Đột quỵ là một tình huống nguy hiểm trong y khoa cần được cấp cứu khẩn cấp. Bởi những di chứng nặng nề mà cơn đột quỵ gây ra, khi nhắc đến cũng khiến nhiều người phải khiếp sợ như: tử vong, liệt vận động trong một thời gian dài hoặc suốt đời, suy giảm nhận thức,… Bài viết sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh đột quỵ não thông qua việc giải đáp những câu hỏi thường gặp dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Đột quỵ có phải tai biến mạch máu não không?
Đột quỵ còn có tên gọi khác là tai biến mạch máu não. Đột quỵ não xảy ra do thiếu máu não bởi sự tắc nghẽn mạch máu hoặc một mạch máu bị vỡ ra.
Nếu không cấp cứu kịp thời các tế bào não thiếu oxy và các dưỡng chất sẽ tổn thương không phục hồi (“chết” tế bào não), khiến người bệnh tử vong.
2. Đột quỵ có biểu hiện như thế nào?
Nếu thấy có những biểu hiện sau, bạn cần lưu ý đến các triệu chứng của bệnh đột quỵ và phải đi thăm khám ngay.
– Đột ngột thấy tê liệt hoặc yếu một bên cơ thể (nửa người bên trái hoặc bên phải).
– Đột ngột bị mất thị lực một hoặc hai mắt.
– Khó nuốt
– Đau đầu dữ dội, đột ngột, trước đó có thể đã từng xuất hiện những cơn đau đầu âm ỉ, kéo dài.
– Hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng.
– Rối loạn ngôn ngữ: nói khó, khó hiểu; nhầm lẫn một cách đột ngột.
3. Thời gian vàng cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là bao lâu?
Trong cấp cứu bệnh nhân bị đột quỵ thời gian chính là “tế bào não”. Càng chậm trễ trong việc cấp cứu, thì càng nhiều tế bào não bị tổn thương và không thể phục hồi. Đó là lý do vì sao khi thấy người bị đột quỵ không nên chần chừ mà phải đưa người bệnh đến bệnh viện ngay, càng sớm càng tốt.
Có một số loại thuốc tiêu sợi huyết được sử dụng để hạn chế tổn thương não do nguyên nhân cục máu đông gây tắc mạch máu não gây ra, nhưng chúng cần phải được sử dụng trong vòng 3-4,5 giờ đầu, kể từ khi cơn đột quỵ xuất hiện.
Vì vậy, thời gian vàng cấp cứu người bệnh đột quỵ tốt nhất là trong vòng 3 giờ đầu khi cơn tai biến xảy ra.
4. Đột quỵ não thể thiếu máu cục bộ là gì?
Là tình trạng các tế bào não bị tổn thương “chết” do thiếu máu lên não. Thủ phạm chính có thể do cục máu đông (hình thành tại chỗ, hoặc di chuyển từ nơi khác đến não) làm tắc nghẽn mạch máu bên trong não hoặc do áp lực bơm máu từ tim lên não chậm do suy tim, rung nhĩ,…
Trường hợp này chiếm tỷ lệ lớn trong các ca đột quỵ não (khoảng 80%). Trường hợp thiếu máu não thoáng qua (TIA) tuy không gây đột quỵ ngay, nhưng tăng nguy cơ đột quỵ trong tương lai gấp nhiều lần nếu không được kiểm soát tốt. Thiếu máu não thoáng qua (TIA) còn được gọi là bệnh lý tiền đột quỵ.
5. Đột quỵ não thể xuất huyết não là gì?
Xuất huyết não hay còn gọi là vỡ mạch máu não. Đây là tình trạng một mạch máu não đột nhiên bị vỡ ra, khiến máu tràn ra các khu vực xung quanh. Trường hợp này ít gặp hơn nhưng tiên lượng tử vong cao.
Nguyên nhân là mạch máu não bị suy yếu đi và vỡ ra, phần lớn do dị dạng mạch máu não (phình mạch máu não) hoặc chấn thương do tai nạn gây đứt mạch máu não, huyết áp cao.
6. Nguyên ngân và các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ là gì?
6.1 Nguyên nhân nào gây đột quỵ não?
Xơ vữa động mạch là nguyên nhân phổ biến gây đột quỵ. Khi các chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác tích tụ tại lòng động mạch, lâu ngày hình thành các mảng bám và cứng hơn ở thành động mạch, từ đó làm hẹp lòng động mạch cản trở quá trình lưu thông của máu lên não.
Cục máu đông hình thành tại chỗ hoặc do sự di chuyển từ nơi khác gây tắc nghẽn mạch máu.
xơ vữa mạch máu tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các cục máu đông.
Tim co bóp yếu do các bệnh lý về tim và rung nhĩ, gây thiếu máu lên não.
Huyết áp cao, dị dạng mạch máu não, chấn thương gây đứt mạch máu não là nguyên nhân gây đột quỵ thể xuất huyết não (vỡ mạch).
6.2 Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não là gì?
Tuổi tác
Bệnh tiểu đường
Huyết áp cao
Cholesterol cao
Béo phì
Tiền sử gia đình có người bị đột quỵ
Tắm đêm
Thức khuya
Uống nhiều rượu, bia
Hút thuốc lá
Stress căng thẳng, lo âu
Lười vận động thể dục thể thao
…
Thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ sớm là giải pháp hữu ích giúp phát hiện các nguy cơ kể trên, từ đó giúp bạn nhận biết sớm, chủ động hơn trong việc theo dõi, kiểm soát, thay đổi lối sống để bản thân tránh bị đột quỵ não.
7. Khi bị đột quỵ, điều trị khẩn cấp như thế nào?
Tùy thuộc vào loại đột quỵ mà phương pháp xử trí cũng khác nhau.
Nếu là đột quỵ do thiếu máu não cục bộ, thì phương án điều trị khẩn cấp là cần tập trung vào dùng thuốc tiêu sợi huyết để phục hồi lưu lượng máu. Mục đích của thuốc tiêu sợi huyết là làm tan cục máu đông và giảm tổn thương lâu dài cho người bệnh, tái thông mạch máu.
Với đột quỵ xuất huyết não, các bác sĩ sẽ cân nhắc việc sử dụng thuốc kiểm soát huyết áp để đưa huyết áp xuống mức hợp lý, đồng thời làm giảm chảy máu thêm và giúp cho khối máu tụ trong não bớt lan rộng ra.
Nếu huyết áp của bệnh nhân quá cao, các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc dạng tiêm bằng bơm tiêm điện để điều chỉnh lượng thuốc huyết áp thay vì thuốc dạng viên.
Một số loại thuốc khác cũng được áp dụng để làm giảm triệu chứng, chẳng hạn như thuốc giảm đau để giảm đau đầu hoặc thuốc chống nôn nếu có nôn…
Nếu có nguy cơ bị co giật, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng thuốc chống cơn co giật….
Trong trường hợp bệnh nặng, cần phải điều trị và chăm sóc tích cực bằng nhiều biện pháp chuyên môn như thở oxy, thở máy…là bắt buộc để cứu sống bệnh nhân.
Phẫu thuật não chỉ thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt. Nếu như sau khi xem xét, bác sĩ Nội thần kinh nhận thấy việc phẫu thuật có lợi cho bệnh nhân hơn là chỉ điều trị bằng thuốc (nội khoa) và chăm sóc tích cực.
Người bệnh sau đột quỵ não sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tự chăm sóc bản thân, công việc, giao tiếp, tâm lý,… Vì vậy, sau tai biến người bệnh cần phải được tập luyện để phục hồi càng sớm, càng tốt. Phục hồi sau đột quỵ bằng trị liệu ngôn ngữ, bằng vật lý trị liệu, liệu pháp trò chuyện,