điều trị kịp thời, từ đó an tâm làm việc. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nắm được tình hình thể trạng của người lao động để sắp xếp vào vị trí phù hợp nhất nhằm đảm bảo năng suất công việc.
Menu xem nhanh:
1. Tổng hợp quy định khám sức khỏe cho nhân viên theo thông tư mới nhất
Theo quy định của pháp luật, các công ty, doanh nghiệp phải có trách nhiệm khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên. Một số văn bản pháp luật đã quy định cụ thể về vấn đề này như:
Luật lao động năm 2012, điều 152 về chăm sóc sức khỏe cho người lao động quy định:
– Người sử dụng lao động hàng năm phải tiến hành tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên, kể cả người học nghề hay tập nghề. Riêng với lao động nữ cần phải được thăm khám thêm chuyên khoa phụ sản. Đối với những người làm việc nặng nhọc và độc hại, người lao động là người chưa thành niên, người cao tuổi, người khuyết tật thì cần phải được khám sức khỏe tối thiểu 6 tháng/lần.
– Người lao động làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc phải các bệnh nghề nghiệp cần được khám bệnh nghề nghiệp. Người lao động sau khi bị tai nạn lao động, mắc các bệnh nghề nghiệp nếu còn tiếp tục làm việc thì cần được sắp xếp công việc sao cho phù hợp với sức khỏe.
Tương tự, Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015, điều 21 cũng quy định rõ về khám sức khỏe cho người lao động:
– Ít nhất 1 lần/năm người sử dụng lao động phải tiến hành khám sức khỏe cho người lao động. Khám sức khỏe tối thiểu 6 tháng/lần đối với lao động là người khuyết tật, người cao tuổi, người chưa thành niên, người làm nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại…
Thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động thương binh & xã hội quy định về danh mục các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau:
– Đối tượng lao động là nữ giới phải được thăm khám thêm chuyên khoa phụ sản. Người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám để phát hiện bệnh sớm.
– Trước khi bố trí người lao động làm việc và chuyển sang làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn, các công ty, doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe nhân viên. Sau khi bị tai nạn lao động, hoặc phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động, người lao động cũng cần được thăm khám để đảm bảo sức khỏe trước khi quay lại làm việc.
Tại thông tư 19/2016/TT-BYT của Bộ Y tế về Hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động cũng đã quy định các nội dung về quản lý vệ sinh lao động tại cơ sở bao gồm: thăm khám sức khỏe trước khi bố trí việc làm, thăm khám sức khỏe định kỳ và thăm khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và thăm khám định kỳ bệnh nghề nghiệp. Việcchăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp phải được doanh nghiệp thực hiện từ thời điểm người lao động được tuyển dụng và trong suốt quá trình làm việc của họ.
2. Quy trình khám sức khỏe định kỳ cho người lao động gồm những gì?
Công ty/doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động tại các cơ sở khám bệnh đảm bảo yêu cầu về điều kiện chuyên môn kỹ thuật. Thông tư 14/2013/TT-BYT hướng dẫn về Khám sức khỏe, quy trình khám sức khỏe định kỳ tại công ty, doanh nghiệp cụ thể như sau:
2.1. Bước khám lâm sàng trong hoạt động khám sức khỏe cho nhân viên
– Khai thác tiền sử bệnh tật
– Khám thể lực
– Khám nội tổng quát như: khám tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa,…
– Khám mắt
– Khám tai mũi họng để kiểm tra thính lực của 2 tai
– Khám răng hàm mặt nhằm phát hiện các bệnh răng miệng và các bệnh vùng hàm mặt
– Khám da liễu nhằm phát hiện các bệnh về da
2.2. Bước khám cận lâm sàng trong hoạt động khám sức khỏe cho nhân viên
– Người lao động thường được thực hiện xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu, phân tích nước tiểu, chụp X-quang tim phổi,…
– Bên cạnh đó, tùy theo đặc điểm kinh doanh và sản xuất của mình mà doanh nghiệp có thể cho nhân viên thăm khám thêm các chuyên khoa khác cho nhân viên trong các đợt khám sức khỏe định kỳ công ty.
– Sau khi tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, các công ty/doanh nghiệp phải tổ chức lập, lưu giữ hồ sơ sức khỏe của nhân viên. Đặc biệt, doanh nghiệp phải quản lý chặt chẽ hồ sơ sức khỏe của người mắc bệnh nghề nghiệp.
– Hàng năm, các công ty phải báo cáo về việc quản lý hồ sơ sức khỏe người lao động cho cơ quan có thẩm quyền chuyên môn theo quy định của pháp luật.
3. Người lao động cần chuẩn bị gì khi khám sức khỏe doanh nghiệp định kỳ?
Trong hồ sơ khám sức khỏe định kỳ của mình, người lao động cần chuẩn bị những giấy tờ bao gồm:
– Sổ khám sức khỏe định kỳ của bạn (theo mẫu tại phụ lục 03 của thông tư 14/2013/TT-BYT)
– Nếu nhân viên khám sức khỏe riêng lẻ thì cần xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan mình đang làm việc. Nếu người lao động khám sức khỏe định kỳ theo đợt tập trung thì phải có tên trong danh sách người lao động khám sức khỏe do doanh nghiệp đã lập và gửi cơ sở khám chữa bệnh.
Sau khi khám sức khỏe cho nhân viên, cơ sở khám chữa bệnh sẽ kết luận tình trạng sức khỏe của họ vào sổ khám sức khỏe định kỳ. Tiếp đó, sổ khám sức khỏe này sẽ được trả cho người lao động hoặc chuyển cho công ty, doanh nghiệp theo thỏa thuận trong hợp đồng khám sức khỏe. Tất cả hồ sơ sức khỏe của người lao động sẽ được doanh nghiệp quản lý kể từ khi người lao động bắt đầu làm việc cho đến lúc nghỉ việc. Trường hợp người lao động bị bệnh nghề nghiệp hoặc gặp tai nạn lao động thì khi người đó nghỉ hưu, doanh nghiệp vẫn phải lưu giữ hồ sơ sức khỏe của họ.