Tìm hiểu cách trị tai biến mạch máu não

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ CKI

Trịnh Thị Khanh

Bác sĩ Nội Khoa

Cấp cứu nhanh chóng, điều trị kịp thời là cách trị tai biến mạch máu não hiệu quả. Nếu tìm được phương án điều trị phù hợp sẽ giảm nguy cơ tử vong, tăng khả năng hồi phục cho người bệnh.

1. Thông tin cần biết về tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não (đột quỵ não) là tình trạng không thể cung cấp đủ máu và oxy đến não khiến não bị mất chức năng đột ngột. Từ đó dẫn đến bại liệt, rối loạn ngôn ngữ hoặc hôn mê sâu, khả năng tử vong cao. Bệnh nhân sau tai biến khả năng hồi phục không cao, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

1.1. Dấu hiệu nhận biết tai biến mạch não

Các dấu hiệu sau đây cảnh báo bệnh tai biến mạch máu não theo mức độ từ nhẹ đến nặng mà ai cũng phải biết để bảo vệ sức khỏe bản thân và người nhà:

– Đột ngột có cảm giác tê yếu ở mặt, tay chân hoặc một nửa người, không thể cầm nắm và hoạt động bình thường.

– Có dấu hiệu loạn ngữ, lú lẫn, nói những câu vô nghĩa.

– Rối loạn thị giác, đau nhức mắt.

– Mất thăng bằng, choáng váng, khó điều khiển tay chân.

– Đau đầu dữ dội, có thể đi kèm triệu chứng mất ngủ.

Khi cơ thể bắt đầu những triệu chứng đầu tiên, bệnh nhân được cấp cứu trong vòng 3-4 tiếng sẽ có khả năng hồi phục tốt. Để càng lâu, khả năng điều trị và phục hồi càng thấp, tỷ lệ tử vong cao hơn.

1.2. Cảnh báo các nguyên nhân gây tai biến mạch máu não

Có rất nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng tai biến mạch máu não, tuy nhiên một số nguyên nhân chính là:

– Thiếu máu cục bộ

Xơ vữa động mạch

– Xuất huyết não

– Cao huyết áp

– Bệnh lý, bệnh nền

– Tuổi cao

Nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ não bao gồm:

– Người cao tuổi có bệnh nền về tim mạch, huyết áp

– Người thừa cân, béo phì

– Người nghiện rượu, hút nhiều thuốc lá, sử dụng chất kích thích liên tục

– Người ít vận động

– Người bị stress, áp lực, lo âu trong thời gian dài

– Nhóm bệnh nhân tiểu đường, huyết áp cao.

Lối sống lười vận động, ít tập luyện khiến nguy cơ bị tai biến tăng cao

Lối sống lười vận động, ít tập luyện khiến nguy cơ bị tai biến tăng cao

2. Tìm hiểu các cách trị tai biến mạch máu não

Mục tiêu điều trị tai biến mạch máu não là giảm tỷ lệ tử vong, phục hồi tối đa các chức năng sau tai biến. Hiện nay, các cách trị tai biến bao gồm:

2.1. Cách trị tai biến nhóm 1 – phương pháp điều trị tổng hợp

Là áp dụng nhiều phương pháp điều trị cùng lúc như:

– Thay đổi tư thế nằm

– Truyền dịch

– Dẫn lưu

– Tăng thông khí

– Phẫu thuật

– Sử dụng thuốc

Bệnh nhân luôn được theo dõi nghiêm ngặt, nuôi ăn bằng đường sonde dạ dày và cung cấp dinh dưỡng dạng lỏng. Bên cạnh đó còn theo dõi và áp dụng các phương pháp điều trị tích cực với mục tiêu hồi phục khả quan các chức năng nhận thức, cảm giác, tri giác của người bệnh đồng thời chống nhiễm trùng.

2.2. Cách trị tai biến nhóm 2 – phương pháp điều trị đặc hiệu

Phương pháp này áp dụng cho bệnh nhân bị tai biến do đột quỵ thiếu máu não. Bệnh nhân sẽ được dùng thuốc tiêu huyết khối, thuốc chống kết tập tiểu cầu. Thuốc aspirin cũng được sử dụng để điều trị dự phòng và điều trị tắc mạch. Các loại thuốc như thuốc chống đông máu, điều trị tiêu cục huyết khối, thuốc bảo vệ tế bào thần kinh, dinh dưỡng thần kinh cũng dành cho phương pháp này. Cách trị tai biến bằng điều trị đặc hiệu phù hợp với bệnh nhân tai biến được phát hiện sớm, đưa đến bệnh viện trong khoảng 3-4 tiếng sau khi xuất hiện triệu chứng.

Cách trị tai biến là sử dụng thuốc, bác sĩ kết hợp nhiều loại với nhau

Bác sĩ sẽ kết hợp sử dụng nhiều loại thuốc để điều trị bệnh tai biến mạch máu não

2.3. Điều trị dự phòng tai biến mạch não rất cần thiết

Có thể thấy, việc điều trị tai biến mạch máu não còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do vậy phương pháp điều trị hiệu quả chính là phòng ngừa bệnh từ sớm. Đặc biệt với những nhóm người có nguy cơ cao, người mắc bệnh về đường huyết, tim mạch, người cao tuổi cần kiểm soát bệnh lý hiệu quả. Tất cả mọi người cần xây dựng lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và tập thể dục, thể thao để tránh nguy cơ bị tai biến.

3. Các lưu ý đặc biệt với bệnh tai biến mạch máu não

3.1. Nhận biết bệnh qua các triệu chứng cảnh báo đặc trưng

Nhận biết sớm một người đang bị tai biến mạch máu não có ý nghĩa quan trọng trong việc cứu sống và điều trị. Khi người bệnh có các triệu chứng bao gồm:

– Tê tay, tê chân

– Yếu liệt tứ chi, khó cầm nắm các đồ vật

– Méo miệng hoặc méo một bên mặt

– Đột ngột đau đầu dữ dội, uống thuốc nhưng không thuyên giảm

– Khó nói chuyện, không phát âm rõ tiếng, nói những câu vô nghĩa

– Không hiểu người đối diện đang nói gì, không diễn đạt được suy nghĩ của bản thân

– Mất ý thức, hôn mê sâu

Ngay lúc người bệnh xuất hiện triệu chứng trên, cần lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời. Cần lưu ý, không tự ý châm cứu hay sử dụng các loại thuốc tại nhà. Sử dụng sai thuốc sẽ khiến bệnh trở nặng và khó điều trị hơn, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Ngoài ra có thể dựa trên nguyên tắc FAST để nhận biết dấu hiệu cảnh báo ở một người bị tai biến:

F – Face Drooping: Yếu liệt một nửa mặt đột ngột

A – Arm Weakness: Đột ngột yếu tay chân, khả năng vận động giảm

S – Speech Difficulty: Đột ngột nói chuyện khó khăn, nói lắp, …

T – Timing to call: Phải gọi ngay đến cơ sở y tế gần nhất để nhờ sự hỗ trợ.

Tê yếu tay chân đột ngột là hồi chuông cảnh báo bệnh đột quỵ não đang tiềm ẩn

Tê yếu tay chân đột ngột là hồi chuông cảnh báo bệnh đột quỵ não đang tiềm ẩn

3.2. Giải đáp: Bệnh tai biến mạch não có chữa khỏi được không?

Đây là câu hỏi rất phổ biến mà ai cũng muốn biết câu trả lời. Đáng tiếc là chưa có phương pháp điều trị hoàn toàn cho bệnh tai biến mạch não. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể hồi phục phần lớn chức năng thần kinh nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Điều quan trọng là cần nắm được các dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh lý này và đưa đến cơ sở y tế uy tín để được điều trị phù hợp. Luôn ghi nhớ rằng thời gian cứu bệnh nhân tai biến được tính bằng phút, nên luôn yêu cầu sự khẩn trương.

Tóm lại, hiện nay có nhiều cách điều trị tai biến mạch máu não. Tùy theo trường hợp cụ thể, thời gian cấp cứu, … mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị thích hợp. Tốt nhất, ngay khi cơ thể có triệu chứng cảnh báo, cần đến chuyên khoa Nội thần kinh càng sớm càng tốt.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital